|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung chè thế giới dự báo sẽ thiếu và cơ hội cho Việt Nam

11:03 | 16/06/2020
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng trong thời gian tới dự kiến sẽ thiếu nguồn cung chè trên thị trường thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất chè của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu chè.

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 5 xuất khẩu chè đạt 10 nghìn tấn, trị giá 17 triệu USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 7,8% về trị giá so với tháng 5/2019. 

Giá xuất khẩu mặt hàng chè trong tháng 5 bình quân đạt 1.674,8 USD/tấn, giảm 2,3% so với cùng kì năm 2019. 

Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chè ước đạt 46 nghìn tấn, trị giá 72 triệu USD, giảm 1,0% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với cùng năm 2019. 

Do dịch COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng tiêu dùng giảm. 

Vì vậy, xuất khẩu chè của Việt Nam dự báo trong quý 2/2020 tiếp tục giảm. Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại Việt Nam đã trở lại bình thường, sản lượng chè sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19

Vì vậy, khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt, xuất khẩu chè của Việt Nam sẽ tăng trở lại. 

Các quốc gia xuất khẩu chè lớn như Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka vẫn đang trong tình trạng kiểm soát dịch bệnh nên bị hạn chế các hoạt động thu hoạch, trồng trọt… làm ảnh hưởng đến sản lượng chè của các nước này. 

Điển hình như Ấn Độ, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh, khiến các đồn điền phải tạm dừng thu hoạch, dự báo sản lượng chè của Ấn Độ trong năm 2020 giảm khoảng 9%. 

Bên cạnh đó, sản lượng chè của Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới, cũng sẽ giảm do thời tiết không thuận lợi. 

"Vì vậy, trong thời gian tới dự kiến sẽ thiếu nguồn cung chè trên thị trường thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất chè của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu chè", Cục Xuất nhập khẩu nhận định. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Việt Nam là một quốc gia trồng, sản xuất và chế biến chè, có diện tích và sản lượng chè đứng thứ 5 nhưng năng suất lại đứng hàng thứ 3 trong tổng số 50 quốc gia sản xuất chè trên thế giới. 

Đến nay, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha chè, năng suất đạt gần 95 tạ/ha.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng những năm tới cần giữ ổn định diện tích cây chè, nhưng phải nâng cao giá trị gia tăng của chè và sản phẩm trà. 

Do đó, các địa phương cần đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. 

Nhằm nâng cao chất lượng trà, cần đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm trà, từ đó gắn với chọn giống và chế biến trà; chú ý phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới, nhưng đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng sản phầm trà truyền thống.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

H.Mĩ