Người Trung Quốc nhìn tiêu cực hơn về Mỹ sau khi Trump làm tổng thống
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền trong vòng 1 tháng qua đã thực sự ảnh hưởng tới cảm nhận của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các thương hiệu của Mỹ như thế nào? Hai công ty China Skinny và Findoout, chuyên về nghiên cứu hành vi người tiêu dùng ở Thượng Hải, đã hợp tác để cùng tìm ra câu trả lời.
Ảnh minh họa. Nguồn: Forbes |
Một cuộc khảo sát 2.000 khách hàng ở Trung Quốc thực hiện vào cuối tháng 2/2017, đã chỉ ra một sự thay đổi lớn về cảm nhận của khách hàng Trung Quốc đối với những công ty Mỹ, cũng như sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp.
Dù không có cuộc chiến thương mại sắp xảy ra, lời nói và hành động của ông Trump đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo báo cáo của Skinny/ Findoout, 41,2% người tiêu dùng Trung Quốc có cái nhìn tiêu cực đối với Mỹ sau khi ông Trump lên nắm quyền, trong khi chỉ có 8,1% có cái nhìn tích cực hơn.
Sự thay đổi này có tác động trực tiếp tới cách nhìn của khách hàng Trung Quốc đến các thương hiệu của Mỹ. Theo báo cáo, hứng thú mua sắm tài sản và chứng khoán Mỹ của người dân Trung Quốc giảm 17,7%, mong muốn đi du lịch Mỹ cũng giảm 13,9%, thực phẩm và đồ uống, đồ dùng cho mẹ và bé, sản phẩm làm đẹp giảm 5-10%, và cả ý định du học ở Mỹ cũng giảm 10%.
Tuy nhiên, thái độ của khách hàng Trung Quốc đối với văn hóa hay những sản phẩm giải trí của Mỹ vẫn có sự cải thiện. Báo cáo của Skinny/ Findoout cho biết, phim điện ảnh, âm nhạc, media và thể thao của Mỹ đều trong xu hướng đi lên. Ông Mark Tanner, thành viên của Skinny China nói, sự thật này “chỉ ra rằng ông Trump kích thích sự tò mò của khách hàng Trung Quốc và làm tăng hứng thú của họ đối với văn hóa Mỹ”.
Sự thay đổi cảm nhận đối với một quốc gia có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các thương hiệu của nước đó tại Trung Quốc. Ví dụ điển hình nhất là lần căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc về vấn đề biển đảo năm 2012, người không thích Nhật Bản biểu tình khắp Trung Quốc và kêu gọi tảy chay hàng hóa của nước này. Trong đó, công ty sản xuất ô tô của Nhật Bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và 3 công ty sản xuất xe hàng đầu của Nhật Bản đã báo cáo doanh số bán hàng giảm 35-49% tại Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sau Canada và Mexico, chiếm hơn 113 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng năm của Mỹ, và phát triển nhanh nhất về những đối tác kinh doanh lớn.
Theo báo cáo của Oxford Economics, Trung Quốc cũng nhanh chóng trở thành một trong những thị trường thu hút nhất hành tình về tiêu thụ hàng hóa nước ngoài, với giới trung lưu sẽ tăng lên 4 lần vào năm 2025.
Bên cạnh đó, số lượng sinh viên du học và khách du lịch mang lại 21 tỷ USD hàng năm cho nền kinh tế Mỹ, với số lượng sinh viên Trung Quốc tăng 5 lần so với 1 thập kỷ trước và số khách du lịch tăng 73% từ năm 2012 đến năm 2015. Nhưng hai ngành này cũng đang trên đà đi xuống từ khi ông Trump làm tổng thống.
Ông Tanner cho biết thêm “các doanh nghiệp xuất khẩu không nên đánh giá thấp sức ảnh hưởng của khách du lịch và sinh viên ở Mỹ. Họ sẽ duy trì sở thích từ đồ ăn đến thời trang đến xe Fords kể cả sau khi họ về nước. Họ sẽ chia sẻ những cảm nhận của mình cho bạn bè và người thân qua mạng xã hội, và tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh qua mạng, một hình thức đã giúp nhiều thương hiệu nước ngoài bán hàng tại Trung Quốc”.
Tóm lại, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc nên là chìa khóa để theo đuổi việc “biến nước Mỹ vĩ đại một lần nữa”, sự thay đổi về cảm nhận của người tiêu dùng Trung Quốc đối với nước Mỹ sẽ trực tiếp tác động tới vị trí của các thương hiệu Mỹ trên thị trường lớn nhất thế giới này.