|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người tiêu dùng Việt e ngại trước những sản phẩm mới

00:43 | 22/05/2018
Chia sẻ
Doanh nghiệp ở các địa phương vẫn đối mặt với thách thức lớn khi tung sản phẩm mới ra thị trường do tâm lý e ngại của người tiêu dùng.
nguoi tieu dung viet e ngai truoc nhung san pham moi Cách ứng dụng công nghệ màn hình tương tác để tiếp thị sản phẩm mới

Hội chợ Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam được tổ chức tại công viên Thống Nhất từ ngày 18/5/2018 với sự tham gia của hơn 350 gian hàng trên toàn quốc. Hội chợ mang đến cơ hội cho các đơn vị giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng và tìm được đầu ra ổn định.

Nơi hội tụ các thương hiệu Việt

Trong thời gian diễn ra hội chợ, thời tiết Hà Nội chịu một đợt nắng nóng với mức nhiệt cao nhất lên đến 36 độ. Tuy nhiên, các gian hàng vẫn đón đông đảo khách tiêu dùng đến tham quan, mua bán.

Theo Ban tổ chức, đây là lần đầu tiên Hội chợ Liên minh Hợp tác xã diễn ra nhưng đã thu hút 350 gian hàng của các đơn vị trên mọi miền tổ quốc. Các mặt hàng được bày bán rất đa dạng từ đồ thủ công mỹ nghệ, nông sản, hải sản cho đến dược phẩm, đồ may mặc.

Nhiều hợp tác xã tham gia hội chợ - như HTX Hà Nội, HTX Bình Thuận, HTX Đà Nẵng, HTX Tây Nguyên, HTX Cà Mau. Công tác chuẩn bị của Ban tổ chức được các HTX đánh giá là khá tốt, các gian hàng đến tham gia đều không mất phí.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, đại diện HTX Trà Vinh cho biết: “Chúng tôi mang đến Hội chợ các loại nông sản đặc trưng của địa phương. Để vượt qua quãng đường dài, chúng tôi phải chuẩn bị rất kĩ lưỡng”.

nguoi tieu dung viet e ngai truoc nhung san pham moi

Dù nhiệt độ thủ đô khá cao hôm 18/5, các gian hàng vẫn đón nhiều lượt khách tham quan sản phẩm. Lượng khách đông nhất tập trung vào buổi sáng và tối. Ảnh: Kiều Oanh

Theo ông Ngọc, công tác chuẩn bị của Ban tổ chức khá tốt nhưng các HTX đều đã có mặt và sẵn sàng trưng bày sản phẩm từ ngày 17/5. Tuy nhiên, đến ngày 18/5 các gian hàng mới chính thức được hoạt động và có khách tham quan.

Phạm Xuân Thành, đại diện hợp tác xã Bà Rịa – Vũng Tàu hào hứng giới thiệu các sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng. Anh chia sẻ rằng rất bất ngờ với sự đa dạng của các mặt hàng được trưng bày trong hội chợ.

Chị Trần Thị Phương, một khách tham quan đến từ Hà Nội cho biết chị tới từ sớm và chọn được nhiều sản phẩm ưng ý. Chị Phương cho rằng hội chợ có quy mô khá lớn với sự góp mặt của nhiều thương hiệu mới.

“Tôi thấy rất nhiều mặt hàng chất lượng nhưng lại chưa được nhiều người biết đến. Qua hội chợ, tôi thấy rằng các thương hiệu Việt đang có nhiều bước phát triển”.

Tại sao chất lượng cao nhưng sản phẩm vẫn chưa đến tay người tiêu dùng?

Sản phẩm được mang đến hội chợ đều là của Liên minh HTX các địa phương sản xuất và chịu trách nhiệm về chất lượng. Bên cạnh sản phẩm đặc trưng từng địa phương, các đơn vị cũng bày bán nhiều mặt hàng mới mà HTX đang đầu tư phát triển.

Góp mặt trong hội chợ có nhiều thương hiệu mới và đang tìm chỗ đứng trên thị trường. Bài toán tìm hướng đi cho thương hiệu Việt dường như vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

nguoi tieu dung viet e ngai truoc nhung san pham moi

Gian hàng của HTX Tiền Giang trưng bày sản phẩm socola được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam. Socola Việt Nam vẫn là một sản phẩm mới mẻ với nhiều người tiêu dùng. Ảnh: Kiểu Oanh

Theo anh Nguyễn Văn Vũ (Hà Nội), một phần là do tâm lý của người tiêu dùng ngại thử những sản phẩm từ thương hiệu mới. Bên cạnh đó, tâm lý sính ngoại, không thích sử dụng hàng nội địa cũng là một nguyên nhân.

“Người ta có xu hướng chọn mua những sản phẩm thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện báo đài. Bản thân tôi cũng e ngại trước một thương hiệu hoàn toàn mới. Một sản phẩm muốn được đón nhận cần có nhiều thời gian khẳng định mình”.

Từ góc nhìn của một đơn vị sản xuất, chị Phùng Thị Châm từ công ty Kimmy Chocolate cho rằng một phần nguyên nhân là do hạn chế về truyền thông.

“Một đơn vị mới phát triển gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, không thể bỏ qua khó khăn về tài chính. Để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, chúng tôi cần một số tiền không nhỏ. Đó là chưa kể đến hoạt động quảng bá của thương hiệu nước ngoài luôn tốt hơn các đơn vị Việt Nam”.

Loay hoay tìm đầu ra

Nhiều sản phẩm từ các HTX mới chỉ phân phối trên thị trường địa phương hoặc các vùng lân cận mà chưa tìm được một đầu ra ổn định. Muốn mở rộng thị trường, sản phẩm phải được người tiêu dùng biết đến và đón nhận.

Việt Nam là một thị trường có tiềm năng nhưng bấy lâu nay câu chuyện đầu ra vẫn là bài toán khó với nhiều cơ sở sản xuất và doanh nghiệp. Thị trường có nhiều sản phẩm tốt nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn đang phải sử dụng sản phẩm thiếu chất lượng.

Chị Nguyễn Phương An (Hà Nội) là một người tiêu dùng khá cẩn thận và khó tính. Chị cho biết luôn tìm hiểu kĩ trước khi mua một sản phẩm.

“Tuy nhiên, tôi cũng không dám an tâm 100%. Thị trường thật giả lẫn lộn, đó là nơi sản phẩm tồi có thể đứng cùng chỗ với sản phẩm tốt”.

nguoi tieu dung viet e ngai truoc nhung san pham moi

Nhiều khách hàng vẫn rất dè dặt trước khi lựa chọn một sản phẩm có thương hiệu mới. Ảnh: Kiểu Oanh

Đồng quan điểm với chị An, ông Trần Đình Trọng – Chủ tịch HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng EATU cho rằng thị trường tự do cũng là một con dao hai lưỡi. Theo ông, rất khó để người tiêu dùng phân biệt đâu là sản phẩm tốt và đâu là sản phẩm chưa tốt. Chính vì thế, những thương hiệu mới cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc khẳng định chất lượng sản phẩm.

Đến với hội chợ, chị Lương Thị Oanh là đại diện của HTX Nông nghiệp EAWY. Đơn vị của chị giới thiệu sản phẩm cà phê và hồ tiêu Đăk Lăk. Chị cho biết, sản phẩm cà phê của đơn vị đã đạt chuẩn và được cấp phép. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm vẫn chưa ổn định.

“Sản phẩm của chúng tôi được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, hoàn toàn là cà phê nguyên chất không pha tạp chất. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm được chỗ đứng cho hạt cà phê của mình vì người tiêu dùng bị đánh lừa bởi những loại cà phê trộn hóa chất. Mục đích của chúng tôi và cũng của nhiều đơn vị khác khi đến hội chợ là tìm được hợp đồng phân phối cho sản phẩm của mình”.

Bên cạnh đó, chị mong muốn người tiêu dùng Việt Nam hãy thông thái lựa chọn và có cái nhìn thiện cảm, cởi mở hơn với các sản phẩm trong nước. Chỉ như vậy, các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp mới phát triển và tìm được chỗ đứng cho mình.

Kiều Oanh