|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Người nội bộ Tập đoàn Bệnh viện TNH đồng loạt thoái vốn

15:51 | 04/09/2024
Chia sẻ
Hoạt động thoái vốn của người nội bộ và bên liên quan tại CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH (Mã: TNH) khởi đầu từ tháng 7 và kéo dài qua tháng 8. Ngược lại, một tổ chức ngoại trở thành cổ đông lớn và tiếp tục tăng sở hữu.

Từ ngày 19/7 đến 23/7, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Lê Xuân Tân và ông Nguyễn Văn Thủy - Thành viên HĐQT cũng đã bán lần lượt 1,5 triệu cp và 3,5 triệu cp, hạ tỷ lệ sở hữu về 1,8% và 2,37% vốn.

4 người nhà Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Hoàng Tuyên đã thoái toàn bộ cổ phiếu nắm giữ vào cùng ngày 15/7 (ngoại trừ bà Hồng, chị dâu ông Tuyên, còn sở hữu không đáng kể). Tổng khối lượng bán ra đạt tổng cộng gần 5 triệu cp, tương ứng với hơn 2,5% vốn công ty. Cá nhân ông Tuyên vẫn là cổ đông lớn sở hữu 7,35 triệu cp, tương ứng với 6,7% vốn.

Các giao dịch trên đều được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.

Mới nhất, ông Nguyễn Xuân Đôn, bố vợ ông Đào Mạnh Duy – Phó Tổng Giám đốc, đã bán toàn bộ 4,3 triệu cp (3,9% vốn) từ ngày 6/8 đến 28/8. Ông Đôn vừa miễn nhiệm Thành viên HĐQT từ cuối tháng 6. 

Chiều ngược lại, ông Nguyễn Anh Đĩnh, con ông Nguyễn Văn Thủy – Thành viên HĐQT mua mới 100.000 cp (0,09% vốn) từ 10/7 đến 8/8 chỉ chiếm 1/10 lượng đăng ký. Cùng thời gian, ông Ngô Minh Trường, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, đã gom vào 26.500 cp (chiếm 5,3% lượng đăng ký).

 Thống kê giao dịch của lãnh đạo và người liên quan tại TNH trong tháng 7 - 8. (Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo giao dịch).

Như vậy, hoạt động bán ra của nhóm cổ đông nội bộ rõ ràng áp đảo so với chiều mua. Diễn biến này xảy đến đồng thời với việc cổ đông ngoại Blooming Earth tăng sở hữu.

Cụ thể, Blooming Earth Pte. Ltd trở thành cổ đông lớn tại TNH sau khi mua thêm 412.000 cp trong phiên 12/7. Sau đó, tổ chức Singapore này tiếp tục mua 4,3 triệu cp phiên 15/7, nâng sở hữu tại đây lên thành 10 triệu cp, chiếm 9,1% vốn.

Riêng phiên 15/7, TNH ghi nhận giao dịch thỏa thuận với khối lượng đúng bằng khối lượng Blooming Earth mua vào. Giá trị giao dịch gần 129 tỷ đồng, trung bình gần 30.000 đồng/cp. Phiên này, TNH đóng cửa tại 28.450 đồng/cp xấp xỉ phiên 9/7 tuần trước đó – đồng thời là mức thị giá cao nhất hai năm.

Phiên 15/7 còn chứng kiến room ngoại của TNH giảm xuống chỉ còn 1,3 triệu cp. Chỉ tiêu này sau đó tăng lên nhưng không vượt 2,1 triệu cp cho đến 23/8 (1,8 triệu cp tại 23/8). Kể từ 26/8, room ngoại tăng vọt lên trên 24 triệu cp, duy trì đến 30/8.

Về diễn biến thị giá, TNH sau khi đạt đỉnh giữa tháng 7 đã giảm trở lại 24%, về 21.500 đồng/cp vào giữa tháng 8. So với đáy gần nhất này, cổ phiếu đã tăng 15%, kết phiên 4/9 tại 24.800 đồng/cp.

Thanh khoản trở nên sôi động với khối lượng giao dịch bình quân phiên qua một quý đạt 1,2 triệu cp, gấp đôi bình quân năm.

 Diễn biến cổ phiếu TNH từ 2022 đến 4/9. (Biểu đồ: TradingView).

Về tình hình hoạt động, vào đầu tháng 6, HĐQT TNH thông qua việc ký phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian vay vốn các thành viên HĐQT với số tiền 92 tỷ đồng. Đây là số tiền công ty vay các lãnh đạo để trả nợ trái phiếu phát hành năm 2020.

Thời gian gia hạn đến ngày 31/3/2025. Lý do là công ty cần thực hiện xong thủ tục phát hành cổ phiếu theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2023 và có nguồn vốn mới để bố trí trả nợ. Đã là lần thứ ba công ty xin hoãn thời gian trả nợ cho nhóm lãnh đạo và lý do được đưa ra giống nhau. Lần đầu tiên, công ty xin gia hạn đến 31/5/2024, lần thứ hai đến 31/10/2024.

Khoản vay này không có tài sản đảm bảo, lãi suất vay bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của BIDV áp dụng vào ngày 1/9/2022.

Danh sách các thành viên HĐQT đã cho TNH vay bao gồm: ông Hoàng Tuyên (35,6 tỷ đồng); ông Lê Xuân Tân (11,4 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Thuỷ (35 tỷ đồng); ông Nguyễn Xuân Đôn (mới miễn nhiệm) (10 tỷ đồng).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông công ty đã thông qua phương án chào bán hơn 15,2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ đợt chào bán (152 tỷ đồng) dự kiến được dùng để trả nợ vay các cá nhân thành viên HĐQT nêu trên, số còn lại để bổ sung vốn lưu động và trả nợ các tổ chức tín dụng.

TNH từng kỳ vọng kế hoạch chào bán cổ phiếu trên sẽ triển khai từ cuối năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Về kết quả kinh doanh mới nhất, TNH thực hiện 34% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên ghi nhận doanh thu thuần 222 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 53 tỷ đồng, giảm lần lượt 3% và 14% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cho biết doanh thu giảm 3% nhưng giá vốn tăng 11% dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 21%. Điều này đến từ trong kỳ tập trung hoàn thiện dự án Bệnh viện TNH Việt Yên. Ngoài ra, từ tháng 4, công ty thực hiện điều chỉnh thu nhập người lao động khi Nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ sở từ tháng 7.

Phía công ty nhận định nền kinh tế sau dịch đã trên đà hồi phục nhưng đan xen cơ hội lẫn thách thức, và vẫn tác động đáng kể đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe, sử dụng dịch vụ y tế. 

Kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm của TNH. (Nguồn: TNH).

 

Xuân Nghĩa

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Ước tính sơ bộ đợt bão lũ này gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ước tính sơ bộ đợt bão lũ ở miễn Bắc gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng. So với kịch bản không có bão số 3, tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35 điểm %.