|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) xin hoãn trả nợ lãnh đạo lần thứ ba

14:00 | 12/08/2024
Chia sẻ
Đây là lần thứ ba, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) xin hoãn thời gian trả khoản nợ hơn 92 tỷ cho lãnh đạo công ty.

HĐQT CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) vừa thông qua việc ký phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian vay vốn các thành viên HĐQT với số tiền 92 tỷ đồng. Đây là số tiền công ty vay các lãnh đạo để trả nợ trái phiếu phát hành năm 2020. 

Thời gian gia hạn đến ngày 31/3/2025. Lý do là công ty cần thực hiện xong thủ tục phát hành cổ phiếu theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2023 và có nguồn vốn mới để bố trí trả nợ theo hợp đồng đã ký. 

Đây là lần thứ ba, TNH xin hoãn thời gian trả nợ cho nhóm lãnh đạo và lý do được đưa ra trong ba lần đều giống nhau. Lần đầu tiên, công ty xin gia hạn đến ngày 31/5/2024, lần thứ hai xin gia hạn đến ngày 31/10/2024.

Khoản vay này không có tài sản đảm bảo, lãi suất vay bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam áp dụng vào ngày 1/9/2022.

Danh sách các thành viên HĐQT đã cho TNH vay bao gồm: ông Hoàng Tuyên - Chủ tịch HĐQT (35,6 tỷ đồng); ông Lê Xuân Tân (11,4 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Thuỷ (35 tỷ đồng); ông Nguyễn Xuân Đôn (10 tỷ đồng).

 Nguồn: TNH.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông công ty đã thông qua phương án chào bán hơn 15,2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ đợt chào bán (152 tỷ đồng) dự kiến được dùng để trả nợ vay các cá nhân thành viên HĐQT nêu trên, số còn lại để bổ sung vốn lưu động và trả nợ các tổ chức tín dụng.

TNH từng kỳ vọng kế hoạch chào bán cổ phiếu trên sẽ triển khai từ cuối năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Ở một diễn biến khác, TNH đang có kế hoạch đổi tên công ty từ CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thành CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH. Thêm vào đó, công ty dự kiến bổ sung ngành nghề kinh doanh là hoạt động y tế dự phòng gồm các dịch vụ như tiêm chủng, tiêm vacxin phòng bệnh.

Ngoài ra, công ty còn muốn nới room ngoại lên 70%. Theo TNH, việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài mang lại cơ hội tốt để cổ phiếu TNH tăng tính thanh khoản trong giao dịch, tăng cường khả năng huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của công ty và thay đổi cơ cấu cổ đông theo hướng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.

Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 222 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 3%, lợi nhuận sau thuế 54 tỷ đồng giảm 13% so với cùng kỳ.

Năm nay, TNH đặt mục tiêu 540 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 2%, lợi nhuận sau thuế 155 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ. Nếu đạt được thì đây sẽ là con số cao kỷ lục của doanh nghiệp.

Như vậy, sau hai quý, công ty đã thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu, 35% mục tiêu lợi nhuận.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Lâm Anh

Trung Quốc đánh mất lợi thế chi phí lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.