|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Người lao động vẫn khó mua nhà dù giá giảm một nửa'

06:57 | 20/12/2024
Chia sẻ
Với mặt bằng giá bất động sản hiện tại, ngay cả khi giảm 50%, nhiều lao động thu nhập trung bình vẫn khó tiếp cận được, theo Vars.

Dữ liệu nghiên cứu của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cho thấy giá nhà ở đã tăng trưởng bình quân hai chữ số mỗi năm trong suốt thập kỷ qua. Năm nay, chỉ số giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP HCM tăng lần lượt 58% và 30% so với 2019, trung bình đạt gần 60 triệu đồng mỗi m2. Phân khúc bình dân (dưới 25 triệu đồng mỗi m2) hoàn toàn vắng bóng tại các đô thị, còn trung cấp ngày càng khan hiếm và hơn 80% nguồn cung căn hộ mở bán mới năm nay thuộc loại hình cao cấp, giá trên 50 triệu đồng mỗi m2.

Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) phân tích rằng, người trẻ hoặc người có thu nhập trung bình, thấp tiết kiệm được 100 triệu đồng mỗi năm sẽ phải mất khoảng 25 năm mới mua được nhà bình dân 2-3 tỷ ở thành phố, trong điều kiện giá nhà không tăng. Với mức giá trên 3 tỷ đồng thời gian có thể mất nhiều hơn nữa.

Loạt dự án chung cư tại khu Đông TP HCM tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Trước đà tăng cao của giá nhà, Hội Môi giới bất động sản nhận định, ngay cả khi mặt bằng giá hiện tại giảm một nửa, nhiều người thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp vẫn khó có khả năng mua.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars, nhận định tài chính của đại đa số người dân vẫn đang chật vật phục hồi hậu Covid-19. Thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng là từ 13,3-14,5 triệu đồng, tăng từ 4-7%. Xét trên thu nhập và giá nhà, ngay cả nhóm 20% này cũng khó sở hữu cơ hội an cư và các nhóm thu nhập thấp hơn gần như không có cơ hội.

Dự báo về giá nhà, chủ tịch Vars cho rằng các sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực (chung cư, nhà riêng lẻ) tại đô thị lớn chỉ có thể đi ngang, hoặc giảm nhẹ trong một giai đoạn nhất định. Nó chắc chắn khó giảm sâu trong bối cảnh quỹ đất hạn chế, chi phí phát triển dự án bao gồm chi phí vật liệu xây dựng, nhân công, nhất là chi phí liên quan đến đất đai ngày càng tăng cao.

Từ năm 2018 đến nay, khi chính sách liên quan đến nguồn vốn cùng các quyết định của cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường bất động sản khiến nguồn cung nhà ở sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng, làm giá nhà tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM tăng mạnh hơn, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân.

"Điều này khiến việc sở hữu nhà ở thương mại sẽ tiếp tục trở nên khó khăn hơn bao giờ hết", ông Đính cho hay.

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân, theo Hội môi giới, giải pháp quan trọng là cần nhanh chóng cân bằng cán cân cung – cầu, nhất là tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Mà để tăng cung cho các loại hình trên, hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho việc phát triển để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp chung tay đầu tư, làm các dự án nhà ở vừa túi tiền. Từ đó bài toán an cư mới có thể được giải quyết một cách hiệu quả.

Về phía người mua nhà, Vars cho rằng cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, linh hoạt trong việc lựa chọn nơi ở, giảm tiêu chuẩn không cần thiết, mở rộng khu vực tìm kiếm và ưu tiên giải pháp phù hợp với thu nhập hiện tại. Thay vì cố gắng mua một căn nhà có diện tích lớn, chất lượng cao, vị trí trung tâm, người dân nên "liệu cơm gắp mắm" lựa chọn những sản phẩm phù hợp tài chính ở vùng ven, nơi có giá nhà thấp hơn.

Với xu hướng mở rộng đô thị ra vùng ven, thời gian tới sẽ có nhiều hơn các dự án nhà ở thương mại quy mô lớn, nhà ở xã hội được phát triển với giá bán thấp nhưng vẫn đảm bảo kết nối tốt với trung tâm nhờ các dự án hạ tầng giao thông như đường cao tốc và Metro dự kiến được đầu tư hoàn thiện.

Phương Uyên