|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Người giàu chứng khoán

18:15 | 07/01/2017
Chia sẻ
Thỉnh thoảng lại thấy giới truyền thông điểm mặt và cập nhật danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Cứ có một doanh nghiệp nào đó mới niêm yết là cơ cấu cổ đông (được nêu rõ trong bản cáo bạch hoặc báo cáo tài chính hoặc báo cáo tình hình quản trị công ty sáu tháng đầu năm hay sáu tháng cuối năm) được săm soi để xem cá nhân nào nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu cao nhất. Sau đó chỉ cần tìm thị giá cổ phiếu trên sàn là biết ông A, bà B, cô C, anh D... hiện có bao nhiêu tiền từ số cổ phiếu đó. Số tiền mỗi người sở hữu mà tới ngàn tỉ đồng là họ có cơ may vào tốp 10, 20 những người giàu nhất chứng khoán.
Nhà đầu tư tại buổi đấu giá cổ phần của Vinamilk cuối năm 2016. Ảnh: THÀNH HOA

Nhưng sự đời đâu có đơn giản như vậy. Giá cổ phiếu biến thiên như chong chóng. Không hiếm trường hợp đầu năm còn là tỉ phú, cuối năm đã chẳng còn mấy tiền, thậm chí con nợ. Nguyên nhân hầu hết các ông bà được xem là giàu ấy đều là chủ công ty và cổ phiếu không ít thì nhiều được cầm cố ở ngân hàng hoặc nhà môi giới để vay vốn kinh doanh, làm ăn. Thế nên mới có chuyện khi cổ phiếu rớt giá quá mạnh, một số công ty chứng khoán đành bán tháo cổ phiếu của các ông bà chủ nhằm thu hồi vốn cho vay. Những người này thuộc dạng khi giao dịch cổ phiếu phải công bố thông tin, song do các tài khoản ký quỹ được kích hoạt tự động phụ thuộc vào thị giá cổ phiếu, thành ra bán rồi mới công bố. Dĩ nhiên họ bị phạt. Không ít người bị phạt mới rõ tài khoản của mình đã bị giải chấp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ khắc nghiệt do biên độ dao động lớn, mà còn do tâm lý đám đông và tính đầu cơ cao. Nhiều cổ phiếu tăng giảm thất thường, chỉ một hai tuần mất hay lên giá vài chục phần trăm. Khi ấy chẳng những nhà đầu tư, cổ đông khóc hoặc cười mà cả các ông bà chủ cũng hỉ hả hay rơi nước mắt.

Thêm nữa sự giàu nghèo trên thị trường chứng khoán rất phiến diện. Cứ nhìn vào số lượng và thị giá cổ phiếu, nhiều người giàu thật. Khổ nỗi số cổ phiếu đó họ có bán cả, chuyển đổi thành tiền cả được đâu. Họ mà bán, nguồn cung tăng đột biến, đương nhiên giá giảm, tài sản của họ vơi đi tính bằng tiền tỉ. Chưa nói nhà đầu tư vốn nhạy cảm, thấy lãnh đạo doanh nghiệp bán, họ nghi ngờ tin tức tiêu cực sắp ra, nên bán theo. Không khéo doanh nghiệp đang yên đang lành, chỉ vì các ông bà chủ bán cổ phiếu mà sinh chuyện.

Trên thực tế phần lớn ông chủ gắn bó với công ty, doanh nghiệp là đứa con của họ, họ sống chết với nó. Họ có thể bán ra một vài phần trăm cổ phiếu nhưng vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối. Song cũng có ông chủ công ty lên sàn là rút vốn. Âu cũng là việc bình thường. Bán doanh nghiệp này, lập doanh nghiệp khác, chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh. Không ai biết trước thị trường đi đâu về đâu, trải qua khủng hoảng dài hơi như VN-Index suốt những năm 2008-2013, hầu hết doanh nhân rút ra bài học kinh nghiệm để đời.

Nguyên chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng cổ phần ở TPHCM tâm sự giá như hồi năm 2006-2007 ông và gia đình bán bớt một phần lượng cổ phiếu sở hữu, thì hẳn họ đã có một tài sản kếch sù. Nay ông không bao giờ hy vọng giá cổ phiếu ngân hàng về lại mức như thời trước nữa. Thiên thời, người tính không bằng... thị trường tính.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, một số chủ doanh nghiệp thành lập các công ty con và chuyển nhượng một tỷ lệ nhất định cổ phiếu thuộc sở hữu của mình sang các công ty này. Có công ty nắm dưới 5% cổ phần của một doanh nghiệp niêm yết, không phải là cổ đông lớn nên được miễn công bố thông tin khi giao dịch. Thông qua công ty con, một số chủ doanh nghiệp thoái vốn mà chỉ phải đóng thuế giao dịch chứng khoán 0,1% trên giá trị giao dịch như luật định. Các công ty này có phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp hay không, không rõ.

Vấn đề ở đây là bằng cách trên, các ông chủ - cổ đông lớn của các công ty - không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Cơ quan thuế dường như bỏ qua hoàn toàn khâu này. Thực tế chỉ ra có những cổ đông lớn cá nhân thoái vốn (họ không phải nhà đầu tư mua đi bán lại cổ phiếu nên không có giá gốc cổ phiếu để tính lợi nhuận thu được), thu về hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, nhưng không phải đóng một đồng thuế thu nhập cá nhân nào.

Ở đây cần phải nhấn mạnh tiền thu về từ thoái vốn cổ phiếu của các ông chủ có thể là khoản thu nhập đột biến và cũng có thể là thu nhập ổn định nếu chia đều bình quân cho tất cả các tháng của năm. Cho dù tính như thế nào, thì đây cũng là khoản thu nhập cần phải chịu thuế. Sẽ là không công bằng khi cơ quan thuế thu từng đồng thuế thu nhập cá nhân của những người được cho là thu nhập cao, trong khi các ông chủ thoái vốn chỉ nộp thuế bán chứng khoán 0,1% như những nhà đầu tư bình thường. Lỗ hổng này phải được xử lý để mang lại công bằng cho người nộp thuế thu nhập cá nhân, đồng thời không làm thất thu ngân sách nhà nước.

Từ trước đến nay, Bộ Tài chính không mấy chú ý đến việc thu thuế trong lĩnh vực chứng khoán do số thu quá thấp, khoảng 200-300 tỉ đồng/năm theo lời một quan chức của ngành. Ngoài ra hai sở giao dịch chứng khoán còn thu 20% phí môi giới giao dịch từ các công ty chứng khoán (bất chấp doanh thu cao thấp và có thể không bù đắp nổi chi phí). Đã đến lúc cơ quan thuế nên xem lại chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán.

Thành Nam