|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người dân nhận đền bù vụ Formosa có thể là đích ngắm của công ty đa cấp

17:52 | 03/11/2016
Chia sẻ
Những người được nhận tiền đền bù từ nhà nước, doanh nghiệp chính là đối tượng các công ty bán hàng đa cấp hướng tới phát triển mạng lưới để lừa đảo.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, đại biểu đoàn Hòa Bình, phát biểu trong phiên họp Quốc hội chiều ngày 3/11, hiện có nhiều vụ lừa đảo bán hàng đa cấp (BHĐC) dẫn tới án mạng, tranh chấp kiện tụng…

Bà Hải nhấn mạnh, đối tượng mà các công ty đa cấp nhắm tới để phát triển mạng lưới thường là những người nội trợ, người lao động, người về hưu... Đặc biệt, những người dân thuộc diện được nhận tiền đền bù của Nhà nước, doanh nghiệp chính là những đối tượng các công ty đa cấp hướng tới để phát triển mạng lưới lừa đảo.

“Vì vậy, người dân tại khu vực 4 tỉnh miền Trung vừa được nhận tiền đền bù hỗ trợ do thiệt hại về môi trường có thể sẽ là địa bàn mà các công ty đa cấp lừa đảo hướng tới”, bà dự đoán.

Thống kê Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện có đến 1 triệu người tham gia BHĐC, tương đương 1/90 tổng dân số cả nước, tức là cứ 90 người thì có 1 người hoạt động trong lĩnh vực này.

Trong khi BHĐC ở nước ngoài là một phương thức kinh doanh tiến bộ thì ở Việt Nam lại xuất hiện nhiều biến tướng. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng nguyên nhân xuất phát cả từ phía doanh nghiệp và từ phía quản lý nhà nước.

Cụ thể, các công ty đa cấp Việt Nam không quan tâm tới việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm mà chỉ tập trung quảng cáo, đánh vào tâm lý thích làm giàu nhanh chóng của người dân. Lợi nhuận sẽ không đến từ việc bán sản phẩm mà đến từ việc lôi kéo được nhiều người tham gia mạng lưới bán hàng, vì mỗi người phải đặt cọc tiền để được tham gia vào hệ thống. Khi ấy, doanh nghiệp đa cấp hoạt động theo nguyên lý ép buộc, tham gia rồi thì rất khó rút ra trừ khi chịu mất tiền đặt cọc.

Bà Hải dẫn ví dụ về Công ty đa cấp Trường Giang nhập sản phẩm Truonggiang calcium kid bổ sung canxi cho trẻ em. Sản phẩm vốn chỉ có giá 12.000 đồng nhưng được bán cho người tham gia với giá 990.000 đồng, tức là mức chênh lệch giữa giá nhập và xuất bán là 82,5 lần. Nếu người tham gia bán được hàng thì nhận mức chiết khấu hoa hồng lên đến 50%, còn không bán được thì cũng không được trả lại hàng để lấy tiền. Trong mọi trường hợp, chủ doanh nghiệp luôn là người có lợi.

Về phía quản lý nhà nước, bà Hải nêu ý kiến rằng hành lang pháp lý của chúng ta hiện chưa đủ mạnh, chưa theo kịp để quản lý nhiều mô hình biến tướng mới như giao dịch tiền ảo bitcoin, huy động vốn đầu tư vào dự án có vốn nước ngoài trả lãi đến 120%/năm, gấp 20 lần các ngân hàng thương mại; Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đôi khi còn chồng chéo, buông lỏng, hoạt động kiểm tra chưa hiệu quả, chế tài xử phạt còn rất thấp…

Đại biểu Hải đề xuất: “Chính phủ cần có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về thực trạng BHĐC tại kỳ họp thứ ba tới, rà soát hệ thống văn bản pháp luật để theo kịp thực tế. Lãnh đạo cũng cần đánh giá tác động của BHĐC lên xã hội, có bao nhiêu doanh nghiệp đa cấp mang lại lợi ích thực sự cho đất nước cũng như những hệ lụy gây ra cho xã hội”.

Linh Lê