|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

‘Người dân mất đất nông nghiệp là mất sinh kế, chỉ đền bù bằng nhà ở là chưa đủ’

16:24 | 21/06/2023
Chia sẻ
Nhiều đại biểu quốc hội quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, trong đó có việc đảm bảo điều kiện sống cho những người dân bị ảnh hưởng.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân. (Ảnh: quochoi).

Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 21/6, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam) - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, mục 7.1 giải thích về Điều 90 dự thảo Luật về nguyên tắc bồi thường tái định cư đã bỏ nội dung “người dân sau khi đền bù thì có điều kiện cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước”.

Tờ trình giải rằng, việc bỏ nội dung này là do còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo đại biểu, cách giải thích như trên chưa thuyết phục, hiểu chưa đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW. Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu rõ, cuộc sống của người dân được nhận đền bù bằng hoặc tốt hơn trước, không có nghĩa đen là người dân phải có nhà to hơn hay đường vào nhà rộng hơn, hoặc là lương cao hơn,…

Cuộc sống tốt hơn có nhiều chỉ số để đánh giá, một trong phương pháp để đánh giá được vấn đề này là phỏng vấn, ghi nhận ý kiến của người dân. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì sẽ bị vướng trong công tác đền bù và có nhiều ý kiến trái chiều, không xác định được như nào là người dân có cuộc sống tốt hơn.

Đại biểu cũng cho rằng, do hiểu chưa đúng về vấn đề này nên dẫn tới Điều 95 quy định thu hồi đất nông nghiệp sau đó đền bù bằng nhà ở. Có thể thấy, quy định trong dự thảo mới chỉ quan tâm tới thu nhập cụ thể chứ chưa quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.

“Người dân mất đất nông nghiệp là mất sinh kế, nếu được đền bù bằng nhà ở thì người ta có thể cho thuê kiếm tiền nhưng công việc hàng ngày thì không có. Thành ra cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng sẽ kém đi, đến một lúc nào đó họ bán nhà đi để lấy tiền tiêu thì cuối cùng sẽ thành vô gia cư”, vị này nói.

ĐBQH Thạch Phước Bình. (Ảnh: quochoi).

Góp ý về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương 7, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo Luật đất đai chưa có quy định khái niệm xác định thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất; khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, không có quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất,…

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 86, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc chung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thay vì các quy định riêng. Các nguyên tắc cho hoạt động bồi thường, hỗ trợ như nguyên tắc bồi thường về đất, bồi thường về tài sản và nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013.

Cùng với đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc tại Điều 86 dự thảo Luật Đất đai về trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Các chính sách hỗ trợ người dân có thể quy ra tiền

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh. (Ảnh: quochoi).

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên chiều cùng ngày, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, việc thu hồi đất cần đảm bảo cuộc sống của người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Ngoài ra, cần đảm bảo hạ tầng, điều kiện sống cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới sau khi địa phương thu hồi đất để phục vụ xây dựng các dự án, mục đích khác,…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đồng ý với các quy định về dự thảo hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, được vay tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, giao đất có mục đích sử dụng với cùng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền hoặc xem xét bồi thường đất khác nếu người dân đồng thuận. Khu tái định cư bảo đảm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có đường giao thông đảm bảo kết nối với khu lân cận.

Tuy nhiên, theo đại biểu, mỗi gia đình, cá nhân có hoàn cảnh riêng và có nhu cầu về đời sống và việc làm. Vì vậy, Nhà nước cần có nhiều chính sách để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân. Tiền là vật ngang giá chung nhưng sử dụng không hợp lý sẽ không giải quyết được nhu cầu đa dạng của người dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị các chính sách có thể quy ra tiền để người dân thấy mình được hưởng lợi như người khác, đảm bảo công bằng. Nhưng đối với chính sách đào tạo nghề cho người chưa có việc làm thì nên hạn chế việc truy tìm trực tiếp mà tạo điều kiện để người dân được học nghề phù hợp với khả năng của họ.

Sau khi thu hồi đất, ngoài việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, có đường giao thông kết nối với các khu vực lân cận thì Nhà nước cần ưu tiên bố trí các tuyến phương tiện giao thông công cộng trong khu vực đến khu tái định cư để người dân đi lại thuận tiện và tiết kiệm trong sinh hoạt, công việc, học tập vân vân từ nơi ở mới đến hạ tầng xã hội và khu vực lân cận.

Công Tâm