|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người dân đang phải đóng tiền thuế nào nhiều nhất?

20:55 | 13/11/2018
Chia sẻ
Không phải thuế thu nhập cá nhân hay thuế bảo vệ môi trường... mà thuế giá trị gia tăng mới là sắc thuế mà người dân đóng góp lớn nhất cho ngân khố quốc gia.
nguoi dan dang phai dong tien thue nao nhieu nhat Infographic: Tiền thuế bảo vệ môi trường sẽ được sử dụng thế nào?
nguoi dan dang phai dong tien thue nao nhieu nhat Loạt bất cập trong quản lý, điều hành giá xăng dầu: Tiền thuế người dân không được nộp đầy đủ vào NSNN
nguoi dan dang phai dong tien thue nao nhieu nhat
Ngân sách vẫn phải dựa chủ yếu vào nguồn thu từ thuế. (Ảnh: Ngọc Thắng)

Tỷ lệ này được Bộ Tài chính công bố tại Báo cáo ngân sách dành cho công dân vừa ban hành ngày 13.11. Báo cáo cung cấp cho người dân những thông tin, số liệu cơ bản nhất về các căn cứ vĩ mô cơ bản xây dựng dự toán, mục tiêu, nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2019, cũng như dự toán thu chi ngân sách, cân đối ngân sách, cơ cấu các khoản nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Ngoài ra, báo cáo còn cung cấp thêm các thông tin về kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019-2021 và giải pháp triển khai thực hiện.

Về tổng thu ngân sách, cơ quan này lên dự toán năm 2019 ở mức hơn 1,4 triệu tỉ đồng, tương đương với 23% GDP. Trong đó, thu nội địa khoảng 1,17 triệu tỉ đồng và thu từ dầu thô 44.600 tỉ đồng. Trong thu nội địa, thuế giá trị gia tăng chiếm tỷ lệ cao nhất 26,4%, tiếp đến là thuế thu nhập doanh nghiệp 19,6%; tiền bán tài sản (tiền sử dụng đất, tiền thoái vốn) chiếm 9,9%; thuế thu nhập cá nhân 8,3%; thuế bảo vệ môi trường 4,9%; thuế tài nguyên 2,4%...

Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu, tiền thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa và dịch vụ, người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế, người nộp thuế chỉ là người thay thế người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Thuế giá trị gia tăng có phạm vi tác động rộng, đánh vào hầu như tất cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường.

Trước đó, Bộ Tài chính định đề xuất tăng thuế suất giá trị gia tăng các mặt hàng, dịch vụ chịu thuế 5% lên 6%; nhóm mặt hàng dịch vụ thuế 10% lên 12% từ đầu năm 2019. Song trước sức ép của dư luận, báo chí, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến, cơ quan này quyết định sẽ không tăng thuế giá trị gia tăng lên 12% như dự kiến, mà vẫn giữ ở mức 10%. Thay vào đó, Bộ Tài chính sẽ cơ cấu lại các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế 0%, 5% nhằm đảm bảo công bằng, hạn chế chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế, làm mất tính trung lập của thuế.

Đối với nguồn thu từ dầu thô, dù giá dầu đang trên đà lao dốc mạnh với mức giảm trong vòng 1 tháng qua từ mức đỉnh 75 USD/thùng xuống chỉ còn khoảng 60 USD/thùng, song Bộ Tài chính vẫn lên dự toán giá dầu ở mức 65 USD/thùng.

Về chi ngân sách, chiếm lớn nhất là chi thường xuyên 63,8%, chi đầu tư phát triển 26,3%, còn lại là chi trả lãi và viện trợ, chi dự phòng. Cơ quan này ước bội chi ngân sách ở mức 222.000 tỉ đồng.

Xem thêm

Anh Vũ