|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Người dân chi tiêu tiết kiệm, nhà hàng, dịch vụ ăn uống chịu tác động đầu tiên'

08:08 | 06/09/2024
Chia sẻ
Người dân tiết kiệm chi tiêu dẫn đến ngành bán lẻ, dịch vụ chịu thiệt hại lớn nhất. Điều này lý giải tại sao các chỉ số vĩ mô đang dần tốt lên nhưng số doanh nghiệp phá sản, đóng cửa trong các tháng đầu năm nay vẫn ở mức cao kỷ lục.

Hai phần ba chặng đường của năm 2024 đã đi qua, kinh tế vĩ mô xuất hiện nhiều điểm sáng như tăng trưởng GDP ở mức cao, quý I đạt 5,05%, quý II đạt 5,66%, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài cũng tăng trưởng tốt.

Trong bối cảnh vĩ mô tích cực, nhưng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn và rủi ro nhất là khu vực doanh nghiệp nội địa.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm nay so với các năm trước. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ TCTK).

Doanh nghiệp dịch vụ chịu tổn thương

Trong 7 tháng đầu năm nay, có tới 125.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 5 năm gần đây. Con số này phản ánh phần nào khó khăn của khu vực doanh nghiệp, trong đó khối doanh nghiệp dịch vụ được đánh giá là gặp thách thức lớn nhất.

Nhìn vào số doanh nghiệp bán lẻ phải trả mặt bằng, số doanh nghiệp phá sản, đóng cửa trong các tháng đầu năm nay có thể thấy, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất khó khăn nhất là ở nhóm dịch vụ, bán lẻ.

Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, người dân tiết kiệm chi tiêu dẫn đến ngành bán lẻ, dịch vụ chịu thiệt hại lớn nhất. Khu vực bán buôn, bán lẻ cũng là nhóm có số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái lên tới 32,3%, theo Tổng cục Thống kê.

Người dân cắt giảm các khoản chi không thiết yếu dẫn đến khu vực nhà hàng, ăn uống chịu tác động đầu tiên. Có tới 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế trong 6 tháng đầu năm.

Báo cáo Thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 do iPOS.vn công bố cho hay, tính tới hết tháng 6/2024, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng, giảm tới 3,9% so với số liệu từ năm 2023.

Trong đó, TP HCM là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm tới 5,97% số lượng cửa hàng trên toàn thành phố. Tại Hà Nội, số lượng cửa hàng đạt mức tăng trưởng nhẹ khoảng 0,1%.

Cần khôi phục sự hào hứng kinh doanh của doanh nghiệp

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Không chỉ doanh nghiệp bán lẻ, ăn uống mà cả khối doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đều gặp khó khăn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam cho hay.

Ông cho biết nhìn vào khu vực doanh nghiệp có thể thấy rất rõ sự phân hoá giữa FDI, doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điều này một phần lý giải cho việc tại sao các chỉ số vĩ mô 8 tháng đầu năm rất tốt, tăng trưởng kinh tế ở mức cao, xuất khẩu tăng trưởng nhưng số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường lại cao kỷ lục, ông Nam cho biết.

Nhất là tháng 1 năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới trên 50.000 doanh nghiệp, con số này cao chưa từng có, các tháng gần đây số doanh nghiệp rút lui cũng có xu hướng tăng. 

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giai đoạn 2023 - 2024. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từTCTK).

Ở góc độ vĩ mô, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn tiếp đang chịu thiệt thòi trong quá trình phục hồi kinh tế và chưa có cải thiện đáng kể như kỳ vọng để có đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế như trước đây. 

"Hiện tỷ lệ số doanh nghiệp thành lập và rút khỏi thị trường ở khoảng (1:1) thấp chưa từng thấy. Nghĩa là được một thành lập đồng thời có một doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Như vậy, từ đầu năm đến nay gần như số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế tăng không đáng kể", ông phân tích. 

Một yếu tố nữa cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn là con số tăng trưởng tín dụng tăng rất chậm. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng tính đến ngày 26/8 đã tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm (14 - 15%).

Theo ông Nam, Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng ở mức thấp cho thấy cộng đồng doanh nghiệp cực kỳ khó khăn bởi nếu đầu tư, kinh doanh họ sẽ có nhu cầu vay vốn.

"Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn và không có nhu cầu vay vốn trong bối cảnh kinh tế khó khăn", ông Nam lý giải về việc tăng trưởng tín dụng tăng thấp. Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lưu ý, chưa thể lạc quan về kinh tế vĩ mô trong lúc này.

Ông khuyến nghị, cần hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhưng cần tập trung vào các doanh nghiệp có năng lực, khả năng kinh doanh chứ không phải các doanh nghiệp áp đảo về vốn và nguồn lực.

Chuyên gia Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh nếu khơi dậy được tinh thần kinh doanh, sự hào hứng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp thông qua sự hỗ trợ đồng hành thực chất của các bộ ngành và địa phương thì kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển cân đối giữa bên trong và bên ngoài.

Hạ An

ADB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,4% năm 2024 và 6,6% năm 2025
Theo các chuyên gia từ ADB, hoạt động thương mại của Việt Nam mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, tổ chức này đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.