|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'FDI vẫn tích cực ít nhất là trong trung hạn, ngay cả khi một số tập đoàn lớn rút lui'

07:30 | 28/08/2024
Chia sẻ
Liên quan đến thông tin về việc ông lớn năng lượng Na Uy dừng kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp World Bank Việt Nam cho rằng việc một tập đoàn đến khảo sát sau đó quyết định không đầu tư là điều rất bình thường.

FDI vẫn tích cực ngay cả khi một số DN rút lui

Mới đây tập đoàn năng lượng Na Uy Equinor đưa ra quyết định ngừng hoạt động ở Việt Nam. Theo Reuters, đây là lần đầu tiên Equinor đóng cửa văn phòng đại diện tập trung vào các dự án điện gió ngoài khơi ở nước ngoài.

Cụ thể, Equinor đã quyết định ngừng hoạt động phát triển kinh doanh tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng Hà Nội.

Trước đó, Equinor đến Việt Nam vào tháng 11/2023 bằng việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Hai bên sẽ cùng nghiên cứu cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực hydrogen, amonia, thu hồi và lưu trữ carbon tại Việt Nam.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp World Bank Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Bình luận về động thái này của gã khổng lồ năng lượng Na Uy tại sự kiện một sự kiện mới đây, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp World Bank Việt Nam (WB) cho rằng việc một số doanh nghiệp đến khảo sát, quyết định đầu tư và sau đó thay đổi không đầu tư nữa là điều rất bình thường.

Bất cứ nền kinh tế nào cũng có các nhà đầu tư tiềm năng đến khảo sát để kiểm tra xem có họ có phù hợp để đầu tư vào hay không, một số doanh nghiệp sẽ ở lại còn một số sẽ không đầu tư và rút lui.

"Điều này hết sức bình thường và không phản ánh hay thể hiện rằng sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư FDI đang mất đi. Theo tôi, FDI vào Việt Nam vẫn tích cực ít nhất là trong trung hạn", bà Dorsati Madani nói.

Theo bà Dorsati Madani, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan muốn đến Việt Nam. Bằng chứng là, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong các năm qua rất ổn định, kể cả trong giai đoạn COVID-19.

Trong 7 tháng đầu năm nay, dòng FDI đổ vào ổn định và tiếp tục tăng trưởng. Tính đến ngày 20/7, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI giải ngân tính đến ngày 20/7 cũng đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Đây là một trong các tín hiệu là các nhà đầu tư quốc tế coi Việt Nam là một điểm rất hứa hẹn cho đầu tư, bà Dorsati Madani cho hay.

Tuy nhiên, chuyên gia cao cấp từ WB cũng khuyến nghị, trong trung hạn Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư FDI nhưng để duy trì lợi thế đó trong dài hạn thì còn nhiều điều cần phải làm.

Bà Dorsati Madani nhấn mạnh, nếu muốn vươn lên trong chuỗi giá trị, trở thành một nền kinh tế phát triển thì cần cải cách trong nền kinh tế, tăng cường phát triển khu vực doanh.

Việt Nam cần tập trung thu hút những nhà đầu tư cóhàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, bên cạnh đó, môi trường quốc tế trong sản xuất cũng đang thay đổi, người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm xanh.

Vì vậy, để Việt Nam có thể duy trì khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần thu hút các nhà đầu tư xanh cũng như khuyến khích các doanh nghiệp nội địa áp dụng công nghệ xanh cho sản xuất.

Nền kinh tế đang tăng tốc

Đánh giá nền kinh tế đang tăng tốc sau khi xem xét toàn bộ các thành phần khác của nền kinh tế, các chuyên gia từ WB cho rằng, GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm 2024 (so cùng kỳ năm trước), cao hơn mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm 2023, nhờ xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến được phục hồi, cũng như mức đầu tư và tiêu dùng cao hơn.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự báo cho nửa đầu năm 2024, nhờ sức cầu bên ngoài mạnh hơn, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 16,9% và 17% (so cùng kỳ năm trước). 

Mặc dù, đóng góp ròng của xuất khẩu (chênh lệch xuất nhập khẩu) cho GDP vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng tăng trưởng thương mại đã góp phần giúp cho nhu cầu trong nước từng bước phục hồi, trong đó tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng đạt lần lượt 6,7% và 5,8% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024.

Trên phương diện sản xuất, các lĩnh vực chế tạo chế biến, các ngành dịch vụ liên quan đến xuất khẩu và du lịch đạt mức tăng trưởng cao. Sản lượng công nghiệp chế tạo chế biến tăng trưởng 7% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2024 trên nền xuất phát điểm thấp, là động lực tăng trưởng cho năm 2024, đóng góp đến một phần tư tăng trưởng GDP. 

Biểu đồ tăng trưởng kinh tế và các thành phần. (Nguồn: WB).

Dịch vụ tiếp tục đóng góp trên một nửa cho tăng trưởng GDP, tăng đến 7,4% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2024. Các dịch vụ liên quan đến xuất khẩu (vận tải và kho bãi) được hưởng lợi do xuất khẩu hàng hóa phục hồi, đồng thời lĩnh vực nhà hàng khách sạn cũng tăng trở lại, khi số lượt du khách quốc tế đạt 8,8 triệu lượt trong tháng 6/2024, cao hơn lượng du khách ghi nhận trước đại dịch COVID-19.

Với dự báo về tăng trưởng cả năm, các chuyên gia WB nhận định, tăng trưởng cao hơn dự kiến của kinh tế toàn cầu có thể thúc đẩy phục hồi bền vững cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.

Chính sách tiền tệ nới lỏng hơn tại các nền kinh tế phát triển lớn đã được bắt đầu tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh, kết hợp với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang có tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9, có thể tiếp tục thúc đẩy tổng cầu ở các nền kinh tế phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Hạ An

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.