|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngỡ ngàng giá trị thật của doanh nghiệp

21:00 | 19/03/2018
Chia sẻ
Đối với nhà đầu tư tài chính, thẩm định giá trị thực của DN là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại chưa thực sự chú trọng vào yếu tố này. Do đó, nhiều DN lợi dụng sự lơ là của nhà đầu tư để thổi giá” tạo ra khối tài sản ảo khổng lồ.
ngo ngang gia tri that cua doanh nghiep Thủ tướng đồng ý với kết luận thanh tra vụ Mobifone mua AVG
ngo ngang gia tri that cua doanh nghiep Kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua AVG: Kiến nghị chuyển Bộ Công an khởi tố điều tra

Gần đây, nhà đầu tư nghe nhiều về câu chuyện giá trị thật của AVG và bắt đầu râm ran tìm hiểu về giá trị thật của những DN niêm yết mà mình đang đầu tư. Thực tế, câu chuyện thổi phồng giá trị tài sản của một DN không mới, thậm chí nó còn được rất nhiều DN niêm yết dùng làm chiến lược kinh doanh. Và điều này chỉ “bể” khi cơ quan ban hành luật pháp vào cuộc. Lúc này, nhà đầu tư nhỏ lẻ mới thực sự vỡ lẽ.

ngo ngang gia tri that cua doanh nghiep
Ảnh minh họa

Cụ thể, chỉ tính năm 2016 - 2017, tài sản trên báo cáo tài chính của không ít DN niêm yết tăng mạnh, nhất là ở những DN có lợi thế thương mại, trong khi điều này không hiện hữu trên thực tế, mà chỉ là mua bán thương mại. Vậy nhưng không nhiều nhà đầu tư để ý đến, khi tham gia ĐHCĐ, nhiều cổ đông còn tự hào cho rằng đây là tài lãnh đạo của ban điều hành. Với họ, chuyện DN làm gì không quan trọng, chỉ cần ghi nhận lợi nhuận cao, chia cổ tức tốt là được. Nhưng nhà đầu tư đâu biết rằng, đây chính là hành vi thao túng báo cáo tài chính của DN. Và người thiệt thòi sớm muộn gì cũng là cổ đông.

Trường hợp 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho biến mất trên báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) là một ví dụ điển hình. Khi sự việc bị vỡ lở, giá cổ phiếu của Trường Thành lao dốc, nhiều nhà đầu tư mất trắng tiền đầu tư mới thấy rằng yếu tố thẩm định giá trị DN là rất quan trọng.

Và khi bị thiệt hại, nhà đầu tư mới bắt đầu lùng sục tìm kiếm những tổ chức có khả năng thẩm định giá để nương nhờ, để tìm hiểu xem giá trị thật của các cổ phiếu, cổ phần khác mà mình đang đầu tư là “thật” hay “ảo”. Nhưng một lần nữa nhà đầu tư lại cảm thấy vô vọng. Bởi lĩnh vực thẩm định giá cho DN tuy có nhưng còn non trẻ. Theo chia sẻ của một chuyên gia thẩm định, số lượng công ty tham gia vào ngành khá đông đảo và có xu hướng tăng mạnh, nhưng đến nay cùng lắm được hơn 100 công ty có chuyên môn. Trong đó, tổng tài sản của các công ty trong ngành cũng khá khiêm tốn.

Thừa nhận điều này, một chuyên viên phân tích thuộc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho rằng, câu chuyện thổi phồng giá trị DN không chỉ diễn ra ở Việt nam mà nó là thủ thuật của các DN trên thế giới. Ví dụ trước đây, khi Toshiba phá sản, người ta mới phát hiện công ty này đã tận dụng lợi thế thương mại để khai khống doanh thu và lợi nhuận nhiều năm, thậm chí kéo dài đến 20 năm.

Về lý thuyết, nhà đầu tư không nên để đến khi bị thiệt hại mới nhận ra được điều đó mà nên nắm bắt cũng như sử dụng các phương pháp phát hiện ra hành vi thao túng thị trường này ngay từ đầu. Để làm được điều này thì cần có các nhà thẩm định giá độc lập, bởi chỉ có họ mới có hiểu biết về ngành nghề kinh doanh của công ty đang được đánh giá, hiểu về cấu trúc sở hữu và các kỹ thuật đánh giá các khoản dồn tích kết hợp với các mô hình định lượng. Từ đó, có thể phát hiện ra các chiêu thức mà DN cố tình che giấu nhà đầu tư.

Tuy nhiên, điểm đáng buồn là thực trạng thẩm định giá tại Việt Nam chưa hoàn thiện. Các công ty có nhiều dịch vụ định giá, tuy nhiên, định giá bất động sản hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hơn nữa, ở góc độ DN, việc định giá cổ phần hóa DNNN vô cùng khó khăn vì phần lớn các DN kinh doanh đa ngành. Còn đối với CTCP thì rất nhiều DN không công bố thông tin, hoặc cố tình bóp méo số liệu cung cấp nên con số thẩm định đưa ra chưa mang tính xác thực cao.

Bổ sung thêm ý kiến, một đại diện của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc ACCA cho rằng, nhu cầu về thẩm định giá tại thị trường Việt Nam ngày một tăng. Do đó, yêu cầu về tổ chức thẩm định cũng ngày một bức thiết đối với nhà đầu tư. Thế nhưng, đã xuất hiện tình trạng thẩm định viên về giá có hành vi thông đồng với khách hàng để xác định giá trị tài sản sai lệch với giá trị thị trường của nó, làm thiệt hại đến lợi ích của các bên liên quan tham gia thị trường.

Điều này cho thấy việc quản lý điều kiện hành nghề thẩm định giá của DN, của thẩm định viên về giá tại Việt Nam vẫn còn có những bất cập nhất định nên hiện tượng “thổi phồng” giá trị tài sản hay “ép” số liệu nợ xấu, tồn kho trong báo cáo thẩm định giá đã xảy ra.

Thế nên theo vị này, để thị trường này thực sự phát triển hoàn thiện thì các DN thẩm định giá cũng phải có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn để lấy được niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần chú trọng rà soát, kiểm tra, theo dõi việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhân sự tại các tổ chức thẩm định. Đặc biệt là nâng cao chất lượng định giá để đưa ra những báo cáo xác thực nhất về DN, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và rõ ràng, đem lại lợi ích chung cho các bên.

Kim