Doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách vốn linh hoạt để doanh nghiệp đầu tư KCN xanh, thông minh
Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Khu công nghiệp (KCN) trục cao tốc phía Đông, chủ đề “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” diễn ra chiều ngày 12/12, các doanh nghiệp, nhà phát triển KCN đã đưa ra một số kiến nghị để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển KCN.
Bổ sung, sửa đổi các chính sách để hỗ trợ nhà đầu tư
Bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Tổng Giám đốc ROX iPark cho biết, doanh nghiệp hiện có 14 KCN trên cả nước, thu hút về hơn 5 tỷ USD từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 6 KCN nằm trên trục cao tốc phía Đông.
Theo bà Thuỷ, khách hàng chính của ROX iPark hiện nay là các doanh nghiệp FDI thực hiện xuất khẩu lớn nên nhu cầu xanh và thông minh là thiết yếu. Do đó, việc xử lý cũng như tiết kiệm và tận dụng các phế thải đầu ra để đảm bảo môi trường là mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp với những hoạt động cụ thể như: thu gom xử lý nước thải, rác thải,... để tái sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí, phục vụ chính cho các hoạt động trong KCN như rửa đường, tưới cây…
ROX iPark cho biết đã vận dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm về KCN thông minh, phối hợp cùng hệ thống cảm biến và camera để thực hiện những việc này.
Về hệ thống điện, doanh nghiệp đã triển khai lắp đặt toàn KCN hệ thống điện thông minh, tiết kiệm nhiên liệu, hướng tới tích hợp hệ thống đèn năng lượng mặt trời, phối hợp với các nhà đầu tư để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trong KCN.
Lãnh đạo ROX iPark khẳng định, để có thể đầu tư được các KCN xanh, thông minh thì vấn đề tài chính, con người đóng vai trò quan trọng. Do đó, bà Thuỷ đề xuất cần có các chính sách vốn linh hoạt hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển theo các công nghệ xanh, công nghệ thông minh.
Cùng bàn luận về vấn đề phát triển các KCN, bà Phạm Thị Diệu Hương, đại diện thị trường châu Âu và ASEAN của tổ hợp KCN DEEP C đã trình bày về mô hình cộng sinh công nghiệp - DEEP C Connect đang thực hiện tại KCN DEEP C.
Theo bà Hương, mô hình này tạo ra sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong KCN thông qua việc tận dụng đầu ra của doanh nghiệp này làm đầu vào cho doanh nghiệp khác, góp phần xây dựng kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững cho các doanh nghiệp và trong KCN.
Đại diện KCN DEEP C nhấn mạnh, qua triển khai mô hình cộng sinh công nghiệp, doanh nghiệp nhận thấy để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cần đẩy mạnh công nghiệp tái chế.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư dự án tái chế chưa rõ ràng, chưa có quy định cụ thể cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp hạ tầng. Đồng thời, quy hoạch các KCN và Luật Bảo vệ môi trường hiện nay cũng chưa cho phép các nhà đầu tư hạ tầng tiếp nhận các dự án đầu tư như vậy.
Phát triển nguồn nhân lực gắn liền với nhu cầu
Tại phiên thảo luận, ông Paul Tonkes, Phó Giám đốc điều hành khối Bất động sản công nghiệp, Công ty Indochina Kajima Development (ICCK) cho rằng, nhà xưởng xây dựng theo yêu cầu (Built-to-Suit - BTS) và kho thông minh mang đến tiềm năng chuyển đổi chuỗi cung ứng một cách đột phá. Với tiềm năng vượt trội, hành lang kinh tế phía Đông có thể trở thành cửa ngõ toàn cầu về sản xuất và logistics.
Do đó, việc tích hợp công nghệ số sẽ thu hút đầu tư vào các lĩnh vực giá trị cao như chất bán dẫn và di động điện. Đặc biệt, khi chuỗi cung ứng đang có xu hướng dịch chuyển đến Việt Nam, việc phát triển các giải pháp nhà xưởng BTS sẽ càng trở nên cấp thiết.
Ông Tonkes khẳng định, việc xây dựng BTS sẽ góp phần chỉnh và tối ưu hóa hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, đồng thời thúc đẩy công nghệ tiên tiến và các thực hành của Cuộc cách mạng công nghiệp 5.0; tăng cường khả năng hiển thị chuỗi cung ứng, đồng thời tăng tính bền vững về môi trường.
Ngoài ra, theo lãnh đạo ICCK, để phát triển các KCN, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn liền với nhu cầu thông qua các trung tâm đào tạo nghề, nền tảng kết nối các thành phần chuỗi cung ứng, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các nhà máy thông minh và công viên phần mềm.
Chính các KCN cũng cần thay đổi để phát triển
Ở một góc nhìn khác, TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, việc thực hiện liên kết chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu nhưng lại phải thông minh là vấn đề rất khó.
Ông cho rằng các KCN, các doanh nghiệp cần tự nhìn lại mình để biết rõ thực trạng, qua đó khắc phục, cải thiện những vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cụ thể, đối với các KCN ở trục cao tốc phía Đông, ngoài việc phải vượt qua hình ảnh truyền thống về một địa điểm sản xuất tập trung còn phải trở thành một nơi để người lao động gắn bó, yên tâm phát triển, cải thiện hạ tầng bổ trợ như nhà trẻ, nhà ở, và các tiện ích phục vụ đời sống người lao động.
Bên cạnh đó, các KCN ở trục cao tốc phía Đông cũng phải giúp cải thiện đáng kể liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Hiệu quả của KCN không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách Nhà nước,… mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các KCN để tận dụng được lợi thế của các địa phương.
TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh, tính chất bền vững của các KCN không chỉ được phản ánh ở khía cảnh bảo vệ môi trường, giảm phát thải, mà còn là khả năng hợp tác và chia sẻ lợi ích lâu dài giữa các doanh nghiệp trong KCN.
Hơn thế nữa, ông cho rằng các KCN sẽ khó có thể phát triển hiệu quả ở góc độ vùng và quốc gia nếu các KCN ở các địa phương lân cận bắt chước nhau một cách máy móc. Vì vậy, từng địa phương và từng KCN phải “vượt qua được nỗi sợ khác người”.
Ngoài ra, ông Thắng cũng đề nghị các KCN cần phát triển thêm hạ tầng kết nối giữa các KCN để cải thiện liên kết giữa các địa phương trong vùng.