|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nghịch lí chuyện game Việt chật vật trong nước, rộng đường ở nước ngoài

06:06 | 14/12/2019
Chia sẻ
Qui mô thị trường nhỏ và người chơi chưa chịu chi nên hầu hết các nhà phát triển game trong nước đều nhắm đến người dùng ở nước ngoài.

Game Việt có 10% người Việt chơi là cao”

Năm 2016 tại Singapore, rubycell - một công ty phát triển phần mềm trên di động tại Hà Nội - được Google mời sang sự kiện Google Play PlayTime như một nhà phát triển tiêu biểu tại Đông Nam Á. 

Chia sẻ với ICTnews thời điểm đó, đại diện rubycell cho biết công ty phát triển sản phẩm và hướng tới người dùng nước ngoài là chủ yếu, vì người Việt thích sử dụng ứng dụng hoặc chơi game nhưng ít chịu trả tiền.

“Người dùng Việt vẫn thích chơi, nhưng khi đụng đến trả tiền thì họ không trả", đại diện rubycell nói. Anh cũng cho biết từng phát triển một ứng dụng tương tự cho thị trường Việt Nam nhưng không thành công.

Hôm qua 12/12, tại sự kiện Indie Game Accelarator 2019 do Google tổ chức tại đảo quốc sư tử, hai công ty phát triển game tại Việt Nam cho biết họ cũng tập trung chủ yếu vào thị trường nước ngoài.

Nghịch lí chuyện game Việt chật vật trong nước, rộng đường ở nước ngoài - Ảnh 1.

Ngô Minh Quân (phải) - CEO Spirit Bomb và Phạm Nguyễn Thu Nguyên, Giám đốc tiếp thị XBean, bên cạnh cúp tốt nghiệp chương trình Indie Game Accelerator của Google. Ảnh: Bảo Lâm

Ngô Minh Quân, CEO của Spirit Bomb, trả lời PV ICTnews cho biết các công ty game nhỏ tại Việt Nam hầu hết kinh doanh ở thị trường nước ngoài là chính vì “quy mô thị trường lớn, kiểu gì cũng có tập khách hàng nhỏ đâu đó trả tiền cho mình”.

“Thị trường Việt Nam nhỏ và bị cạnh tranh nhiều bởi các game lớn, như từ Trung Quốc chẳng hạn”, anh Quân lý giải. Hiện doanh thu chủ yếu của Spirit Bomb đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Công ty của Quân có tổng cộng 5 nhân sự, sau khi khởi nghiệp được 6 năm đã có trong tay khoảng 20 tựa game, chủ yếu là game di động nhỏ lẻ. 

Chương trình Indie Game Accelarator của Google nhằm hỗ trợ các nhà phát triển game quy mô nhỏ phát triển bằng cách huấn luyện họ trong quãng thời gian 4 tháng, với hàng loạt người hướng dẫn (mentor) là những gương mặt hàng đầu trong ngành game thế giới.

Cũng nằm trong số 30 nhà phát triển được lựa chọn từ hơn 1.700 ứng dụng trên khắp 37 quốc gia và vùng lãnh thổ để tham gia Google Indie Game Accelarator, XBean - một studio game từ Đà Nẵng - cho biết đang tập trung vào nhóm khách hàng nữ tại Mỹ.

“Sau khi thử qua nhiều game, làm nghiên cứu thị trường và các khảo sát khác, chúng tôi nhận thấy nhóm khách hàng nữ tại Mỹ phù hợp với phong cách game của XBean”, Phạm Nguyễn Thu Nguyên, Giám đốc tiếp thị XBean trả lời ICTnews. Cô cho biết tập khách hàng này thích các trò chơi giải trí nhẹ nhàng, đơn giản nhưng đồ hoạ phải đẹp.

Nguyên cho biết hầu hết game của công ty cô phát triển cho thị trường nước ngoài, game nào nhiều nhất cũng chỉ có khoảng 10% người Việt chơi.

“Công ty game nhỏ thường phát triển các game đơn giản phù hợp nhiều người chơi. Để cạnh tranh, chúng tôi tạo các game nhắm vào thị trường ngách trên thế giới, nếu nhắm thị trường ngách tại Việt Nam thì lại quá nhỏ”, cô gái vừa làm công việc quảng bá, vừa phát triển kinh doanh và thiết kế game của XBean giải thích.

XBean có khoảng 7 nhân sự đang làm việc tại Đà Nẵng. Sau 5 năm khởi nghiệp, studio này có khoảng 20 game ở các quy mô khác nhau. Tại sự kiện ở Singapore, XBean có lịch tiếp xúc với 3 nhà đầu tư nhằm tìm kiếm giải pháp mở rộng thị trường. Doanh thu từ game của công ty vẫn chưa đủ để nuôi bộ máy.

Một số công ty game nhỏ lẻ mới khởi nghiệp hiện vẫn chật vật tìm khách hàng, tuy nhiên một số khác đã trưởng thành và quay lại hỗ trợ các start-up nhỏ hơn. 

Như Amanotes, đại diện Việt Nam tham dự Google PlayTime năm 2017, hiện đã tìm được công thức thành công khi sản xuất game cho thị trường nước ngoài, nên đã đảm nhận thêm công việc phát hành game cho các công ty nhỏ hơn ra các thị trường mà Amanotes có kinh nghiệm.

Nội dung game, chất lượng game sẽ quyết định lượng người chơi

Tình trạng các công ty game nhỏ lẻ trong nước bị cạnh tranh bởi các đối thủ lớn ở nước ngoài không chỉ diễn ra tại Việt Nam. 

Tại sự kiện do Google tổ chức, một nhà phát triển game ở Indonesia cũng than phiền vì thị trường này hầu như không có game nội địa. Do đó, công ty gia nhập thị trường kỳ vọng một sự thay đổi nào đó, dù việc cạnh tranh sẽ rất khó khăn.

“Doanh nghiệp Việt ai cũng mong muốn tạo một sản phẩm game Việt cho người Việt, nhưng những trở ngại về thị trường, kinh doanh, thanh toán,... khiến game nội địa khó cạnh tranh với các sản phẩm toàn cầu”, Minh Quân cho biết.

“Một phần nữa do năng lực sản xuất. Các công ty game nội địa có lẽ chưa bắt được nhu cầu, kỹ thuật, cũng như thanh toán để chính phục người dùng trong nước”, anh nói tiếp. Dù vậy, đại điện Spirit Bomb thừa nhận một số sản phẩm nội địa của VNG, Teamobi cũng khá thành công tại Việt Nam.

Nghịch lí chuyện game Việt chật vật trong nước, rộng đường ở nước ngoài - Ảnh 2.

Các nhà phát triển game nhỏ tại Đông Nam Á, Brazil, Argentina,... tại sự kiện Indie Game Accelerator của Google. Ảnh: Hải Đăng

PV ICTnews hỏi đại diện Google liệu vấn đề thanh toán có phải lý do khiến các công ty trong nước không cạnh tranh được với công ty quốc tế, ông Kunal Soni - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Ứng dụng và Trò chơi Google Play khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ và Úc - cho biết việc nhắm đến thị trường nào chỉ là lựa chọn của các nhà phát triển. 

Các công ty nhìn thấy tiềm năng thị trường nào sẽ nhắm vào thị trường đó. Công việc của các nền tảng như Google Play là cung cấp các công cụ thanh toán thuận tiện cho người dùng, để việc trả tiền cho game và ứng dụng dễ dàng hơn.

“Tôi luôn nói với các nhà phát triển rằng nội dung tốt sẽ thu hút được nhiều người dùng. Nếu người dùng thấy được giá trị của việc bỏ tiền ra trong game thì chắc chắn họ sẵn sàng móc hầu bao”, ông Kunal nêu ý kiến.

Vineet Tanwar - Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Google Play - cho rằng ngoài việc trả tiền, người chơi có thêm tuỳ chọn xem quảng cáo để mua các nội dung trong game. Do đó vấn đề thanh toán hiện nay không phải là rào cản chính khiến người dùng không tiếp cận một game nào đó.

“Dĩ nhiên nếu bạn nghĩ người dùng của bạn trên toàn cầu thì bạn sẽ có nhiều phương án kinh doanh hơn, thị trường rộng mở hơn. Nếu chỉ nghĩ về một nước hay một khu vực thì vô tình bạn để mất đi nguồn khách hàng từ các nơi khác”, ông Vineet nói.

Các đại diện Google đều cho biết Đông Nam Á chứng kiến sự tăng trưởng dần lên của các công ty khởi nghiệp game, và người dùng đang bắt đầu tích cực hơn trong việc chi tiền khi chơi game.

Đại diện Spirit Bomb cũng cho rằng một vài năm gần đây khi các chợ ứng dụng cho phép trả tiền bằng ví điện tử, bằng thẻ cào bên cạnh phương thức thanh toán thẻ tín dụng truyền thống có thấy sự gia tăng của người Việt trả tiền cho game.

Công ty nghiên cứu thị trường NewZoo dự báo đến năm 2022 thị trường game di động trên toàn thế giới sẽ đạt 79,7 tỷ USD trên tổng quy mô 152,1 tỷ USD toàn ngành game. Tại Đông Nam Á, game di động từ 3,2 tỷ USD năm 2019 có thể tăng lên đến 6,1 tỷ vào năm 2022. 

Cộng với đó, ngày càng nhiều người dùng smartphone, điện thoại cũng mạnh mẽ hơn, khiến các công ty game lớn nhỏ đều kỳ vọng có được miếng bánh cho riêng mình trong một ổ bánh cực kỳ tiềm năng.

Để có được miếng bánh này, không chỉ các công ty nhỏ đi tìm kiếm thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp lớn hơn khi bắt đầu có lượng người chơi đủ lớn trong nước cũng tìm cách mở rộng ra quốc tế. 

Như VNG mới đây cũng công bố kế hoạch đạt 320 triệu người dùng, tức gấp 3 dân số Việt Nam, vào năm 2023 (bao gồm người dùng chơi game và các dịch vụ khác). Với tham vọng này, công ty Internet của Việt Nam buộc phải lấn sân sang các thị trường khác như châu Mỹ Latinh, các quốc gia Đông Nam Á.

Hải Đăng