Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia đã vượt giới hạn cho phép
Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II - một ví dụ điển hình về vay nợ nước ngoài để đầu tư sau gần chục năm chưa hoàn thành dự án. Ảnh:TL |
Dư nợ tự vay, tự trả của các doanh nghiệp tăng mạnh
Theo Báo cáo về tình hình vay nợ của Chính phủ ước thực hiện năm 2017 và kế hoạch năm 2018 gửi Quốc hội, dư nợ nước ngoài của quốc gia (bao gồm tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp, tổ chức khác vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả theo quy định) đã tăng đáng kể từ năm 2016, chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả của các doanh nghiệp tăng mạnh.
Năm 2016 đã tăng 14,5% so với năm 2015, trong đó nợ nước ngoài của Chính phủ tăng 8,6%; nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh tăng 3%; nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp tăng 26,8%. Điều đó kéo theo nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ là 29,7%, trong khi giới hạn cho phép là 25%.
Nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã được siết lại rất chặt để đảm bảo an toàn nợ công. Song nợ của doanh nghiệp tự vay tự trả lại khó kiểm soát hơn. Và nếu không kiểm soát chặt thì việc chuyển các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp thành nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước là rủi ro và hệ lụy lớn. Các khoản nợ đến hạn không trả được của các dự án xi măng, đạm Ninh Bình, nhà máy bột giấy Phương Nam, gang thép Thái Nguyên giai đoạn II… là những ví dụ cụ thể.
Đến hết năm 2016, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia là 2.013.681 tỉ đồng, bằng 44,7% GDP. Con số này vẫn trong giới hạn an toàn (dưới 50%) nhưng chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng cao hơn năm trước. Nguyên nhân là do quy mô vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp (tự vay, tự trả) tăng nhanh. Tốc độ tăng dư nợ của các khoản vay trung và dài hạn là 30,4%, của các khoản vay ngắn hạn là 20,4% so với năm 2015. Nó kéo theo nghĩa vụ trả nợ tăng gấp đôi (29,7% so với 12,4% của năm 2015) do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong năm 2016. Việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống.
Tính đến hết 9 tháng năm 2017, tổng mức trả nợ của Chính phủ là 213.316 tỉ đổng (75.352 tỉ đồng là trả nợ lãi). Việc trả nợ Chính phủ được thực hiện chặt chẽ, đúng hạn theo đúng cam kết của Chính phủ với các nhà tài trợ.
Về bảo lãnh vay nợ Chính phủ, định hướng về hạn mức bảo lãnh của Chính phủ năm 2017 và các năm tiếp theo là: hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ cho các khoản vay mới. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển, bảo lãnh phát hành mới bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm. Do đó, 9 tháng đầu năm không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án vay vốn. Riêng việc giải ngân ròng các dự án đã cấp bảo lãnh trước đây vẫn trong hạn mức phê duyệt.
Vậy vấn đề nằm ở hạn mức vay nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
Không thể chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ quốc gia
Chính phủ đã đồng loạt triển khai các biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ, đảm bảo nợ công trong mức an toàn, trong đó có chủ trương tạm dừng xem xét cấp bảo lãnh cho các dự án mới, thẩm định chặt các dự án đăng ký sử dụng vốn vay, nhất là vay mới. Vấn đề là phải có các biện pháp kiểm soát tốc độ tăng nhanh dư nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc hạn mức đã được phê duyệt
Theo Báo cáo định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, dự kiến hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả tối đa là 5,5 tỉ đô la Mỹ/năm. Ước thực hiện hạn mức dư nợ vay này năm 2017 đã là 5,1 tỉ đô la, bằng 93% hạn mức định hướng/năm, mà chỉ bao gồm các khoản vay đã đăng ký chính thức với Ngân hàng Nhà nước tính đến hết 30-9-2017, chưa bao gồm các khoản sẽ phát sinh trong quí 4. Đây là hạn mức rất lớn.
Trên thực tế, việc kiểm soát nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp là rất khó, vì đầu mối quản lý nợ phân tán, lại là nợ tự vay, tự trả. Chính phủ đề ra mục tiêu tốc độ tăng tối đa hàng năm của dư nợ nước ngoài ngắn hạn là 8% đến 10%. Tuy nhiên, việc phải có cơ quan thống kê số lượng, giá trị các dự án mới của doanh nghiệp ký kết, nguồn vay và dự án có khả năng ký kết trong giai đoạn 2016-2020 (kể cả trong kế hoạch của Nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp, nhất là DNNN) là hết sức cần thiết, nhằm đánh giá tác động đến nợ công cũng như những rủi ro của việc doanh nghiệp vay nợ nước ngoài.
Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát
Theo Chính phủ, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam dự kiến vào cuối năm 2017 là 62,6%, so với mức 63,7% của ... |