|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nghị định 20 khống chế chi phí lãi vay gây nhiều vướng mắc

16:04 | 05/11/2020
Chia sẻ
Nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 chưa thực sự thống nhất với các qui định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Tại các kỳ họp từ thứ 7 đến thứ 9 Quốc hội khóa XIV, một trong những nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội và Doanh nghiệp quan tâm, đó là Nghị định 20 năm 2017 quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Khoản 3 Điều 8 của Nghị định này quy định về mức khống chế chi phí lãi vay đã gây ra nhiều vướng mắc và ảnh hưởng không hề nhỏ tới các doanh nghiệp của Việt Nam.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ngày 3/11, đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng đã phát biểu đặt câu hỏi về Nghị định 20.

Dẫn quan điểm của nhiều chuyên gia, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết: Nội dung quy định tại khoản 3 điều 8 của Nghị định này chưa thực sự thống nhất với các quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật đầu tư, và thực tế, chưa tạo ra biện pháp hiệu quả để thực thi kế hoạch hành động của tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD về chống xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận (gọi là chống chuyển giá) đối với các doanh nghiệp đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam. Mà thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty holding, công ty mẹ con bị ảnh hưởng nặng nề.

Nghị định 20 khống chế chi phí lãi vay gây nhiều vướng mắc - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng.

Trước hàng loạt kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước, đặt biệt là các tập đoàn kinh tế lớn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và có điều chỉnh phù hợp. Tháng 06/2020, Nghị định số 68 sửa đổi bổ sung Khoản 3 Điều 8 của Nghị 20 đã được ban hành.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thanh Tùng phản ánh: Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, việc ban hành nghị định mới bổ sung vẫn chưa xử lý được một cách triệt để các bất cập và tiếp tục kiến nghị về dài hạn, cần xem xét thay đổi và chỉ nên áp dụng quy định đối với các doanh nghiệp nước ngoài mà không áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, mục tiêu của quy định này là chống chuyển giá (tức là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài), vì vậy các doanh nghiệp có công ty mẹ công ty con cùng hoạt động tại Việt Nam thì không phải là đối tượng chống chuyển giá. Các doanh nghiệp cho vay mượn qua lại giữa các thành viên cũng nên được loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh.

“Đề nghị Chính phủ sớm tiếp tục nghiên cứu để ban hành Nghị định sửa đổi tổng thể, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp bất lợi cho đại dịch Covid và suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay” – Đại biểu Bùi Thanh Tùng kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia cho biết, một số nước mức trần này chỉ áp dụng cho chi phí lãi vay chi trả cho các công ty liên kết ở nước ngoài, ví dụ Hàn Quốc quy định chi phí lãi vay trả cho các tổ chức liên kết bên nước ngoài vượt quá 30% của thu nhập chịu thuế chưa bao gồm khấu hao và chi phí lãi vay đối với các công ty trong nước. Việc áp dụng này khá phù hợp với nguyên tắc quản lý giao dịch các bên liên kết nhằm mục đích chống xói mòn về thuế.

Tuy nhiên, khi đặt vị thế giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan và Myanmar, vốn chưa có quy định về mức khống chế chi phí lãi vay, nên Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo thêm mô hình các nước có cơ cấu và phát triển tương tự như Việt Nam để có thể đồng thời tạo thế cạnh tranh (giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, cũng như thu hút vốn đầu tư từ các quốc gia khác khi cân nhắc giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong Đông Nam Á), vừa đảm bảo mục tiêu chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của OECD.

PV

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.