ĐBQH Dương Trung Quốc: Thủy điện nhỏ có thể thành những quả 'bom nổ chậm' trong 40-50 năm nữa
Kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra giữa lúc miền Trung đang trải qua đợt mưa lũ lịch sử, gây thiệt hại rất lớn về người và của. Bởi vậy, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội diễn ra hai ngày qua, rất nhiều Đại biểu đã góp ý kiến liên quan đến việc phòng chống thiên tai. Trong đó, nhiều Đại biểu quan tâm đến tác động của phát triển thủy điện, hồ thủy lợi tới thiên tai.
Đề nghị tổng kiểm tra, rà soát các dự án thủy điện nhỏ
Phát biểu thảo luận tại kì họp, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, thiên tai bão lụt ở miền Trung thời gian qua có liên quan đến diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị thu hẹp, đòi hỏi việc trồng rừng tái sinh cần được triển khai ngay bởi đây là giải pháp cấp bách để giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Bà Xuân đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần nhanh chóng đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây nguyên, miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc; cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ không hiệu quả, thiếu tính khả thi ra khỏi qui hoạch điện đến năm 2030.
Đại biểu cho rằng, việc xây dựng thủy điện vừa và nhỏ như thời gian vừa qua là lợi bất cập hại, khiến cho sông suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất đều thiếu trong khi đó các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho khu vực hạ lưu.
Theo bà Xuân, qua hoạt động tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh tình trạng rừng và tài nguyên rừng bị các chủ đầu tư khai thác triệt để, đầu tư thủy điện nhỏ nhưng thực chất là để khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước, đánh giá tác động của các dự án này như thế nào đến môi trường. Từ đó có giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập và có thông tin rộng rãi để nhân dân yên tâm.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phân tích, trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng ở các qui mô khác nhau; cùng với nhu cầu mưu sinh của người dân và phát triển cơ sở hạ tầng, hàng chục ngàn ha rừng đầu nguồn đã biến mất.
Mất rừng, mất đất, tất yếu mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn, là nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở đất cao hơn, lũ đai nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, thủy điện không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng là tác nhân khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn.
Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho biết, sự phát triển của hệ thống thủy lợi, thủy điện ở Việt Nam có lịch sử rất lâu đời, với 86.202 công trình thủy lợi, trong đó có 6.998 đập, hồ chứa nước với dung tích khoảng 14 tỉ mét khối nước để phục vụ tưới tiêu cho khoảng 4,2 triệu ha đất nông nghiệp và khoảng 6 tỉ mét khối nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu tưới tiêu, còn 63% phải trông chờ vào nước tự nhiên và hệ thống bơm từ sông ngòi. Bên cạnh đó có 500 hồ chứa nước thủy điện đã đi vào vận hành và khoảng 300 dự án thủy điện đang triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào vận hành.
Như vậy, tính tổng chung cả hồ đập thủy điện và thủy lợi cả nước có khoảng 7.800 hồ đập lớn nhỏ. Các dự án này đã phát huy tốt vai trò, vị trí trị thủy, cấp nước, cấp điện, phòng chống lũ, tạo tăng trưởng cho các ngành kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, lũ lụt xảy ra thường xuyên với cường độ cao, cộng với tình trạng không ổn định về địa chất khiến các vùng miền đang phải gánh chịu thảm họa thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản. Hiện nay có 1.700 hồ đập xuống cấp, trong đó có 1.200 hồ đập cần sửa chữa và 200 hồ đập hư hỏng nặng cần sửa chữa khẩn cấp.
Từ những con số nêu trên, Đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng nguy cơ thảm họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện ở nước ta rất lớn. Nhưng công tác qui hoạch và quản lí qui hoạch còn nhiều bất cập, thiếu tính liên kết vùng, còn tình trạng phá vỡ qui hoạch, lấn chiếm sử dụng vào mục đích khác. Công tác vận hành, điều phối quản lí hệ thống hồ đập ở nhiều nơi chưa được chú trọng…
Không phủ nhận mặt tiêu cực của thủy điện nhưng có nhiều tích cực
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay trên cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở các qui mô khác nhau với dung tích trữ nước khoảng 56 tỉ mét khối và đóng góp công suất khoảng 20.000 MW, chiếm 37 % công suất phát điện của cả nước hiện nay.
Ông Tuấn Anh khẳng định, thủy điện có những mặt hạn chế và có mặt tích cực tùy theo cách quản lí của chúng ta.
Trước hết, đây là một nguồn năng lượng rất quan trọng phục vụ cho nhu cầu về năng lượng của đất nước, cho phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân.
Hiện chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu và hiện nay năng lượng sơ cấp của chúng ta đã gần hết. Thủy điện là một nguồn năng lượng tái tạo rất quan trọng và có mức độ ô nhiễm ít, độ phát thải khí nhà kính gần như không có.
Ngoài chức năng phát điện, các hồ chứa nước thủy điện điện còn góp phần điều tiết, cắt giảm lũ, đồng thời phục vụ cho nhu cầu khác của các địa phương.
"Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận tác động tiêu cực của thủy điện. Trong đó có tác động đến môi trường đất, nước, khí hậu cũng như là nơi sống dân sinh," Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Ông Tuấn Anh nhấn mạnh, điều này là do các quản lí ở một số nơi. Cụ thể, diện chúng ta có các công cụ, cơ sở pháp lí tương đối đầy đủ để quản lí thủy điện đảm bảo an toàn, nhưng một số địa phương thực thi không nghiêm.
Về câu chuyện thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến lũ, bão lụt, ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, các thiên tai này gắn chặt với những yếu tố dị thường và cực đoan của thời tiết.
"Tất nhiên, những câu chuyện liên quan đến tác động của vấn đề mất rừng đầu nguồn và thảm thực vật rồi mất độ kết dính của đất là những vấn đề do tác động của con người thông qua các dự án thủy điện, cũng như các dự án khác là những vấn đề chúng ta không thể phủ nhận trong một mức độ chừng mực nhất định," ông Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, tới đây, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các địa phương và các bộ, ngành để nghiên cứu cụ thể, đánh giá về những mặt còn hạn chế, những mặt tích cực, để từ đó sẽ có tham mưu chính sách với Chính phủ để tiếp tục siết chặt quản lí trong phát triển thủy điện, làm sao để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực nếu có và đồng thời tiếp tục khai thác tốt những cái nguồn tài nguyên của đất nước.
Trước đó, giai đoạn 2012-2019, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi qui hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Cùng với đó là trên 100 dự án tiềm năng, có dự án lên đến khoảng 60 MW, đa phần ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, một số ít thuộc các tỉnh Tây Bắc…
Trước đây nếu như mỗi MW điện chiếm 4 đến 5 ha đất thì từ năm 2016 đến nay, không có dự án thủy điện nào chiếm đất rừng tự nhiên. Còn các dự án rừng trồng, các dự án thủy điện chỉ chiếm bình quân 2 ha/MW điện.
Các nhà đầu tư, các địa phương sau khi có chỉ đạo đã nhận thức tốt, từ đó hạn chế tối đa diện tích đất rừng sử dụng. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các địa phương từ năm 2017 đến nay không có dự án điện nào dưới 3 MW được bổ sung qui hoạch. Riêng năm 2019, Bộ Công Thương khẳng định chưa xem xét bổ sung qui hoạch các dự án thủy điện.
40-50 năm nữa có thể thành "bom nổ chậm" nên phải có giải pháp từ lúc xây
Phát biểu thảo luận sau Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, điện được coi là một trong những vấn đề rất quan trọng của cơ sở hạ tầng.
Ông cũng đồng tình với lãnh đạo Bộ Công Thương là thủy điện cũng có tính hai mặt. Tuy nhiên, trải qua những vấn đề vừa qua thì người dân không biết mặt lợi đến đâu nhưng cứ nhìn thấy thiệt hại vô cùng to lớn.
Hiện nay, chúng ta đã bỏ nhiều dự án thủy điện khỏi qui hoạch. Tuy nhiên, theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, phải nói rằng đây là dự án mà chúng ta nhìn thấy rõ nguy cơ; phải nói rằng, tất cả các dự án điện nói chung và dự án thủy điện đều có tiềm năng nguy cơ.
Trong khi nước ta có rất nhiều tiềm năng về năng lượng xanh, năng lượng sạch. Bây giờ điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo có rất nhiều tiềm năng để có thể thay thế. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường và Quốc hội đều thống nhất cùng quan điểm là không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển và chúng ta đã từng có kế hoạch đóng cửa rừng.
"Vậy thì chúng ta hãy thực hiện đúng phương châm này trước khi đánh giá lại tất cả các vấn đề thì chúng ta kiểm nghiệm lại. Tôi không chống lại làm thủy điện nhưng phải làm thế nào để đất nước không thấy xót xa, không thấy thiệt thòi", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.
Ở góc độ khác, bàn tới cái lợi, cái hại của thủy điện nhỏ, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói:
"Chúng ta mới bàn chuyện ngày hôm nay, nhưng giả sử 40-50 năm nữa, khi đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì tất cả công trình xây dựng ở vùng sâu núi thẳm này sẽ là những quả bom nổ chậm.
Nguồn tài lực nào, nhân lực nào để quản lí nó? Vì vậy, ngay từ bây giờ, khi chúng ta xây dựng phải thấy được kết cục đó như thế nào? Chắc chắn nó sẽ là di sản sau này thế hệ con cháu chúng ta phải lo."
Ông Dương Trung Quốc cho biết thêm, điều này cũng như một số nguồn năng lượng sạch, tái tạo hiện nay. Ví dụ như hàng vạn mét vuông điện mặt trời khi trở thành rác, không sử dụng sẽ thành nguồn gây ô nhiễm như thế nào?
"Ngay từ bây giờ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải quan tâm đế, có chế tài để để đảm bảo chúng a nguồn lực giải quyết những hậu họa như vậy", Đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị.