|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lấy lòng Mỹ hay Trung Quốc trở thành câu hỏi khó của giới doanh nghiệp đa quốc gia

19:54 | 13/06/2020
Chia sẻ
Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới tăng, các doanh nghiệp đa quốc gia đang đối mặt với yêu cầu lớn dần từ phía Bắc Kinh để có thể tiếp tục hoạt động ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự can thiệp của Bắc Kinh vào hoạt động của doanh nghiệp thể hiện qua vụ của công ty Zoom. Doanh nghiệp có trụ sở ở bang California đã chặn tài khoản của một nhóm nhân quyền trong vài ngày sau khi họ tổ chức một buổi tưởng nhớ trực tuyến liên quan đến vụ Thiên An Môn năm 1989 hồi tháng 5, theo Nikkei.

Ban lãnh đạo Zoom tiết lộ rằng giới chức Trung Quốc đã yêu cầu Zoom xóa tài khoản của tổ chức nhân quyền kia, do nhiều người tham gia buổi tưởng niệm đang sống ở Trung Quốc. 

"Giống như mọi doanh nghiệp toàn cầu khác, Zoom phải tuân thủ luật pháp ở những nước mà chúng tôi hoạt động", một người phát ngôn của công ty nói. Người phát ngôn nói thêm rằng Zoom còn lên kế hoạch phát triển chức năng chặn người tham gia các sự kiện theo quốc gia.

Áp lực từ Bắc Kinh đối với doanh nghiệp đa quốc gia

Một số nhà phân tích nhận định ban đầu Zoom đồng ý tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc vì công ty có nhiều ứng dụng (app) ở quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Chọn Mỹ hay Trung Quốc trở thành câu hỏi khó của giới doanh nghiệp  - Ảnh 1.

Ông Eric Yuan, giám đốc điều hành ứng dụnng Zoom. Ảnh: Mercury News

Eric Yuan, người sáng lập và giám đốc điều hành Zoom, lớn lên ở Trung Quốc và cũng đầu tư khá nhiều tiền vào các hoạt động ở đây. Cả thị trường Mỹ và các kĩ sư công nghệ Trung Quốc đều cần thiết với sự thành công của các app.

Zoom không phải là doanh nghiệp đa quốc gia suy nhất phải cố gắng tạo thế cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh. Hồi mùa thu năm ngoái, công ty game Activision Blizzard đã cấm một game thủ tham gia một giải đấu thể thao điện tử (e-sport) sau khi anh thể hiện sự ủng hộ đối với làn sóng biểu tình ở Hong Kong. Tập đoàn HSBC (Anh) cũng ủng hộ kế hoạch của Trung Quốc trong việc áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong.

Apple đã loại ứng dụng Pocket Casts (xuất xứ ở Australia) ra khỏi kho ứng dụng của họ ở Trung Quốc do yêu cầu từ Bắc Kinh, theo giới truyền thông ở đại lục. Giới quan sát nhận định đây là đòn trả đũa của Trung Quốc đối với việc Australia kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành điều tra độc lập để tìm hiểu cách thức COVID-19 bùng phát và lây lan khắp thế giới.

Doanh nghiệp Trung Quốc cũng chịu áp lực

Những doanh nghiệp nội địa cũng đang cảm nhận áp lực từ chính phủ Trung Quốc. Giới chức phát hiện 15,19 triệu trường hợp doanh nghiệp trong nước đăng nội dung không phù hợp trong môi trường trực tuyến vào tháng 5, tăng 22% so với cùng kì năm ngoái.

Sự việc đã khiến làn sóng chỉ trích Trung Quốc ở Mỹ tăng nhiệt.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence từng lên án tập đoàn Nike và Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ vì làm ngơ trước tình trạng nhân quyền và tự do ngôn luận ở Trung Quốc.

"Khi doanh nghiệp, tổ chức thể thao, vận động viê chuyên nghiệp chấp nhận sự kiểm duyệt nọi dung, họ không chỉ hành xử sai, mà còn cho thấy họ không giống người Mỹ", ông Pence nói.

Một số doanh nghiệp đang tăng cường sự hiện diện ở Mỹ để tránh thái độ bài xích của giới chức. Ứng dụng chia sẻ video TikTok đã thuê một giám đốc của tập đoàn Disney làm giám đốc điều hành mới, và cũng đang áp dụng nhiều biện pháp để giảm bớt sự phụ thuộc vào công ty mẹ ở Trung Quốc. Zoom cũng sắp đầu tư vào nỗ lực củng cố sự hiện diện ở Mỹ.

Châu Âu cũng loay hoay giữa Mỹ và Trung Quốc

Ngày 25/5, báo Guardian (Anh) dẫn lời ông Josep Borrell nhận định rằng dịch COVID-19 có thể đóng vai trò bước ngoặt và “áp lực để chọn phe đang ngày càng tăng lên”. 

“Các nhà phân tích từ lâu đã đề cập đến việc kết thúc hệ thống do Mỹ dẫn đầu, thế kỷ châu Á đang tiến tới. Điều này xảy ra ngay trước mắt chúng ta”, ông phát biểu.

Ông Josep Borrell cũng nói rằng Liên minh châu Âu (EU) với 27 quốc gia thành viên “cần chiến thuật mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc”. Trong một bài bình luận đăng vào tháng 5 trên nhiều tờ báo châu Âu, ông Josep Borrell khuyến khích cần có thêm kỷ luật chung đối với Trung Quốc.

Ông Philippe Le Corre tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) nhận định COVID-19 đã trở thành “kẻ thay đổi” cuộc chơi và làm đổi hướng khái niệm của châu Âu về Trung Quốc. Ông Philippe Le Corre nói: “Trung Quốc đã không ghi nhận giúp đỡ ban đầu của châu Âu, có lẽ bắt nguồn từ việc Bắc Kinh không thoải mái với việc được nước ngoài hỗ trợ”.

Dư luận châu Âu cũng không hài lòng với hành vi của Trung Quốc. Một cuộc khảo sát do Tổ chức Phi lợi nhuận Körber-Stiftung (Đức) tiến hành cho thấy 71% người Đức tin rằng “có thể giảm thiểu đại dịch COVID-19 nếu Trung Quốc minh bạch hơn”.

Ủy viên EU phụ trách vấn đề cạnh tranh, bà Margrethe Vestager cho biết: “Tại Tây Đan Mạch, nơi tôi lớn lên, chúng tôi được dạy rằng nếu bạn mời một vị khách tới ăn tối và họ không mời lại bạn thì bạn nên ngừng lại”. Bà Margrethe Vestager nói rằng châu Âu cần “quyết đoán và tự tin”.

Nhưng châu Âu lại miễn cưỡng về cùng phía với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chủ trương muốn mạnh tay hơn với Trung Quốc của châu Âu đã bị kiềm chế bởi các biện pháp của Tổng thống Trump và nỗi lo ngại rằng khi cùng đối đầu với Trung Quốc thì đối tác hàng đầu của EU chỉ còn lại chính ông chủ Nhà Trắng.

Nhiều chính trị cấp cao tại Pháp và Đức đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Nhập khẩu hàng ngày của châu Âu từ Trung Quốc lên tới 1 tỷ euro nhưng các nhà kinh tế học cho biết có dấu hiệu một số hình thức thương mại sẽ không quay trở lại.

Ông Borrell đã rất bất ngờ khi phát hiện mọi nguồn cung paracetamol tới châu Âu đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Quốc hội Đức đã thông qua luật mới ngăn người nước ngoài kiểm soát các công ty dược nước này. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trong khi đó nói rằng “một số công ty khá yếu thế trong khi đó nhiều công nghệ lại mỏng manh nên có thể bị các đối thủ nước ngoài mua lại với giá thấp. Tôi sẽ không để điều này xảy ra”.

Có nhiều nhân tố dẫn đến thay đổi này. Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkēvičs từng nói: “4 năm trước đây mọi thứ chỉ tập trung về kinh tế, thương mại, “Vành đai, Con đường” và đầu tư. Nhưng nay cần có sự cân bằng”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn khuyến khích châu Âu hướng đến chọn Nga là một đồng minh.

Một thay đổi đáng chú ý là mùa Xuân năm 2019 khi trong một văn bản chiến lược, châu Âu gọi Trung Quốc là “hệ thống đối địch”. Nhưng cùng tháng văn bản chiến lược được công khai, Italy đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ký biên bản ghi nhớ về việc tham gia “Vành đai, Con đường” với Trung Quốc. Nhiều quốc gia châu Âu còn "bật đèn xanh" để tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei thiết lập mạng không dây 5G.

Bản thân Bắc Kinh tuyên bố 2020 sẽ là năm của châu Âu với 2 hội nghị thượng đỉnh lớn và nhiều lễ ký kết. Trung Quốc cũng tiếp tục thân thiện với Đông Âu qua nhóm có tên gọi 17+1. Và Trung Quốc từng giúp kinh tế châu Âu phục hồi trong giai đoạn khủng khoảng kinh tế 2007-2008 bằng việc mua nợ.

Nhạc Phong