|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nghệ An đề xuất xây 2 nhà máy điện mặt trời nổi trị giá hơn 6.500 tỉ đồng

09:50 | 04/08/2020
Chia sẻ
Dự kiến, 2 dự án đều bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thời gian hoàn vốn của dự án điện mặt trời hồ Vực Mấu dự kiến là 14 năm, dự án hồ Khe Gỗ là 17 năm.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung 2 dự án vào Qui hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương cho biết tỉnh Nghệ An đề xuất xây dựng dự án điện mặt trời nổi tại hồ Vực Mấu và hồ Khe Gỗ ở huyện Quỳnh Lưu. Tổng mức đầu tư dự kiến của 2 dự án năng lượng này trên 6.500 tỉ đồng.

Trong đó, nhà máy điện mặt trời nổi hồ Vực Mấu tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu có công suất lắp đặt là 200MWp. Diện tích sử dụng dự kiến 214 ha mặt nước hồ Vực Mấu, tổng mức đầu tư 3.106 tỉ đồng.

Nhà máy điện mặt trời nổi tại hồ Khe Gỗ xây dựng tại xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu có tổng công suất 250MWp. Diện tích sử dụng dự kiến 280 ha bao gồm đất mặt nước, đất bán ngập hồ Khe Gỗ, tổng mức đầu tư 3.473 tỉ đồng.

Dự kiến, 2 dự án đều bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thời gian hoàn vốn của dự án điện mặt trời hồ Vực Mấu dự kiến là 14 năm, dự án hồ Khe Gỗ là 17 năm.

Báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương cho biết 2 dự án điện mặt trời này dự kiến thực hiện thí điểm cơ chế đấu thầu giá điện. 

Do đó, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính khả thi của dự án đối với mức giá theo tính toán, tuân thủ kết quả thực hiện cơ chế đấu thầu thí điểm về giá điện được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và các quy định liên quan khác tại thời điểm vận hành nhà máy.

Theo góp ý của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), việc phát triển các dự án điện mặt trời nổi trên mặt hồ hiện đang là xu hướng mới trên thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng. 

Các dự án điện mặt trời nổi có lợi thế về mặt kinh tế và quy trình triển khai thực hiện so với dự án điện mặt trời trên mặt đất như tiết kiệm được diện tích đất đai, chi phí giải phóng mặt bằng,... 

Tuy nhiên, các dự án này cần được xem xét, đánh giá kĩ tác động môi trường, giải pháp thi công xây dựng để không gây ô nhiễm lòng hồ, ảnh hưởng đến chất lượng nước, hệ sinh thái lòng hồ cũng như an toàn công trình.

Với hai dự án này, Cục Điều tiết Điện lực băn khoăn khi tiềm năng bức xạ điện mặt trời tại địa điểm đề xuất xây dựng chỉ là 3,88 kWh/m2/ngày. Đây là mức tương đối thấp so với tiềm năng bức xạ trung bình tại Nghệ An (4,04/kWh/m2/ngày) cũng như các khu vực có tiềm năng phát triển điện mặt trời khác trên cả nước. Do đó, Cục Điều tiết điện lực đề nghị xem xét, tính toán kĩ hiệu quả đầu tư, phát triển dự án.

Đến nay, tỉnh Nghệ An chưa có nguồn năng lượng tái tạo tập trung nào được đề xuất bổ sung vào quy hoạch và triển khai đầu tư. Dự án điện mặt trời tại hồ Vực Mấu và hồ Khe Gỗ ở huyện Quỳnh Lưu là các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn đầu tiên tại tỉnh này được đề xuất bổ sung vào qui hoạch.

Như Huỳnh