Ngành thuế yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản: ngân hàng lo bị lạm dụng
Ngân hàng nâng mức phòng ngừa rủi ro sau vụ nghi lộ thông tin của Thế giới di động | |
Ngân hàng được cung cấp thông tin khách hàng trong những trường hợp nào? |
Việc bảo mật thông tin cho khách hàng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Theo các ngân hàng, nếu thông tin của khách hàng bị rò rỉ, không chỉ khách hàng mà cả ngân hàng cũng sẽ bị thiệt hại nặng, mà bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đang điêu đứng do thông tin của khách hàng thanh toán thẻ bị lộ. Tuy nhiên, cơ quan thuế khẳng định sẽ chịu trách nhiệm về việc bảo mật thông tin.
Ngành thuế nói không thể không làm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện ban soạn thảo, vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) Lưu Đức Huy cho biết, trước mắt ngành thuế chỉ yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin về số tài khoản tương ứng với mã số thuế cho cơ quan quản lý thuế, nhằm góp phần đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế để quản lý thuế hiệu quả hơn.
Với những trường hợp phát hiện cá nhân cụ thể có hoạt động kinh doanh nhưng không thấy kê khai và nộp thuế, cơ quan thuế mới yêu cầu ngân hàng cung cấp những thông tin liên quan đến giao dịch tài khoản, số dư... "Thực tế, hiện cơ quan thuế vẫn đang phối hợp với ngân hàng để làm rõ những trường hợp khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về thuế", ông Huy nói.
Trong khi đó, theo ông Trần Xuân Thắng - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, việc cơ quan thuế nắm được số tài khoản của người nộp thuế là phù hợp và cần thiết.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay, những giao dịch xuyên biên giới, thương mại điện tử rất lớn. Để đảm bảo công bằng giữa người nộp thuế và cơ quan thuế thực hiện thu đúng, thu đủ tiền thuế, phải có sự phối hợp giữa các ngành.
Tuy nhiên, muốn được cung cấp số tài khoản của khách hàng, cơ quan thuế phải có văn bản gửi ngân hàng thương mại một cách chính thống.
Theo ông Thắng, cách đây hơn chục năm, nhiều chuyên gia quốc tế cũng kiến nghị ngành thuế phải xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế, trong đó có thông tin tài khoản ngân hàng, nhưng chưa làm được vì điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin thời điểm đó còn hạn chế.
"Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, nếu các ngành không phối hợp chặt chẽ như việc cơ quan thuế không biết một người nộp thuế mở tài khoản ngân hàng ở chỗ nào, quản lý thuế sẽ gặp nhiều khó khăn" - ông Thắng nói.
Một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết trong quá trình khai thác nguồn thu, cơ quan thuế cũng phải yêu cầu ngân hàng cung cấp các số liệu để truy thu thuế. Điển hình như vụ truy thu một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua mạng với số tiền 9,1 tỉ đồng vào cuối năm 2017, hay mới nhất là truy thu hàng loạt cá nhân có thu nhập khủng từ Google, Facebook nhưng không kê khai và nộp thuế, trong đó có một cá nhân 20 tuổi có thu nhập đến 40 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do các ngân hàng khá e dè khi cơ quan thuế đặt vấn đề vì sợ mất khách hàng, Cục Thuế TP sẽ làm việc với ngân hàng Nhà nước TP.HCM để đề xuất hướng phối hợp nhằm thuận lợi hơn.
"Khi đã yêu cầu cung cấp thông tin, trách nhiệm bảo mật đương nhiên thuộc về cơ quan thuế. Thậm chí khi cung cấp các trường hợp bị truy thu, cơ quan thuế cũng không cung cấp tên ngân hàng cụ thể nhằm bảo mật, dù theo quy định phải nêu" - vị này nói.
Ngân hàng lo bị lạm dụng
Trong khi đó, theo các ngân hàng, cần phải quy định rõ nhằm tránh lạm dụng. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Q.1, TP.HCM cho rằng cần quy định cụ thể cơ quan thuế cấp nào được quyền yêu cầu cung cấp thông tin và yêu cầu khi nào. Khi vụ án chưa được khởi tố, ngân hàng có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin về tài khoản của khách hàng hay không?...
"Việc này nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho ngân hàng thực hiện, vì thời gian qua chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu cung cấp thông tin về khách hàng nào đó từ cơ quan điều tra hoặc cơ quan thuế. Việc quy định rõ ràng sẽ tránh được việc lạm dụng yêu cầu cung cấp thông tin, gây tổn hại không chỉ cho khách hàng mà cả ngân hàng" - ông này nói.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Q.3, TP.HCM cũng cho rằng trong trường hợp luật thông qua, cần quy định rõ trách nhiệm bảo mật của cơ quan thuế vì nếu thông tin khách hàng bị lọt ra ngoài, ngân hàng chịu thiệt hại rất nặng. "Nếu không quy định rõ ràng, cấp nào cũng đòi cung cấp thì rất khó. Ngoài ra, nếu cơ quan thuế để lộ thông tin do ngân hàng cung cấp sẽ bị xử lý thế nào?" - ông này đề nghị.
Ông Nguyễn Ái Dân, phó tổng giám đốc NH TMCP Bắc Á, lại cho rằng không rõ mục đích của đề xuất yêu cầu ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế để làm gì.
Một người có rất nhiều tài khoản tại một ngân hàng, như tài khoản lương, tài khoản tiết kiệm, thẻ... Và một người cũng mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng.
"Nếu có đầy đủ những tài khoản này của hàng vài triệu khách hàng, cơ quan thuế sẽ làm gì? Còn trường hợp phát hiện những dấu hiệu rủi ro trong quản lý thuế mà cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản, số dư, giao dịch của tài khoản đó thì phải được quy định rõ trong luật", ông Dân nói.
Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, hiện nay cũng đã có quy định về việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, sao lại yêu cầu sửa luật với quy định mở rộng phạm vi cung cấp thông tin? Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp bị lộ thông tin khách hàng thanh toán thẻ, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng không chỉ về thương hiệu mà giá cổ phiếu cũng sụt giảm rất mạnh.
Do đó, theo ông Xoa, việc cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cần cân nhắc thận trọng, nhất là với mức độ nhạy cảm của lĩnh vực ngân hàng. "Mức độ ảnh hưởng sẽ còn lớn hơn, nếu ngân hàng để lộ thông tin khách hàng. Và khi quy định mới được thông qua, trường hợp bị lộ thông tin sẽ rất khó xác định lỗi do phía nào, ngân hàng hay cơ quan thuế. Do vậy, cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này nhằm tránh thiệt hại" - ông Xoa đề xuất.
Đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế? Theo ông Lưu Đức Huy, một trong những căn cứ đưa ra đề xuất cung cấp tài khoản NH là qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế như: mẫu Luật quản lý thuế của Quỹ Tiền tệ quốc tế, Luật quản lý thuế của Hungary và báo cáo của OECD về cải thiện quyền truy cập vào thông tin ngân hàng cho mục đích thuế. Đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của người nộp thuế cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp. Thậm chí, theo ông Huy, một số nước còn yêu cầu việc báo cáo tự động đối với việc đóng mở tài khoản, số dư tài khoản tại thời điểm cuối năm cũng như tiền lãi trên tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/