|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thép thế giới với núi nợ 150 tỷ USD

19:18 | 18/08/2016
Chia sẻ
Theo công ty kiểm toán Ernst & Young, để ngành thép thoát khỏi nợ nần và phát triển bền vững, những nỗ lực hỗ trợ của chính phủ các nước phải đi đôi với việc đẩy nhanh tái cơ cấu ngành.

Trong cuộc chiến tranh giành thị phần, các công ty sản xuất thép trên thế giới đua nhau vay vốn để đầu tư cải thiện dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, khi năng suất sản xuất được cải thiện thì giá cả và nhu cầu tiêu thụ của thị trường bắt đầu suy yếu, dẫn tới dư thừa nguồn cung và nợ nần chồng chất. Hiện tại, dư thừa thép toàn cầu vào khoảng 700 triệu tấn.

Theo báo cáo ngày 18/8 của công ty kiểm toán Ernst & Young (EY), 30 công ty sản xuất thép hàng đầu thế giới hiện đang phải đối mặt với núi nợ 150 tỷ USD.

Trong đó, nợ ròng 6 tháng đầu năm nay của ArcelorMittal –công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới - tăng lên 12,7 tỷ USD. Nợ của Thyssenkrupp - công ty thép lớn thứ 16 thế giới xét về sản lượng – cũng tăng từ mức hơn 4,9 tỷ USD lên gần 5,4 tỷ USD trong cùng kỳ. Hệ số nợ trên vốn của Thyssenkrupp theo đó tăng lên 175% từ mức 124% trong cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, con số này vẫn chưa là gì so với núi nợ khổng lồ 500 tỷ USD của riêng ngành thép Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã cam kết sẽ cắt giảm 45 triệu tấn thép trong năm 2016, nhưng sau 7 tháng đầu năm, nước này mới chỉ hoàn thành được 47% mục tiêu.

“Rất nhiều công ty sản xuất thép đang nợ nần chồng chất, một số thậm chí đã đến bờ vực phá sản”, ông Anjani Agrawal – trưởng ban nghiên cứu lĩnh vực thép toàn cầu tại EY nhận định. Ông cho rằng, chính sách hỗ trợ của các chính phủ chỉ đem lại hiệu quả nếu ngành thép tìm được những mô hình kinh doanh bền vững.

Mới đây, Mỹ và châu Âu đã áp dụng luật chống bán phá giá đối với thép của Trung Quốc. "Từ 5 - 10 năm nữa, ngành thép thế giới , mà chủ yếu là ở Trung Quốc, sẽ gặp khủng hoảng lớn, nếu chúng ta không có những chính sách thương mại hiệu quả", luật sư Laurent Ruessmann tại công ty luật Fieldfisher (Anh) cho biết.

Kim Dung