|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngành thép châu Á xáo trộn vì đại dịch, Hoa Sen và Hòa Phát ở hai chiều trái ngược

18:11 | 18/09/2020
Chia sẻ
Trong khi Trung Quốc củng cố vị thế thống trị thị trường thép châu Á, các đối thủ cùng khu vực lại đang chật vật ứng phó với nhu cầu thép suy giảm do ảnh hưởng của thương chiến và đại dịch COVID-19.

Cuối tháng 7, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) bất ngờ thoái vốn và giải thể một loạt công ty, chấm dứt tham vọng làm dự án thép 10 tỉ USD ở Cà Ná, Ninh Thuận. Hoa Sen cho hay: "Tình hình khách quan hiện tại không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu".

Dự án Khu liên hợp Gang thép Cà Ná - Ninh Thuận được Hoa Sen đề xuất từ năm 2016, đặt mục tiêu sản xuất 16 triệu tấn thép/năm nhưng không được Chính phủ cấp phép triển khai.

Trong khi đó tại Trung Quốc, ông Chen Derong - Chủ tịch hãng thép hàng đầu Trung Quốc Baowu Steel Group, gần đây vừa công bố kế hoạch đầu tư 5 năm trị giá 2,8 tỉ USD vào tỉnh Hồ Bắc.

Nikkei Asian Review nhận định, sự rút lui của Hoa Sen và bước tiến lớn của Baowu là ví dụ cho thấy đại dịch COVID-19 đã phân chia các nhà sản xuất thép thành kẻ thắng - người thua: Kẻ thắng tại Trung Quốc và người thua cuộc ở các nước châu Á khác.

Tình hình chung của doanh nghiệp thép châu Á, trừ Trung Quốc

Khi đại dịch COVID-19 kìm hãm nhu cầu thép trên toàn thế giới, Hoa Sen không phải là doanh nghiệp thép duy nhất rút khỏi các dự án hiện có. Một số hãng thép lớn khác tại châu Á như Nippon Steel của Nhật Bản và Posco của Hàn Quốc cũng đang đóng lò cao và xem xét lại kế hoạch đầu tư dài hạn.

Các sự kiện chính của ngành thép châu Á sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. (Nguồn: Nikkei Asian Review)



Mốc thời gian                             
Sự kiện chính

Tháng 2/2020

Nippon Steel của Nhật Bản tuyên bố đóng hai lò cao.

Tháng 3

JFE Steel của Nhật Bản cho biết sẽ đóng một lò cao vào năm 2023.

Tháng 6

- Hyundai Steel của Hàn Quốc bắt đầu đàm phán cùng công đoàn để bán nhà máy lò điện hồ quang ở thành phố Dangjin (tỉnh Nam Chungcheong). 

-  Baowu Steel Group của Trung Quốc tuyên bố khoản đầu tư 2,8 tỉ USD vào tỉnh Hồ Bắc.  

Tháng 7

- Posco của Hàn Quốc tuyên bố đóng một lò cao. 

- Hoa Sen Group rút khỏi dự án thép Cà Ná trị giá 10 tỉ USD.   

Giới phân tích cho rằng các động thái này là quá chậm trễ. Nhà phân tích Atsushi Yamaguchi của SMBC Nikko Securities (Nhật Bản) cho hay: "Đại dịch đã nêu bật lên sự chậm trễ trong các cải cách cơ cấu của nhiều doanh nghiệp ngành thép".

Nhiều hãng thép châu Á đang gấp rút đóng cửa các cơ sở sản xuất tốn kém và cắt giảm sản lượng.

Hồi tháng 7, Posco thông báo sẽ đóng cửa một lò cao tại Pohang. Theo Nikkei, lò cao này có thể sản xuất tối đa 1,3 triệu tấn thép/năm, tương đương 3% tổng công suất của Posco. Ngoài ra, Posco còn cho hay họ cũng sẽ xem xét đóng cửa hoặc cải tổ một lò cao khác vào đầu năm 2025.

Tại Nhật Bản, lần đầu tiên sau 52 năm, sản lượng thép hàng năm dự kiến sẽ thấp hơn 80 triệu tấn. Ngoại trừ Trung Quốc, các doanh nghiệp thép ở nhiều nơi đang dự kiến sẽ phải chịu những khoản lỗ ròng khổng lồ.

Hồi tháng 2, Nippon Steel thông báo sẽ đóng cửa hoàn toàn hai lò cao ở tỉnh Hiroshima và Wakayama trong vài năm tới. Sau điều chỉnh, hãng thép lớn nhất Nhật Bản đã cắt giảm 300 tỉ yen (2,8 tỉ USD) chi tiêu vốn so với mục tiêu ban đầu của giai đoạn 2018 - 2020.

Ngoài ra, đại diện của Nippon Steel còn cho hay chi tiêu cho các khoản đầu tư kinh doanh (bao gồm M&A) sẽ giảm 10% so với mục tiêu ban đầu trong cùng giai đoạn là 600 tỉ yen. Vị đại diện nói: "Chúng tôi sẽ cẩn trọng và nghiêm túc trong việc xác định mục tiêu M&A".

Hồi tháng 3, JFE Steel - hãng thép lớn thứ hai của Nhật Bản, tuyên bố sẽ đóng cửa một lò cao vào năm 2023 để giảm công suất 13%. Động thái này là một phần trong cải cách cơ cấu được công bố cùng tháng.

Thậm chí, trước đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp thép bên ngoài Trung Quốc vốn đã gặp nhiều khó khăn từ thương chiến Mỹ - Trung.

Đại dịch COVID-19 chọn lại 'ngôi sao' ngành thép châu Á, Hoa Sen và Hòa Phát ở hai chiều trái ngược - Ảnh 2.

Ngành thép châu Á đi xuống, của Trung Quốc lại đi lên

Trái với tình hình chung tại châu Á trong thương chiến, các hãng thép Trung Quốc lại chứng kiến nhu cầu thép trong nước tăng nhờ các kích thích kinh tế và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của chính phủ. Sản lượng thép của Trung Quốc vào năm 2019 đạt mức cao kỉ lục và chiếm 53% nguồn cung toàn cầu.

Khi Trung Quốc tăng mua quặng sắt để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn trong nước, các hãng thép châu Á bắt đầu chịu tỉ suất lợi nhuận thấp do giá nguyên liệu thô leo thang và giá sản phẩm giảm.

Sau đó, đại dịch ập đến và càng củng cố sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường thép toàn cầu.

Khi tỉnh Hồ Bắc bước vào giai đoạn phong tỏa, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các dự án xây dựng tạm dừng và nhu cầu thép sụt giảm. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách nới lỏng nguồn cung tiền và rót vốn vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Thị trường thép Trung Quốc phục hồi nhanh chóng. Tháng 7, sản lượng thép của thị trường tỉ dân tăng 9,1% so với cùng kì năm ngoái lên mức cao chưa từng thấy 93,36 triệu tấn. Cũng trong tháng 7, sản lượng thép toàn cầu giảm 2,5%.

Năm nay, tập đoàn Baowu của Trung Quốc dự kiến sẽ lần đầu tiên trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, vượt qua ArcelorMittel - gã khổng lồ châu Âu từ lâu đã thống trị thị trường thép toàn cầu.

Trong tháng 8, giá thép cuộn cán nóng (HRC) của châu Á, thường được sử dụng để chế tạo ô tô và thiết bị điện, đã tăng 20% so với tháng 4. Việc Trung Quốc tăng tốc độ sản xuất cũng đẩy giá quặng sắt lên 30% so với tháng 1, dẫn đến lợi nhuận của các nhà cung ứng quặng sắt của Australia tăng đáng kể.

Ông Miller Wang - cố vấn chính của Wood Mackenzie, cho biết giá thép tại Trung Quốc tăng khiến hoạt động xuất khẩu thép sang Trung Quốc "trở nên có lợi" cho các nhà cung ứng thép nước ngoài như Tata Steel của Ấn Độ.

Tuy nhiên, không nhiều công ty hưởng lợi từ việc xuất khẩu thép sang Trung Quốc. Trên thực tế, chỉ 2% thép tiêu thụ tại Trung Quốc là từ nhập khẩu. Ông Wang nói: "Thị trường thép Trung Quốc thực sự khá độc lập".

Ông Eiji Hashimoto - Chủ tịch Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản kiêm Chủ tịch Nippon Steel cho biết các hãng thép Nhật Bản không thể tiếp cận nhu cầu đang tăng cao ở Trung Quốc. Một phần nguyên nhân là khoảng 60% tổng lượng tiêu thụ thép ở đất nước tỉ dân tập trung vào ngành xây dựng, trong khi Nhật Bản thường sản xuất thép chất lượng cao cho ngành ô tô.

Cuối cùng, nhu cầu thép ngoại của Trung Quốc cũng sẽ dừng lại. Khi điều này xảy ra, thị trường thép châu Á có thể nhanh chóng xấu đi nếu thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường.

"Chúng tôi đang theo dõi cẩn thận hoạt động xuất khẩu thép từ Trung Quốc", đại diện của Nippon Steel cho hay.

Đại dịch COVID-19 chọn lại 'ngôi sao' ngành thép châu Á, Hoa Sen và Hòa Phát ở hai chiều trái ngược - Ảnh 3.

Ông Wang của Wood Mackenzie tự hỏi liệu Trung Quốc có thay đổi chính sách tài chính như từng làm trong khủng hoảng kinh tế năm 2008 hay không.

Khi đó, ngoài tung ra một gói kích thích lớn để giải cứu các công ty địa phương bị thiệt hại trong khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc còn cung cấp nhiều ưu đãi cho các dự án bất động sản, khiến giá bất động sản tăng chóng mặt.

Tuy nhiên, hiện nay Bắc Kinh đã chú ý hơn đến bong bóng nhà đất và đang cố gắng bình ổn giá bất động sản, song song với duy trì tăng trưởng kinh tế nhất định.

Khi Trung Quốc kiểm soát giá bất động sản, tác động của các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng lần này sẽ ngắn hơn so với sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Ông Wang của Wood Mackenzie nói thêm: "Sản lượng thép của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh nhanh hơn trong cuộc khủng hoảng hiện nay".

Theo Nikkei, giới chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về khả năng dư thừa sản lượng thép từ Trung Quốc. Để xoa dịu tình hình, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu nâng thị phần nội địa do 10 hãng thép hàng đầu đất nước kiểm soát lên 60% vào cuối năm nay.

Nhu cầu thép không biết khi nào phục hồi

Các doanh nghiệp ngành thép châu Á không chỉ lo sợ về tình trạng dư thừa nguồn cung thép ở Trung Quốc.

Để thoát khỏi thương chiến Mỹ - Trung, các hãng thép Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng lò cao ở Đông Nam Á. Do đó, công suất của khu vực này đã tăng lên đáng kể, đến mức Viện Gang thép Đông Nam Á đưa ra cảnh báo: Trong vài năm tới, Đông Nam Á có thể đối mặt với nguy cơ dư thừa công suất, sản lượng tăng hơn 61,5 triệu tấn/năm.

Bất chấp những lo ngại trên, vào cuối tháng 8 Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã bắt đầu vận hành thêm một lò cao tại Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất, tăng công suất thêm 50%. Theo dự kiến, lò cao thứ 4 - cũng là lò cao cuối cùng của Khu liên hợp sẽ đi vào hoạt động trong năm tới, đưa Hòa Phát thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Cùng lúc, các hãng thép có thể chèo chống qua đại dịch sẽ phải đối mặt với một cơn bão khác. "Nhu cầu thép phải mất nhiều thời gian để phục hồi", đại diện của Nippon Steel cho hay trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi như thương chiến và sự suy yếu của đồng tiền từ các thị trường mới nổi.

Các giám đốc của JFE Steel nhất trí. "Xu hướng nhu cầu thép hậu COVID-19 khá bất ổn. Ngay cả khi nhu cầu phục hồi, chúng tôi dự đoán tốc độ sẽ khá chậm".

Nippon Steel và JFE Steel tin họ phải tăng tốc quá trình cải cách như giảm chi phí hoạt động, đóng cửa lò cao và rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh không có lãi như titan cuộn tấm tròn.

Tuy nhiên, trong khi các hãng thép châu Á cố gắng thay đổi thì các đối thủ Trung Quốc lại tận dụng đại dịch để tăng ảnh hưởng trên thị trường thế giới, theo ông Yuji Matsumoto của Nomura Securities. Hơn bao giờ hết, ông Matsumoto nói: "Cung và cầu thép toàn cầu sẽ phụ thuộc vào tình hình ở Trung Quốc".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.