Ngành sản xuất chè đang gặp khó
Ngành sản xuất chè đang gặp khó. Ảnh minh họa (Nguồn: Dân trí) |
Tổng Công ty Chè Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp sản xuất chè nội địa nói chung và công ty nói riêng đang gặp khó khăn trong việc quản lý đất đai và vùng nguyên liệu.
Thực hiện Nghị định 01 từ năm 1995, doanh nghiệp đã giao khoán vườn chè cho các hộ sản xuất nên không còn diện tích canh tác tập trung, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý thu mua nguyên liệu và công tác bảo vệ thực vật.
Đối với việc thu mua nguyên liệu, vì chè đang được trồng trên đất thuộc sở hữu của người dân nên xuất hiện tình trạng các nhà máy không có vùng nguyên liệu vào tranh mua tại vườn chè được doanh nghiệp quản lý. Kết quả là, chất lượng vườn chè bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo đó, Tổng Công ty Chè Việt Nam kiến nghị chính quyền địa phương không cấp phép cho các nhà máy mà doanh nghiệp không thực sự có vùng nguyên liệu.
Đặc biệt trong vấn đề bảo vệ thực vật, doanh nghiệp khó kiểm soát được việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là chất cấm có nguồn gốc từ Trung Quốc hay là thuốc diệt cỏ,... Đây cũng là nguyên nhân khiến chè Việt Nam chưa thể thâm nhập vào những thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Liên minh châu Âu hay Mỹ.
Bên cạnh đó, có một thực trạng "bất công" đang diễn ra là, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả tiền thuê đất sản xuất nông nghiệp, các hộ dân trồng chè lại không phải chịu thuế này.
Ngoài việc phải "gánh" thuế đất, doanh nghiệp sản xuất chè cũng đang gặp khó khi chi phí vận chuyển cao và xuất hiện nhiều chi phí phụ trên đường khác mà thường không có chứng từ.
Ngoài ra, lượng hàng giả, hàng trốn thuế của các cá nhân, hộ kinh doanh,... không được hoạch toán và kiểm toán minh bạch cũng gây khó khăn cho việc bán hàng nội tiêu.
Hiện nay, dù chưa lọt vào danh sách mặt hàng "tỷ đô" nhưng chè cũng là một mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, với độ phủ hơn 100 nước trên thế giới và có nhiều chủng loại phong phú. Việt Nam hiện là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè quý I/2017 đạt 27.910 tấn, thu về 40,2 triệu USD (tăng 19,2% về khối lượng và tăng 12,3% về giá trị so với cùng kỳ). Tính riêng tháng 3, khối lượng chè xuất khẩu chè đạt 10.402 tấn, với giá trị đạt 14,5 triệu USD (tăng 26% về lượng và tăng 19% về trị giá so với tháng 2/2017). |