|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngành ngân hàng, những bài học sau 8 năm… đại án

07:37 | 10/06/2019
Chia sẻ
Kể từ khi Huỳnh Thị Huyền Như bị bắt năm 2011 đến nay, ngành ngân hàng có thêm hàng loạt vụ án nghiêm trọng với hàng trăm cán bộ phải hầu tòa và nhiều thương hiệu chìm nghỉm trên thị trường.


Vào thời điểm 2010 - 2011, thông tin về việc bắt giữ các cán bộ cao cấp của ngân hàng, kết quả điều tra xác định số tiền thiệt hại đã gây chấn động dư luận và đặt ra nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, trường hợp vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, một trưởng phòng giao dịch của VietinBank đã chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng và số tiền qua tay Huyền Như còn lớn hơn thế.

Nhiều ngân hàng như Maritime Bank (nay đổi tên thành MSB), TPBank, Navibank (nay là NCB)... và nhiều doanh nghiệp cùng dính líu tới vụ án này và cơ quan điều tra đã tách bớt các hành vi vi phạm để xử lý trong nhiều giai đoạn để đảm bảo thời hạn điều tra. Đến năm 2018, vụ án Huyền Như mới thực sự khép lại, trong suốt 8 năm đó, các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường xuyên cập nhật, đưa tin kết quả của vụ án theo từng giai đoạn.

Nếu vụ án Huyền Như có điểm nhấn là số tiền quá lớn và vấn đề bồi thường dân sự, thì vụ án xảy ra tại Ngân hàng Á Châu (ACB) lại thu hút sự quan tâm khi những lãnh đạo cao cấp nhất của Ngân hàng bị bắt giam. Không chỉ Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Nguyễn Đức Kiên (còn được gọi là bầu Kiên), mà cả Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc của Ngân hàng cũng bị khởi tố, điều tra, xét xử.

Năm 2017, cựu Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải đã chấp hành xong án phạt nhưng vẫn bị cấm đảm nhiệm các chức vụ trong ngành ngân hàng trong 5 năm. Trước lúc bị bắt và khởi tố, ông Lý Xuân Hải được xem là một trong những CEO thành công và nổi tiếng nhất trong giới ngân hàng Việt Nam. Với thâm niên làm Tổng giám đốc ACB từ năm 2005, ông Hải từng được bầu là "Lãnh đạo Ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam" 2007 và 2010.

Tiếp đó là hàng loạt vụ án đình đám của ngành ngân hàng như vụ án xảy ra tại OceanBank khiến cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm phải lĩnh án chung thân, 34 cán bộ ngân hàng nguyên là Giám đốc/Phó giám đốc các chi nhánh phải ra tòa. Vụ án này đến nay vẫn chưa hoàn toàn khép lại. Giai đoạn 2, liên quan đến các tổ chức, cá nhân nhận tiền chi lãi ngoài vẫn đang được các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra xét xử, như vụ án xảy ra tại Viện Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Khai thác và Thăm dò dầu khí (PVEP), Liên doanh Vietsovpetro...

Một vụ án khác có sự liên lụy rất lớn, đó là vụ án Phạm Công Danh. Năm 2014, 3 lãnh đạo của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) gồm Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT, Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc, Mai Hữu Khương, nguyên Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn đã bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra.

Giai đoạn 1 của vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định khoản tiền thất thoát lên tới hơn 9.000 tỷ đồng với các hành vi lập khống hồ sơ thực hiện đề án Corebanking, ký hợp đồng khống thuê mặt bằng để rút tiền của ngân hàng, rút hơn 5.000 tỷ đồng không có chữ ký của khách hàng, lập hợp đồng mua bán khống để vay tiền của VNCB...

Năm 2017, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 đại án kinh tế, trong đó có tới 5 đại án liên quan đến VNCB. Trong đó, giai đoạn 2 của vụ án có 3 ngân hàng liên quan gồm Sacombank, TPBank, BIDV, số thiệt hại được cáo trạng xác định là hơn 6.000 tỷ đồng. Ông Trầm Bê, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank, bị khởi tố, bắt tạm giam và đưa ra xét xử. Ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV cũng bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.

Những vi phạm tại VNCB còn khiến một nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị bắt giam, điều tra, xét xử. Phạm vi vụ án cũng được kéo ngược về quá khứ, xem xét sai phạm của Ban lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín - tiền thân của VNCB liên quan hành vi của bà Hứa Thị Phấn, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng.

Trên quy định về thời hạn tố tụng, có thể thấy, ít nhất trong năm 2019 - 2020, ngành ngân hàng còn tiếp tục “dính” tới nhiều đại án. Những vụ án đã kết thúc giai đoạn tố tụng tại Tòa, nhưng vấn đề thi hành án còn khúc mắc, thậm chí dẫn đến những án kiện dân sự khác như trường hợp tranh chấp thi hành án của bầu Kiên, việc Công ty B&B khởi kiện Công ty cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI), hay trường hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Đại dương (OGC) với việc Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo yêu cầu hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông...

Phiên tòa đã kết thúc nhưng còn nhiều vấn đề được dư luận quan tâm đọng lại. Chẳng hạn, tranh luận tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán tại phiên tòa bầu Kiên, phiên tòa Huyền Như, hay câu chuyện của 34 giám đốc/phó giám đốc, trưởng phòng giao dịch của OceanBank, hay vấn đề xác định thiệt hại trong vụ án Phạm Công Danh...

Trong số đó, có nhiều vấn đề dư luận hay giới luật sư cho rằng, vẫn còn những điểm chưa thỏa đáng, nhưng cũng có những vấn đề mà phán quyết của Tòa án nhận được sự ủng hộ của nhiều bên, như câu chuyện 4.500 tỷ đồng trong vụ án Phạm Công Danh.

Hồ sơ vụ án thể hiện, có 4.500 tỷ đồng là tiền nộp mua cổ phần tăng vốn điều lệ khi VNCB dự kiến tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng. Bao gồm, 4.000 tỷ đồng do 22 cá nhân nộp - lấy từ số tiền 4.700 tỷ đồng mà 12 công ty liên quan đến ông Danh vay vốn tại BIDV; 200 tỷ đồng là nguồn tiền vay tại TPBank được giải ngân vào tài khoản Công ty Trung Dung; 300 tỷ đồng xuất phát từ các cá nhân liên quan đến ông Danh nộp tiền, phần lớn là tiền vay từ chính VNCB. Sau đó, thủ tục tăng vốn điều lệ không thực hiện được, nên số tiền này đã không được sử dụng để tăng vốn điều lệ. Cơ quan điều tra xác định, trong số hơn 6.100 tỷ đồng thiệt hại của vụ án bao gồm cả số tiền 4.500 tỷ đồng nói trên.

Bên không muốn khấu trừ đưa ra lý do rằng, khoản tiền 4.500 tỷ đồng này đã được hòa chung vào nguồn vốn của VNCB, sau khi trở thành ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, thì ngân hàng không theo dõi số tiền này nữa. Đây là tiền không hợp pháp, VNCB đã bị âm vốn chủ sở hữu, nên khoản tiền 4.500 tỷ đồng cũng không còn...

Vấn đề là sau khi 4.500 tỷ đồng được nộp vào VNCB, thì số tiền đó vẫn nằm trong ngân hàng từ đó cho tới khi vụ án được đưa ra xét xử. VNCB (và sau này là CB) đã sử dụng vào nhiều mục đích như tăng dư nợ cho vay khách hàng, trả nợ vay Ngân hàng Nhà nước, trả tiền gửi khách hàng, trả tiền gửi, tiền vay các ngân hàng khác...

Nhiều ý kiến được nêu ra cho rằng, về nguyên tắc, nếu một doanh nghiệp không thực hiện tăng vốn, thì số tiền mà các nhà đầu tư nộp vào phải được trả lại cho họ. Trong trường hợp của VNCB nếu không trả lại thì phải được khấu trừ khỏi con số thiệt hại của vụ án. Dù có kháng nghị, kháng cáo, nhưng Tòa án vẫn giữ nguyên quyết định, thu hồi 4.500 tỷ đồng từ CB, khấu trừ hậu quả cho ông Danh.

Trong 8 năm qua, cùng với các đại án, câu chuyện rủi ro pháp lý trong kinh doanh nói chung và ngành ngân hàng nói riêng được quan tâm hơn bao giờ hết. Với quan điểm ngành ngân hàng là ngành đặc thù, có liên quan đến sự ổn định hệ thống nền kinh tế, nhiều thông tin, nhiều vấn đề thường được xem xét, cân nhắc ở mức độ thận trọng nhằm tránh ảnh hưởng lan rộng. Nhưng từ các vụ án, nhiều vấn đề đã bộc lộ và câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng được mang tới nhiều phiên tòa.

Bên cạnh đó, nhân sự trong ngành ngân hàng không chỉ quan tâm mức lương, thưởng, mà còn buộc phải biết rủi ro pháp lý trong công tác hàng ngày, trong từng giao dịch thực hiện để tự rào chắn bản thân khỏi những rủi ro.

Bùi Trang