Ngành nào được dự báo khả quan trong nửa cuối năm?
Báo cáo cập nhật triển vọng ngành quí III/2020 vừa được CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) phát hành cho thấy, chỉ có 2/20 ngành được đánh giá khả quan, 6/20 ngành kém khả quan, số còn lại được các chuyên gia BSC giữ quan điểm trung lập.
Chỉ hai nhóm ngành được dự báo tích cực giữa tâm bão
BSC đánh giá, ngân hàng là một trong hai ngành có triển vọng lạc quan nhất. Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận toàn ngành, nhiều ngân hàng đang làm tốt trong việc giữ vững chất lượng tài sản cũng như sự hỗ trợ từ nhà nước giúp giảm áp lực về trích lập dự phòng.
Với giả định tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ở mức 10,5%, chi phí dự phòng năm 2020 tăng 26%, cùng với việc tiếp tục điều chỉnh giảm dự phóng lãi suất cho vay, huy động của các DN hỗ trợ lãi suất cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh... các nhà phân tích BSC dự báo tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế (PBT) của ngành ngân hàng năm 2020 ở mức 8,5% và âm 0,3% (lần lượt giảm 3,3% và 16,8% so với báo cáo ngành quí I).
Cùng với ngành ngân hàng, BSC cho rằng doanh nghiệp (DN) ngành công nghệ thông tin - viễn thông sẽ ít bị ảnh hưởng bởi làn sóng COVID-19 tại Việt Nam.
Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng nhóm viễn thông; chuyển phát là ngành hàng đặc thù nên vẫn sẽ được ưu tiên hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Trong khi đó, xuất khẩu phần mềm, chuyển phát nhanh (đặc biệt là nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc) sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi các quốc gia đối tác tái phong tỏa.
BSC duy trì quan điểm khả quan với ngành CNTT - viễn thông nhờ kì vọng mảng xuất khẩu phần mềm hồi phục dần trở lại trong các tháng cuối năm (FPT) và mảng viễn thông (băng thông rộng cố định) tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2020 (FPT, CMG).
Riêng lĩnh vực bưu chính, BSC kì vọng xu hướng mua sắm trực tuyến sẽ mạnh mẽ hơn khi dịch COVID-19 kết thúc.
Ngành dầu khí, dệt may, đường, hàng không, vận tải biển và xây dựng gặp bất lợi
Dầu khí
BSC hạ triển vọng từ trung lập xuống kém khả quan với ngành dầu khí do những thách thức đến từ của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu.
Các cổ phiếu nhóm hạ nguồn như GAS, BSR, PLX, OIL sẽ chịu áp lực lớn nhất bởi doanh thu, lợi nhuận chính phụ thuộc vào biến động giá dầu.
Với nhóm thượng nguồn (PVD,PVS, PXS), BSC cho rằng nhóm này sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp do giá dịch vụ suy giảm cũng như nhu cầu sụt giảm khiến cho các hoạt động khai thác thăm dò cũng bị hạn chế.
Vận tải biển
Tương tự ngành dầu khí, ngành vận tải biển được dự báo gặp nhiều bất lợi do dịch bệnh khiến nhu cầu vận tải sụt giảm trong bối cảnh cạnh tranh trong ngành cao và tỉ lệ vay nợ cao (nợ vay/vốn chủ trung bình >1). Tác động tích cực từ việc giá dầu đi xuống bị thu hẹp do sản lượng hàng, giá cước và số lượt tàu giảm.
Hàng không
Với ngành hàng không, các nhà phân tích BSC cho rằng sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi do diễn biến dịch COVID-19 khó lường hơn và dịch bệnh tái phát vào mùa cao điểm trong năm, tác động xấu tới tâm lí tiêu dùng của người dân.
Dệt may
Nhóm ngành dệt may mặc dù được kì vọng kết quả kinh doanh sẽ phục hồi trong 6 tháng đầu năm, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc doanh nghiệp dệt may mất cân đối dòng tiền là một rủi ro rất lớn. Mặt khác, mức độ phục hồi dự kiến không quá mạnh khiến BSC tiếp tục duy trì quan điểm kém khả quan.
Xây dựng
Ngành xây dựng được dự báo tiêu cực do tình hình nguồn cung bất động sản vẫn hạn chế và tình hình cạnh tranh cao khiến cho biên lợi nhuận vẫn tương đối mỏng.
Tính tới quí I/2020, số doanh nghiệp xây dựng dân dụng chiếm khoảng 47% tổng số doanh nghiệp trong ngành. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đầu ngành có kết quả kinh doanh suy giảm như CTD, HBC đang dấn thân vào ngành xây dựng hạ tầng để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới tuy nhiên cần nhiều thời gian và vốn để chứng minh năng lực thi công.
Mặt khác, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng (chiếm 53% còn lại) có thể hưởng lợi từ việc tăng tốc giải ngân đầu tư công.
Đường
Với sự báo sản lượng sản xuất và tiêu thụ đường tiếp tục suy giảm, BSC duy trì quan điểm kém khả quan đối với ngành đường.
Nhóm cổ phiếu ngành này sẽ có sự phân hóa của các công ty có thị phần lớn như QNS và SBT vẫn tiếp tục cạnh tranh được với thế giới và khó khăn với nhóm công ty thị phần nhỏ như SLS, LSS, KTS,…
Nhóm ngành nào được BSC đánh giá trung lập?
Bảo hiểm phi nhân thọ
BSC giữ đánh giá trung lập với ngành bảo hiểm phi nhân thọ với quan điểm lãi suất tiền gửi có tiếp tục xu hướng giảm làm giảm lợi nhuận tài chính và tăng trưởng phí gốc của bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo giảm 9% - 10% do dịch bệnh, tuy nhiên tình trạng cạnh tranh cao cũng như tỉ lệ kết hợp ở mức cao khiến lợi nhuận cốt lõi đóng góp không nhiều
Ngoài ra, triển vọng thoái vốn cùng định giá ở mức rẻ là điểm tích cực cho các DN trong năm 2020.
Bất động sản thương mại (BĐS thương mại) và bất động sản khu công nghiệp (BĐS khu công nghiệp)
Với ngành BĐS thương mại - nhóm ngành đang chịu ảnh hưởng gián tiếp từ dịch bệnh, các nhà phân tích BSC cho rằng việc đẩy mạnh đầu tư công, khơi thông pháp lí sẽ giúp triển vọng của các doanh nghiệp trong năm 2021 lạc quan hơn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý kịch bản “làn sóng thứ hai” từ dịch COVID-19 sẽ khiến cho các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn hơn về dòng tiền nếu việc tổ chức mở bán bị hoãn lại hoặc nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh.
Tương tự, nhóm BĐS Khu công nghiệp cũng được đánh giá trung lập do việc kí kết hợp đồng mới bị trì hoãn vì đại dịch, tuy nhiên trong dài hạn các khu công nghiệp sẽ tiếp tục khả quan.
Các doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp có quĩ đất lớn (KBC, BCM, IDC, GVR, PHR,…) sẵn sàng đón đầu cơ hội từ việc chuyển dịch công xưởng ra khỏi Trung Quốc, hiệp định EVFTA....
Cao su, xăm lốp
Ngành cao su được đánh giá trung lập do giá cao su đang có xu hướng giảm khiến kinh doanh mủ cao su khó khăn. Tuy nhiên các DN trong ngành có khoản thu nhập khác từ hoạt động chuyển nhượng đất, thanh lý cây cao su, do đó không bị ảnh hưởng nhiều và vẫn đảm bảo kết quả kinh doanh. Song song đó, lịch sử trả cổ tức các DN luôn ở mức cao 40% - 50%.
Đối với ngành săm lốp, đầu ra phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu sản xuất ô tô đang bị chững lại bởi đại dịch COVID-19 tuy nhiên chi phí nguyên vật liệu giảm và giá bán trung bình không sụt giảm mạnh giúp doanh nghiệp cải thiện biên biên lợi nhuận.
Cảng biển
BSC duy trì đánh giá trung lập với ngành cảng biển năm 2020 do dịch bùng phát trở lại tại các thành phố có các cảng lớn Đà Nẵng, Hồ Chí Minh. Do đó, các vấn đề về hạ tầng và nạo vét cảng biển tiếp tục là các trở ngại cho tăng trưởng.
Nếu dịch tiếp tục kéo dài, mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế sẽ càng lớn, làm chậm quá trình phục hồi sản xuất và kéo theo triển vọng không sáng sủa của toàn ngành.
Dược phẩm
Báo cáo của BSC chỉ ra, mặc dù tăng trưởng đột biến trong quí I/2020, các doanh nghiệp dược ít khả năng được hưởng lợi lâu dài nhờ dịch COVID-19.
Đồng thời, mức định giá P/E của các doanh nghiệp trong ngành cũng ở mức cao so với mức định giá P/E của toàn thị trường chứng khoán Việt Nam (16,7 so với 15,5) cộng với thanh khoản thấp cũng khiến các cổ phiếu dược kém hấp dẫn hơn so với các cổ phiếu ngành khác.
Với các lí do trên, các nhà phân tích BSC đánh giá trung lập với triển vọng ngành dược phẩm trong năm 2020.
Xi măng
BSC dự báo nhu cầu xi măng có thể giảm do ảnh hưởng của hoạt động xây dựng chậm lại do dịch bệnh, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, công ty chứng khoán cũng kì vọng tiêu thụ xi măng sẽ được hỗ trợ bởi đầu tư công trong thời gian tới và việc giảm giá thành sản xuất do giá than đang trong xu hướng giảm.
Thép
BSC duy trì khuyến nghị trung lập đối với các doanh nghiệp ngành thép dựa trên việc ước tính nhu cầu tiêu thụ thép nội địa năm 2020 có thể giảm từ 14% - 16% so với cùng kì năm trước do ảnh hưởng bởi hoạt động xây dựng chậm lại.
Mặt khác, hoạt động xuất khẩu các sản phẩm như tôn mạ duy trì xu hướng giảm và còn ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi của tình hình dịch bệnh thế giới.
Điểm thuận lợi là giá các yếu tố đầu vào như quặng sắt, than cốc trong xu hướng giảm do nhu cầu thế giới suy yếu.
Nhựa
Nhóm phân tích BSC nhận định giá hạt nhựa trong xu hướng giảm theo giá dầu, giúp tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiêu thụ các sản phẩm nhựa xây dựng có thể giảm do ảnh hưởng của nhu cầu xây dựng giảm. Đối với sản phẩm nhựa bao bì thì nhu cầu ổn định hơn do ngành hàng tương đối thiết yếu.
Ô tô
Hai quí đầu năm 2020, doanh số kinh doanh xe ghi nhận sụt giảm, tuy nhiên nhờ vào các chính sách kích cầu của chính phủ, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được hồi phục một phần.
Trong dài hạn, BSC cho rằng, các doanh nghiệp ngành ô tô sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nhờ dư địa ngành ô tô Việt Nam còn lớn.
Tiêu dùng
Với kì vọng một kịch bản bình thường mới sẽ giúp ngành tiêu dùng bán lẻ hồi phục, BSC duy trị khuyến nghị trung lập với ngành này.
Cụ thể, đối với mảng thực phẩm và đồ uống, các nhà phân tích BSC cho rằng sẽ có sự phân hóa tuy theo mức độ thiết yếu của sản phẩm như sữa, thịt, mì ăn liền, nước uống… từ đó một số doanh nghiệp vẫn có tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm như VNM, MSN…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có tăng trưởng đột biến như MCH và DBC nhờ nhu cầu hàng thiết yếu tăng và giá thịt heo tăng, có thể khó duy trì tăng trưởng tốt trong hai quí cuối năm khi tình hình mở cửa kinh tế đã trở lại bình thường.
Thủy sản
BSC kì vọng xuất khẩu thủy sản phục sẽ hồi dần trở lại trong các tháng cuối năm khi các thị trường tiêu thụ dỡ bỏ lệnh phong tỏa, mặc dù giá bán vẫn ở mức thấp (khiến kết quả kinh doanh 2020 tăng trưởng âm).
Tuy nhiên, báo cáo phân tích cũng lưu ý rằng rủi ro làn sóng COVID-19 trở lại lần hai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp.