Cao su Việt Nam: Chờ cú “bứt phá” năm 2017
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2016, cao su Việt Nam XK trên 1,26 triệu tấn cao su, tổng kim ngạch XK ước đạt trên 1,67 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với năm 2015. Việt Nam cũng XK 1,5 tỷ USD từ cao su như lốp xe, linh kiện cao su, băng tải và 1,2 tỷ USD các sản phẩm từ gỗ cao su.
“Hồi sinh” cuối năm
Ông Võ Hoàng An - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cho biết: “Việt Nam xếp thứ ba toàn cầu về sản lượng và thứ tư về XK. Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm 66,1% thị phần. Năm 2016, sản lượng cao su XK sang Trung Quốc ước đạt trên dưới 900 triệu USD, Ấn Độ ước đạt trên 100 triệu USD, giá trị XK tăng lần lượt khoảng 21% và 10% so với năm 2015”.
Năm 2016, cao su vẫn nằm trong top 10 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhưng, những dư âm của cuộc “khủng hoảng thừa” của ngành cao su toàn cầu vẫn đang tác động tới ngành cao su Việt Nam. Theo đó, giá cao su XK bình quân 11 tháng đầu 2016 đạt 1.290 USD/tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, bất ngờ xảy đến ở quý IV/2016, đặc biệt trong tháng 12, khi giá cao su đã bật lên mức 40 triệu đồng/tấn (so với 26 - 27 triệu đồng/tấn của 3 quý trước), khiến nhiều người trồng cao su và DN chế biến, XK cao su vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2017.
Ngành cao su Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội trong năm 2017 |
Theo báo cáo của VRA, giá mủ cao su tăng một phần do biến đổi khí hậu khiến sản lượng cao su tại các quốc gia hàng đầu thế giới suy giảm. Điển hình như “ông lớn” Thái Lan giảm 50% sản lượng do hạn hán kéo dài. Hơn nữa, giá dầu tăng nhẹ cũng là động lực kéo giá cao su tăng theo.
Bà Trần Thị Thúy Hoa - Trưởng ban cố vấn của VRA, cho hay: “Giá cao su bật tăng bởi nhiều nước giảm sản lượng cao su bằng cách giảm khai thác, chặt phá cây cao su trồng lại hoặc trồng cây khác. Sản lượng thấp đã đẩy giá cao su trong hai tháng cuối cùng tăng lên, mang lại hy vọng cho các DN XK và người nông dân”.
Xét về giá, dù đạt đỉnh cao nhất kể từ cuối năm 2013, nhưng thực tế chỉ ngang bằng với mức giá năm 2014. Trước khủng hoảng, giá mủ cao su luôn đạt từ 70 - 80 triệu đồng/tấn, đơn cử như năm 2011 vọt lên 110 triệu đồng/tấn. Nhưng mức tăng mạnh trong tháng 12/2016 vẫn khiến người nông dân và DN đặt nhiều hy vọng trong năm 2017.
Sở dĩ các DN chế biến, XK và người trồng cao su đặt nhiều kỳ vọng trong thời gian tới là vì những dự báo lạc quan cho rằng giá cao su sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 10 năm tới. Trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự báo ngành cao su toàn cầu sẽ bước qua “đêm đen” và phục hồi mạnh mẽ từ nay tới năm 2025.
Kỳ vọng bứt phá năm 2017
Theo dự báo của WB, nguồn cung cao su toàn cầu sẽ giảm khi các quốc gia hàng đầu áp dụng các chính sách kìm hãm sản lượng. Đơn cử như Thái Lan, trong tháng 10/2016, chính phủ quân sự nước này xác định 880.000 ha trồng cao su không phép, lên kế hoạch chặt 240.000 ha cao su. Theo Bộ Nông nghiệp Thái Lan, động thái này sẽ làm giảm sản lượng cao su tự nhiên của Thái Lan khoảng 200.000 tấn.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF cũng dự báo tiềm năng tăng trưởng cao của ngành sản xuất xăm lốp ôtô thế giới trong các năm tới. Trong đó, ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, trong khi dự trữ cao su tại cảng Chengdu của Trung Quốc đã giảm đáng kể (cảng này chiếm khoảng 70% lượng cao su NK của Trung Quốc). Việc này sẽ đẩy nhu cầu NK cao su của Trung Quốc gia tăng. Bên cạnh đó, bản thân ngành cao su Việt Nam cũng đang có những thay đổi quan trọng. Năm 2016 đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành cao su Việt Nam khi lần đầu tiên nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (Viet Nam Rubber) được công bố chính thức (VRA là chủ sở hữu). Kể từ năm 2017, nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” được sử dụng trên tất cả các sản phẩm cao su Việt Nam mà DN cam kết đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng và các lĩnh vực khác liên quan đang áp dụng trong ngành cao su Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc VRG, cho rằng: “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, ngành cao su trong nước còn nhiều khó khăn do chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa có thương hiệu chung cho ngành, việc đưa vào sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” sẽ là “đòn bẩy” nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của DN Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Rõ ràng, cao su Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong năm 2017. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giá trị XK cao su Việt Nam vẫn ở mức thấp, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan, Malaysia... Thực tế này đòi hỏi các DN Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào công nghiệp chế biến, mở rộng mối quan hệ khách hàng mới, tăng cường triển lãm quốc tế để gây dựng hình ảnh.