Ngành gỗ Việt Nam: Chỉ 7% doanh nghiệp lớn tiếp cận đơn hàng lớn của Mỹ, Nhật Bản
Ngành gỗ Việt Nam: Chỉ 7% doanh nghiệp lớn tiếp cận đơn hàng lớn của Mỹ, Nhật Bản. Ảnh: TTXVN |
Để ngành gỗ phát triển bền vững trong thời gian tới thì bài toán nguyên liệu cần được giải quyết đồng bộ với nhiều giải pháp khác.Mỗi năm, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam sử dụng 30 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước và từ các vườn cao su thanh lý chỉ cung cấp được 20 triệu m3, 10 triệu m3 còn lại phải nhập khẩu từ các nước khác.
Chưa xứng tiềm lực
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA), hiện nay Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ ra thị trường thế giới, nhưng chỉ có 7% doanh nghiệp lớn, dễ tiếp cận đơn hàng lớn của các khách hàng Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, 93% doanh nghiệp còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ với sức cạnh tranh yếu, vốn đầu tư nhỏ, lại dàn trải, gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đơn hàng lớn.
Không những vậy, tại Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuy ít nhưng giữ hơn 50% thị phần đồ gỗ nội địa lẫn ở nước ngoài. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chủ yếu gia công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Trung Quốc. Đồng thời, chỉ xuất khẩu nguyên liệu hoặc các chi tiết chưa thành phẩm sang thị trường Trung Quốc.
"Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ chế biến của Việt Nam trong năm 2016 là 7 tỷ USD, mà nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ của thị trường gỗ thế giới đạt 400 tỷ USD.
Như vậy, tiềm lực thị trường thế giới còn lớn mà Việt Nam lại chưa đáp ứng được", bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ.
Giải thích cho sự phát triển chưa đúng tiềm lực của ngành gỗ này, ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 cho biết, các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước chỉ khai thác 20 triệu m3 gỗ từ rừng trồng và rừng cao su thanh lý, 10 triệu m3 gỗ còn lại phải nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia, châu Âu, thậm chí từ Nhật Bản. Mà nguyên liệu lại chiếm hơn 50% giá thành sản xuất nên ngành gỗ chưa phát triển đúng khả năng hiện có của mình.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 8 triệu m3 gỗ các loại như gỗ dăm, gỗ xẻ sang thị trường Trung Quốc.
Đây là lượng nguyên liệu các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước dùng để phục vụ cho chế biến và xuất khẩu gỗ hiện đang thiếu.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến ngành gỗ chưa bền vững chính là các doanh nghiệp thiếu liên kết chặt chẽ với nhau, doanh nghiệp cung cấp gỗ chưa liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ, các doanh nghiệp đầu tư rừng trồng chưa tìm được hợp đồng bình đẳng lợi ích với doanh nghiệp chế biến gỗ.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý sản xuất lâm nghiệp, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, kể từ tháng 1 năm 2017, Chính phủ quyết định đóng cửa rừng tự nhiên nên nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp phục vụ cho chế biến sẽ giảm 40.000 m3. Đây cũng là điều khiến cho ngành gỗ rơi vào khó khăn trong thời gian tới.
Hạn chế xuất thô, tăng diện tích rừng trồng
Để giải quyết nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đưa ra đề xuất cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang các nước khác, vì số lượng xuất khẩu tương đương với số lượng gỗ mà các doanh nghiệp nhập khẩu mỗi năm.
Do đó, nguồn gỗ xuất khẩu được giữ lại sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kí kết các đơn hàng với thị trường tiêu thụ mạnh như châu Âu, Mỹ.
Ông Huỳnh Kim Báu, trợ lý Giám đốc Công ty Sài Gòn Furniture chia sẻ đề xuất, Chính phủ cũng áp thuế xuất khẩu gỗ nguyên liệu ra thị trường khác lên 30% - 35% như các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan để tránh thất thoát nguồn gỗ từ rừng trồng và vườn cao su thanh lý trong nước.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần giống cây trồng rừng chất lượng cao, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng chất lượng gỗ mới có thể đáp ứng nhu cầu và tiềm năng của ngành gỗ hiện nay.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) đề xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam muốn cạnh tranh được thế giới rộng lớn thì phải liên kết lại với nhau, dựa trên 3 tiêu chí: giữa các đối tác liên kết phải có nhu cầu liên kết thực tế, khi liên kết phải tin cậy vào đối tác của mình, quyền lợi trong mối liên kết phải dựa trên bình đẳng, phân chia từng khâu nhỏ cho từng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp, như vậy từng doanh nghiệp sẽ có mức độ đầu tư ít hơn.
Với doanh nghiệp nếu có năng lực vốn thì tự đầu tư để đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng để vượt qua thách thức này, mới tiếp cận được các đơn hàng lớn.
"Trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển dần diện tích 200.000 ha trồng cây gỗ nhỏ sang trồng cây gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng bền vững cho những diện tích này.
Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 500.000 ha rừng trồng cây gỗ lớn và được cấp chứng chỉ rừng bền vững, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn gỗ chất lượng, có chứng chỉ để thâm nhập vào thị trường khó tính dễ dàng.
Bộ Nông nghiệp cũng được Chính phủ chỉ đạo xây dựng tiêu chí rà soát lại quy hoạch rừng; trong đó dự kiến sẽ chuyển đổi 1 triệu đến 1,2 triệu ha rừng phòng hộ, ít xung yếu sang rừng sản xuất để trồng rừng kinh tế, đây là nguồn tài nguyên tăng thêm, cho việc cung cấp nguyên liệu gỗ cho giai đoạn từ 2025 trở về sau", ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Không những vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu thêm các giống gỗ mới rút ngắn thời gian sinh trường mà chất lượng gỗ cao, đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến gỗ, ông Nghĩa nhấn mạnh thêm. "Song song với rừng trồng trong nước, thời gian tới Chính phủ Việt Nam sẽ đàm phán với Chính phủ hai nước Lào và Campuchia để các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi trong việc khai thác rừng trồng được các doanh nghiệp đầu tư tại hai nước này tăng nguồn cung nguyên liệu cho doanh nghiệp trong nước, tránh hiện tượng thiếu gỗ, giá nguyên liệu tăng cao, đảm bảo nhịp tăng trưởng bền vững cho ngành gỗ Việt Nam", bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết./.