|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành gỗ tự tin với mục tiêu xuất khẩu 11 tỉ USD trong năm 2019

10:47 | 19/09/2019
Chia sẻ
Trong khi giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm đáng kể trong 8 tháng đầu năm 2019, gỗ và lâm sản lại có sự bứt phá ấn tượng, trở thành điểm sáng trong “bức tranh” xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Sáng ngày 18/9, tại TP HCM, Triển lãm quốc tế lần thứ 13 về công nghiệp chế biến gỗ (VietnamWood 2019) và Triển lãm quốc tế công cụ, phụ kiện ngành gỗ (Furnitec 2019) đã chính thức khai mạc.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội chế biến mỹ nghệ TP HCM (HAWA), cho biết trong 8 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản Việt Nam đạt 7,08 tỉ USD, tăng 18,6% so với cùng kì năm 2018, chiếm khoảng 26,6% tỉ trọng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 6,66 tỉ USD. 

Về thị trường, xuất khẩu lâm sản Việt Nam đang có mặt tại 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu, đạt 5,3 tỉ USD, chiếm 87,7% giá trị xuất khẩu lâm sản.

"Với đà tăng trưởng của những tháng cuối năm, ngành gỗ chắc chắn có thể đạt được mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm lên 11 tỉ USD, tăng 1,7 tỉ so với năm 2018", chủ tịch HAWA nhấn mạnh. 

b5a08723bca05bfe02b1

Triển lãm VietnamWood 2019 và Triển lãm Furnitec 2019 chính thức khai mạc vào sáng 18/9 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Cũng theo ông Khanh, ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ các cơ quan quản lí nhà nước và bản thân doanh nghiệp gỗ cũng cố gắng vận dụng nhiều nguồn lực để phát triển. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang vừa phải giải quyết những vấn đề nội tại để đảm bảo chất lượng, đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, chất xám... để có thể giữ và đón khách hàng mới. 

Mặt khác, các doanh nghiệp luôn phải linh hoạt, tăng thêm lợi thế cạnh tranh để trụ vững và đón đầu những thay đổi trong tương lai. 

Theo đó, để xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới, đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỉ USD vào năm 2025 trong bối cảnh thị trường đòi hỏi ngày càng cao cả về chất lượng lẫn giá trị thì doanh nghiệp phải có chiến lược cụ thể và hiệu quả.

Một trong những chìa khóa để giải quyết các thách thức hiện nay chính là ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến mang lại cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tiến độ, giảm lệ thuộc vào lao động và đáp ứng nhanh nhu cầu của nhiều khách hàng. 

Sequence 01

Các loại máy chế biến gỗ ứng dụng công nghệ hiện đại được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Như Huỳnh.

91fcf4e0c8622f3c7673

Doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ, trao đổi nhu cầu hợp tác với khách hàng tiềm năng. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng quan điểm, bà Judy Wang, đại diện Ban tổ chức triển cho rằng sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp tại triển lãm sẽ tạo ra một nền tảng kinh doanh tối ưu nhất cho các nhà sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ trong nỗ lực tìm kiếm sản phẩm và công nghệ chất lượng cao. 

Từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng và kinh nghiệm quản lí, xây dựng thương hiệu và tăng các dịch vụ hỗ trợ.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại, phát triển các thương hiệu, góp phần cho sự phát triển toàn diện về chất lượng của ngành công nghiệp chế biến gỗ. 

Còn theo ông Bernd Kahnert, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Homag, vấn đề lớn của doanh nghiệp Việt Nam không đơn giản chỉ là công nghệ mà là nhân lực nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sản xuất cũng là một bài toán không đơn giản.

"Thực tế rất khó tìm được nhân lực có trình độ hiểu và có thể vận hành các thiết bị cho nhà máy. Đó là chưa kể, sự biến động đôi khi rất cao của nhân lực, gây rủi ro cho cả các công ty cũng như cho những đơn vị cung cấp máy móc", ông Bernd Kahnert chia sẻ.

Sequence 01

Triển lãm thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp trong và ngoài nước ngay từ ngày đầu khai mạc. Ảnh: Như Huỳnh.

Do đó, ông Cao Duy Tâm, Giám đốc Công ty nhập khẩu, phân phối máy móc Vetta, cho rằng để đạt đến doanh số 20 tỉ USD năm 2025, việc đào tạo lao động cho ngành chế biến gỗ Việt Nam là cấp thiết. 

Hiện các trường đại học tại Việt Nam cũng đã xây dựng khoa Chế biến gỗ do HAWA hợp tác với Đại học Sư phạm kĩ thuật nhưng công tác này cần phát triển hơn nữa mới có thể tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành.

Ở phía còn lại, là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tái đầu tư nhân lực hiện có. 

"Trong tương lai, những người thợ lành nghề, có thể sử dụng các hệ thống sản xuất tiên tiến sẽ ngày càng quan trọng. Doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian, tiền bạc và công sức để nâng cao trình độ cho người lao động, đạt đến mức có thể vận hành, duy trì và đổi mới các qui trình sản xuất rất phức tạp. 

Nếu chỉ đầu tư công nghệ mà quên chuẩn bị nhân lực, công tác này cũng sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn", đại diện Homag nhấn mạnh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh