|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành gỗ trước thách thức cạnh tranh thương mại

10:01 | 26/09/2020
Chia sẻ
Bên cạnh tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành gỗ và xuất khẩu gỗ cũng đã chịu ảnh hưởng của các vụ việc cạnh tranh thương mại trong những tháng đầu năm nay.

Tại nghị giao ban ngành gỗ để bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2020 được tổ chức ngày 25/9, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, trong 9 tháng năm 2020, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có nhiều biến động, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, chế biến và giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản, báo Chính phủ đưa tin.

Trong đó, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã tác động nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản nhất là tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của các vụ việc cạnh tranh thương mại. Cụ thể, Bộ Thương mại (DOC) Mỹ đã quyết định khởi xướng điều tra, gửi bản câu hỏi khảo sát về số lượng và giá trị xuất khẩu ván dán sang Mỹ cho 55 doanh nghiệp Việt Nam và yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thành và gửi câu trả lời về DOC trước ngày 24/9/2020. 

“Sau ngày 24/9, DOC sẽ lựa chọn doanh nghiệp điều tra bắt buộc và tiến hành điều tra sơ bộ”, ông Nghĩa cho biết.

Một vụ việc khác liên quan cạnh đến tranh thương mại đó là Hàn Quốc áp thuế chống bán phá giá tạm thời với ván dán của Việt Nam. 

Ông Nghĩa cho biết thêm, việc Hàn Quốc điều tra, áp thuế tạm thời đối với xuất khẩu ván dán Việt Nam khiến xuất khẩu ván dán vào thị trường này có nhiều biến động. 

Cụ thể, 5 tháng đầu năm (Hàn Quốc chưa áp thuế chống bán phá giá tạm thời) giá trị xuất khẩu 118 triệu USD, tăng 28% so với cùng năm 2019, sau khi áp thuế chống bán phá giá tạm thời, giá trị xuất khẩu 3 tháng (tháng 6, 7 và 8) đạt 31,4 triệu USD, giảm 41,4% so với cùng năm 2019.

Ngành gỗ trước thách thức cạnh tranh thương mại - Ảnh 1.

Lũy kế 9 tháng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kì 2019. (Ảnh: Như Huỳnh).

Ông Nghĩa khẳng định, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam có đánh giá cụ thể tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đạt mục tiêu xuất khẩu những tháng cuối năm 2020.

Đối với các vụ việc cạnh tranh thương mại, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương để hướng dẫn và kịp thời can thiệp theo thẩm quyền với phía bạn.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội gỗ và lâm sản cùng chung tay với các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị, có giải pháp ứng phó hiệu quả trong việc theo đuổi xử kiện thương mại của DOC, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời phát hiện và phản ánh kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, thương mại tới những cơ quan chức năng để xử lí nghiêm, không làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành chế biến gỗ và lâm sản.

Về tình hình xuất khẩu, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 15 ngày đầu tháng 9/2020 đạt 565,6 triệu USD, ước tháng 9 đạt 1,131 tỉ USD, tăng 23,9% so với cùng kì 2019.

Lũy kế 9 tháng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kì 2019, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỉ USD, tăng11,2 so với cùng kì năm ngoái.

5 thị trường xuất khẩu chính trong 8 tháng năm 2020 đạt 7,01 tỉ USD, chiếm 89,4% giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam.

Cụ thể Mỹ đạt 4,19 tỉ USD, tăng 27,4% so với cùng kì năm 2019; Nhật Bản đạt 855,8 triệu USD, giảm 7,6%; Trung Quốc đạt 828,3 triệu USD, tăng 10,3%; EU đạt 588,8 triệu USD, giảm 7,4 %; Hàn Quốc 542,8 triệu USD, giảm 2% so với cùng kì năm ngoái.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá, với nhiều sóng gió như vậy nhưng xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm 2020 đạt xấp xỉ 9 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kì năm trước.

Nhìn lại mục tiêu 7,5 tỉ USD xuất khẩu gỗ và lâm sản đến năm 2020, hiện, ngành đã vượt xa. Đây là cơ hội để ngành đánh giá, xây dựng chiến lược cũng như thực hiện mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đưa ra đến 2025 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt con số 20 tỉ USD. 

“Nếu chúng ta không cố gắng để đạt được kim ngạch xuất khẩu đạt từ 12,5 - 13 tỉ USD, thì toàn ngành nông nghiệp cả nước khó đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra”, ông Tuấn nói.

Như Huỳnh