|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành gỗ hết thời 'ăn xổi'

08:09 | 14/05/2017
Chia sẻ
Sự yếu kém trong khâu thiết kế đang làm giảm đáng kể sức cạnh tranh cũng như lợi nhuận của các DN trong ngành gỗ. Theo đó, thay vì cạnh tranh bằng giá rẻ và làm theo đơn đặt hàng, các DN cần đầu tư nhân lực, phát triển mẫu mã để có thể giữ chân được khách hàng, duy trì sự phát triển ổn định và bền vững.
nganh go het thoi an xoi
Thiết kế vẫn là khâu yếu nhất của ngành gỗ Việt Nam. Ảnh: N.Hiền

Tăng trưởng chậm dần

Ngành gỗ Việt Nam hiện có khoảng 4.300 DN, với hàng trăm nghìn lao động hiện đang tham gia các hoạt động khác nhau tại các DN chuyên về thương mại, chế biến. Bên cạnh đó còn có hàng trăm nghìn hộ gia đình hiện đang tham gia các hoạt động chế biến, thương mại tại các làng nghề truyền thống, các cơ sở chế biến, thương mại quy mô hộ gia đình nằm rải rác tại các địa phương. Khoảng trên 95% các DN gỗ có quy mô nhỏ, sở hữu tư nhân, với số lượng dưới 50 lao động/DN.

Vào thời hoàng kim, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đã từng tăng trưởng trên dưới 30% mỗi năm. Nhưng những năm gần đây, mức tăng trưởng ngày càng chậm lại và đến năm 2016 thì tăng trưởng chỉ vỏn vẹn 1,1%. Sự chững lại này được cho là do những yếu kém nội tại của chính ngành gỗ trong nước.

Theo ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trend, giá của sản phẩm gỗ hiện phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như thiết kế kiểu dáng mẫu mã, sự kết hợp các chất liệu trong sản phẩm và mối quan tâm của người mua hàng về các vấn đề có liên quan đến môi trường, xã hội. Điều này đã chứng tỏ sự sai lầm của quan niệm cho rằng chi phí sản xuất thấp là lợi thế cạnh tranh của ngành gỗ Việt Nam.

Điển hình như ngành chế biến gỗ Đài Loan, với giá nhân công đắt đỏ và nguyên liệu đầu vào khan hiếm, nhưng hiện là một trong những quốc gia đứng đầu châu Á về lợi thế cạnh tranh. Qua đó cho thấy, ai kiểm soát các yếu tố mẫu mã, thị trường sẽ là người đạt được lợi nhuận cao hơn.

Trong khi đó, thời gian qua các DN chế biến gỗ của Việt Nam thiếu các ưu tiên về phát triển nguồn nhân lực cho khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Kết quả là lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm chủ yếu tập trung cho nhóm kiểm soát thiết kế mẫu mã và thị trường chứ không phải là các nhà chế biến trong nước. Điều này thể hiện qua việc phần lớn sản phẩm gỗ của Việt Nam là sản phẩm gia công cho các tập đoàn nước ngoài.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), hiện các sản phẩm gỗ đa dạng của Việt Nam có mặt tại trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm đạt khoảng 6-7 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản.

Các sản phẩm xuất khẩu chính bao gồm bàn, ghế, đồ gỗ nội thất với kim ngạch xuất khẩu chiếm 70% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tuy nhiên, cầu từ thị trường xuất khẩu, bao gồm cả về chủng loại sản phẩm, thiết kế mẫu mã, kiểu dáng… lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào người mua nước ngoài. Nói cách khác, mặc dù cầu đa dạng và ngành gỗ Việt Nam được coi là hội nhập sâu với thị trường quốc tế, ngành chế biến gỗ Việt Nam chưa tạo được thương hiệu riêng cho mình và hầu như chưa có ảnh hưởng đến cầu thế giới. Điều này đã làm hạn chế rất lớn sự cạnh tranh của ngành trên thị trường quốc tế.

Về thị trường tiêu thụ nội địa, với dân số trên 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu lớn và không ngừng mở rộng, nhu cầu của thị trường nội địa đối với các sản phẩm gỗ là rất lớn và đa dạng, bao gồm các sản phẩm gỗ trong xây dựng, đồ gỗ nội, ngoại thất, gỗ sử dụng làm tàu thuyền…

Tuy nhiên, hiện các thông tin về thị trường nội địa như quy mô, nhu cầu và chủng loại sản phẩm rất hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng hiện các sản phẩm nội thất nhập khẩu đã bao chiếm toàn bộ thị trường nội địa và các DN Việt đang “bỏ ngỏ” thị trường nội địa. Bài học từ Thái Lan cho thấy thị trường nội địa là thị trường màu mỡ cho DN, và có độ ổn định rất lớn, khác hẳn so với thị trường xuất khẩu. Chen chân vào thị trường nội địa sẽ là khó khăn rất lớn cho nhiều DN Việt hiện nay. Do đó, cần có chính sách khuyến khích các DN Việt Nam phát triển thị trường nội địa, khuyến khích người Việt sử dụng sản phẩm Việt nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa trong tương lai.

Khát lao động tay nghề cao

Để phát triển được khâu thiết kế, trình độ nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch VIFORES, khoảng 70-80% lao động của ngành chế biến gỗ hiện nay đều có xuất phát điểm là lao động phổ thông, phần còn lại là kỹ sư ngành chế biến gỗ (1-2%) và công nhân kỹ thuật được đào tạo bài bản (18-29%). Mặc dù nguồn lao động phổ thông dồi dào, song rất ít người trong số này có tay nghề cao. Các DN thường phải đầu tư các nguồn lực để đào tạo công nhân khi mới bước vào nghề.Tuy nhiên, hiện tượng lao động sau khi đã được nâng cao tay nghề chạy sang các cơ sở sản xuất chế biến có mức lương cao hơn như các DN FDI (khoảng 600 DN) vẫn diễn ra phổ biến, từ đó làm hạn chế mong muốn đầu tư vào nâng cao tay nghề cho người lao động và mức độ gắn kết giữa chủ DN và người lao động.

Các chuyên gia đánh giá, đến nay ngành chế biến gỗ vẫn phát triển một cách tương đối tự nhiên, với các chính sách tương đối mở, tạo cơ hội cho ngành gỗ phát triển. Tuy nhiên, hiện ngành đang cần có các chính sách mới, trong đó tập trung ưu tiên vào việc tăng trưởng có chất lượng và tăng trưởng bền vững, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Điều này có liên quan đến việc đổi mới mô hình đào tạo thông qua việc gắn kết trực tiếp giữa các cơ sở đào tạo lý thuyết (các trường) và thực tế (các DN) nhằm tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao. Mặc dù Việt Nam đã hình thành hệ thống các trường đại học và cao đẳng nghề trên cả nước đào tạo kỹ sư và công nhân ngành lâm nghiệp, với lượng sinh viên lên tới hàng chục nghìn người mỗi năm, nhưng kết nối giữa các cơ sở đào tạo và các DN thường yếu. DN thường phải đào tạo lại các công nhân đã được đào tạo bởi các cơ sở này.

Do đó, liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN cần được ưu tiên hình thành và phát triển trong tương lai. Có thể tham khảo mô hình liên kết của Thái Lan với sự tham gia của các cơ sở đào tạo (trường đại học), Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan, và DN chế biến gỗ. Trong mô hình này, một số DN chế biến với sự hỗ trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp đã xây dựng nội dung chương trình đào tạo tại cấp DN.

Các sinh viên được lựa chọn tham gia vào các chương trình đào tạo lý thuyết tại các trường, sau đó được gửi xuống các DN và được đào tạo trực tiếp thông qua thực hành công việc tại các cơ sở chế biến. Toàn bộ các chi phí đào tạo, bao gồm cả học bổng cho sinh viên được các DN chi trả. Sau quá trình đào tạo, các sinh viên sẽ được nhận làm việc trực tiếp trong các DN. Mô hình kết nối đào tạo này đã tạo được kết nối cung - cầu, với sản phẩm đầu ra của đào tạo đáp ứng trực tiếp với các nhu cầu công việc tại DN.