|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành gỗ 'đau đầu' giải bài toán thiếu nguyên liệu

07:13 | 02/05/2017
Chia sẻ
Theo thống kê, mỗi năm ngành gỗ của Việt Nam sử dụng khoảng 30 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu, trong khi nguồn gỗ nguyên liệu từ trong nước chỉ cung cấp được 20 triệu m3.
nganh go dau dau giai bai toan thieu nguyen lieu

Theo thống kê, mỗi năm ngành gỗ của Việt Nam sử dụng khoảng 30 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu. Trong khi đó, nguồn gỗ nguyên liệu từ trong nước chỉ cung cấp được 20 triệu m3, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đây được coi là thách thức không nhỏ cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 7,5 tỷ USD trong năm 2017, nếu như không có các giải pháp phù hợp.

Nguồn nguyên liệu là thách thức lớn nhất của ngành gỗ hiện nay

Năm 2016, dù ngành gỗ đã đóng góp tương đối lớn vào kim ngạch xuất khẩu (XK) với gần 7 tỷ USD, nhưng nếu so với năm trước, mức tăng trưởng kim ngạch XK của ngành chỉ khiêm tốn với hơn 1%. Kết quả này đặt ra không ít thách thức cho mục tiêu kim ngạch XK gỗ đạt 7,5 tỷ USD trong năm 2017.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền-Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) - nguyên nhân khiến kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang chững lại so với các năm trước đây là do những biến động về địa chính trị khiến nhu cầu mặt hàng này của thị trường châu Âu - một trong những thị trường hàng đầu của các sản phẩm đồ gỗ ngoài trời đang chững lại. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu (NK) đồ gỗ lớn của Việt Nam, nhưng lại NK chủ yếu các sản phẩm thô, nguyên liệu sản xuất gỗ như gỗ dăm mảnh, trong khi XK các sản phẩm này đang bị hạn chế bởi nhiều lý do. Ngoài ra, khó khăn cũng đến từ việc thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ XK. Mỗi năm, ngành chế biến và XK gỗ Việt Nam sử dụng 30 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước và từ các vườn cao su thanh lý chỉ cung cấp được 20 triệu m3, 10 triệu m3 còn lại phải nhập khẩu từ các nước khác. Ngoài ra, gỗ từ rừng trồng của Việt Nam có chất lượng không đồng đều, chủ yếu là gỗ có đường kính nhỏ. Trong khi đó, nguồn gỗ NK cũng khó khăn khi các quốc gia láng giềng là Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar… đều đưa ra chính sách cấm XK gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng. Chưa kể, khi Chính phủ Trung Quốc đã cấm khai thác và XK gỗ nguyên liệu, doanh nhân Trung Quốc sẽ tràn ra các nước trên thế giới để thu mua, gây áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp XK đồ gỗ.

Hạn chế xuất thô, tăng diện tích rừng trồng

Để giải quyết nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ cho chế biến và XK, nhiều doanh nghiệp đưa ra đề xuất cấm XK gỗ nguyên liệu sang các nước khác, vì số lượng XK tương đương với số lượng gỗ mà các doanh nghiệp NK mỗi năm. Do đó, nguồn gỗ XK được giữ lại sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong ký kết các đơn hàng với thị trường tiêu thụ mạnh như châu Âu, Mỹ.

nganh go dau dau giai bai toan thieu nguyen lieu
Hỗ trợ ngành công nghiệp gỗ Việt Nam mở rộng thị trường tại EU. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, Công ty Sài Gòn Furniture đề xuất, Chính phủ cũng áp thuế XK gỗ nguyên liệu ra thị trường khác lên 30%-35% như các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan để tránh thất thoát nguồn gỗ từ rừng trồng và vườn cao su thanh lý trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần giống cây trồng rừng chất lượng cao, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng chất lượng gỗ mới có thể đáp ứng nhu cầu và tiềm năng của ngành gỗ hiện nay.

Còn Hiệp hội chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP Hồ Chí Minh (HAWA) đề xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam liên kết lại với nhau, dựa trên 3 tiêu chí: giữa các đối tác liên kết phải có nhu cầu liên kết thực tế, khi liên kết phải tin cậy vào đối tác của mình, quyền lợi trong mối liên kết phải dựa trên bình đẳng, phân chia từng khâu nhỏ cho từng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp, như vậy từng doanh nghiệp sẽ có mức độ đầu tư ít hơn. Với doanh nghiệp nếu có năng lực vốn thì tự đầu tư để đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng để vượt qua thách thức này, mới tiếp cận được các đơn hàng lớn. Trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển dần diện tích 200.000 ha trồng cây gỗ nhỏ sang trồng cây gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng bền vững cho những diện tích này. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 500.000 ha rừng trồng cây gỗ lớn và được cấp chứng chỉ rừng bền vững, phục vụ cho chế biến và XK, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn gỗ chất lượng, có chứng chỉ để thâm nhập vào thị trường khó tính dễ dàng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng tiêu chí rà soát lại quy hoạch rừng theo Chính phủ chỉ đạo; trong đó dự kiến sẽ chuyển đổi 1 triệu đến 1,2 triệu ha rừng phòng hộ, ít xung yếu sang rừng sản xuất để trồng rừng kinh tế, đây là nguồn tài nguyên tăng thêm, cho việc cung cấp nguyên liệu gỗ cho giai đoạn từ 2025 trở về sau. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu thêm các giống gỗ mới rút ngắn thời gian sinh trường mà chất lượng gỗ cao, đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến gỗ. Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, song song với rừng trồng trong nước, thời gian tới Chính phủ Việt Nam sẽ đàm phán với Chính phủ hai nước Lào và Campuchia để các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi trong việc khai thác rừng trồng được các doanh nghiệp đầu tư tại hai nước này tăng nguồn cung nguyên liệu cho doanh nghiệp trong nước, tránh hiện tượng thiếu gỗ, giá nguyên liệu tăng cao, đảm bảo nhịp tăng trưởng bền vững cho ngành gỗ Việt Nam.

Tuấn Anh (tổng hợp)