|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành gỗ cần hoàn thiện từng 'mảnh ghép' cho chuỗi giá trị để thiết lập mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD năm 2025

10:44 | 10/01/2020
Chia sẻ
Nguồn nhân lực đang có xu hướng khan hiếm dần, giá đất đai khá cao, việc đầu tư mở rộng quĩ đất cho sản xuất ngày càng khó, áp lực chuyển đổi số...là những thách thức không nhỏ cho mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 20 tỉ USD vào năm 2025.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) và các hiệp hội chế biến gỗ khu vực phía Nam tại Công ty cổ phần Nhà máy AA (Long An) diễn ra ngày 9/1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản đều gặp khó khăn về xuất khẩu thì lâm sản bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao, trở thành một trong ba ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD.

Cụ thể, theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, lâm nghiệp là một trong ba ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD. 

Tổng giá trị xuất khẩu của ngành đạt 11,2 tỉ USD, tăng 19,4% so với năm 2018, với nhóm các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỉ USD, tăng 18%.

Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của nông nghiệp, lâm nghiệp ngày càng chiếm tỉ trọng cao và trở thành nguồn đóng góp quan trọng, tăng trưởng bền vững ở mức hơn hai con số đều trong suốt 20 năm qua.

"Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ngành chế biến gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Ngành gỗ cần hoàn thiện từng 'mảnh ghép' cho chuỗi giá trị để thiết lập mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD năm 2025 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại buổi làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) và các hiệp hội chế biến gỗ khu vực phía Nam. Ảnh: NH.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, ngành chế biến xuất khẩu gỗ đang phát triển rất khởi sắc, tuy nhiên để ngành gỗ phát triển bền vững, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có cần hoàn thiện từng “mảnh ghép” cho chuỗi giá trị ngành gỗ.

Ngành gỗ cần hoàn thiện từng 'mảnh ghép' cho chuỗi giá trị để thiết lập mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD năm 2025 - Ảnh 2.

Thiết kế: Alex Chu.

Nhu cầu thị trường tiêu dùng đồ gỗ được dự báo tiếp tục tăng cao nhưng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm quĩ đất xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất để nâng cao qui mô ngành chế biến. 

Cụ thể, thị trường mặt bằng sản xuất cho ngành gỗ Việt Nam tập trung mạnh nhất tại Đông Nam Bộ với TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, có mức giá cho thuê xưởng xây sẵn giao động 2,5 - 5,5 USD/m 2/tháng với mức thuê tối thiểu 3-5 năm.

Tại các khu vực truyền thống như Bình Dương, Đồng Nai, tỉ lệ lấp đầy và nhanh tại các KCN đã đẩy giá thuê đất từ 80 USD cách đây hai năm lên 135 - 150USD/chu kỳ thuê. Các khu vực tiềm năng khác như Long An, Tây Ninh giá thuê cũng tăng ở mức trên 130 USD/chu kỳ.

Bên cạnh đó, khan hiếm nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nguyên liệu cũng là những vấn đề cấp bách của ngành chế biến gỗ hiện nay.

Giá nhân công tại các Khu công nghiệp hiện tăng từ 10 - 20%. Lương lao động gia nhập thị trường mỗi năm có xu hướng chuyển dịch ngày càng tăng nhanh.

Chỉ số tăng trưởng ngành gỗ Việt Nam đã tăng 18%, đòi hỏi lượng lao động tỉ lệ thuận để duy trì tốc độ này. Tuy nhiên lượng lao động đào tạo bài bản chưa đáp ứng đúng kì vọng của doanh nghiệp, đa phần phải đào tạo lại, nhất là nhân lực cho các khâu vận hành máy móc công nghệ hiện đại, thiết kế, quản lí sản xuất…

Theo số liệu thống kê kổng số doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ khoảng trên 5.000, thu hút khoảng 500.000 lao động, nhưng lao động có trình độ đại học chỉ khoảng 2 - 3%, công nhân kĩ thuật khoảng hơn 25%, còn lại là lao động phổ thông.

Như vậy nhu cầu chất lượng lao động được dự báo đến năm 2020 cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân õi thuật. Đến năm 2025 cần khoảng 106.800 người có trình độ đại học và trên đại học cùng 445.200 công nhân kĩ thuật.

Ngoài ra, nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng... Kinh doanh online cũng là xu thế bắt đầu ăn sâu rộng vào ngành nội thất làm thay đổi rất lớn công nghiệp nghiên cứu và phát triển sản phẩm và cách sản xuất ra nó. 

Đây cũng là áp lực không nhỏ buộc các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh từ thiết kế, công nghệ sản xuất và đặc biệt là thương mại số.

Ngành gỗ cần hoàn thiện từng 'mảnh ghép' cho chuỗi giá trị để thiết lập mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD năm 2025 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM. Ảnh: NH.

Do đó, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025 và phát triển bền vững trong tương lai, các hiệp hội lâm sản và chế biến gỗ cho rằng cần có giải pháp tổng thể để hoàn thiện chuỗi giá trị kinh tế của ngành gỗ.

Theo đó, cần qui hoạch vùng sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp ngành gỗ, qui hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Đồng thời chú trọng chọn lọc và phát triển các giống cây gỗ nguyên liệu chất lượng cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ, ứng dụng tự động hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Về dài hạn, cần xây dựng chiến lược qui hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành; xây dựng vùng sản xuất tập trung cho ngành chế biến gỗ, qui hoạch rừng gỗ lớn, tăng chất lượng giống, xây dựng thương hiệu cây gỗ tràm bông vàng, đầu tư thiết kế sản phẩm từ gỗ rừng trồng bản địa. 

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Trong đó, Nhà nước cần tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ, giảm lệ thuộc vào lao động, chuyền hoá, tự động hoá, số hoá…

Còn theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, muốn nâng cao giá trị và vị thế của ngành gỗ, cần mở rộng đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất – thiết kế – thương mại đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đồ gỗ, nội thất của Việt Nam. 

Trên thực tế, giá trị tiêu dùng của ngành gỗ và nội thất toàn cầu đạt tới 450 tỉ USD nhưng giá trị sản xuất chỉ chiếm 140 tỉ USD, còn lại chia đều cho 3 lĩnh vực là sáng tạo, thương mại và thương hiệu. Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam mặc dù tăng trưởng nhanh nhưng mới chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất.

Thị trường thế giới đã qua giai đoạn cạnh tranh về giá, hiện nay đang cạnh tranh về chất lượng và tương lai sẽ cạnh tranh về giá trị sáng tạo, thiết kế mang phong cách cá nhân. 

Do đó thiết kế, thương mại và thương hiệu sẽ đóng vai trò sống còn trong việc tạo ra sức cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ và nội thất của Việt Nam trong dài hạn, ông Nguyễn Quốc Khanh nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc ngày 9/1 tại Long An, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã tới thăm nhà máy sản xuất ván laminate của Công ty AA tại tỉnh Long An.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhấn nút khởi động dây chuyền sản xuất ván tấm laminate.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhấn nút khởi động dây chuyền sản xuất ván tấm laminate. Ảnh: NH.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham quan các phân xưởng và sản phẩm của nhà máy AA. Ảnh: NH.


Như Huỳnh