|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành dệt may phục hồi nhưng tiềm ẩn nhiều nỗi lo

20:19 | 21/05/2024
Chia sẻ
Ngành dệt may phục hồi trong những tháng đầu năm khi kim ngạch xuất khẩu đã tăng trở lại. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó khăn, nhất là vấn đề về cước tàu, vốn và lao động.

Đơn hàng phục hồi

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng Cục Hải quan và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và xơ sợi trong tháng 4 đạt 3,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 4 tháng đầu năm nay, ngành dệt may thu về 12,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan, VITAS (H.Mĩ tổng hợp)

Các thị trường tiêu thụ hàng dệt may chính cũng đang cho thấy sự phục hồi tốt. Điển hình như Mỹ, thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, tăng 5,6% lên 4,4 tỷ USD. Hoặc thị trường Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng khá 11% bất chấp nền kinh tế khó khăn, đồng yen mất giá. 

  Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Một số thị trường ngách ghi nhận bước tăng trưởng đột phá, mặc dù kim ngạch chỉ khoảng vài triệu USD. Điển hình như Bở Biển Ngà ghi nhận mức tăng gấp 27 lần so với cùng kỳ lên 1,2 triệu USD. Hay Ai Cập, Séc, Phần Lan,…đạt mức tăng trưởng 2 - 2,5 lần.

Với mặt hàng xơ sợi, tiêu thụ ở các thị trường chính đều tăng mạnh 2 con số. Theo đó, xuất khẩu xơ sợi trong 4 tháng đầu năm sang Trung Quốc tăng 11% lên 680 triệu USD. Tại thị trường Mỹ cũng tăng 55% lên 65 triệu USD. 

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Hoạt động sản xuất đang dần khôi phục sau một năm 2023 đầy khó khăn do tình trạng đơn hàng giảm sút. Theo đó, lượng nhập khẩu nguyên liệu cho dệt may (bao gồm bông, xơ sôi, vải, nguyên phụ liệu…) trong 4 tháng tăng hơn 13% so với cùng kỳ lên 7,7 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu bông và xơ sợi tăng mạnh nhất 20 - 22%. 

Chia sẻ bên lề Diễn đàn thương hiệu Quốc gia 2024 giữa tháng 4, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2024.

Theo đó, tổng doanh thu quý I của May 10 đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 28,27%. Công ty cũng đã có nhiều đơn đặt hàng đến quý II, một số chủng loại có đơn đến quý III.

“Ngoài các thị trường truyền thống, những thị trường mới khai thác trong năm 2023 như Canada, ASEAN, Trung Quốc cũng đã có tín hiệu đặt hàng tương đối tốt”, ông Việt thông tin.

Bên lề hội thảo cuối tháng 4, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS cho biết: “Tuy mức giá xuất khẩu chưa được như mong muốn nhưng bắt đầu có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp dệt may chuyển từ trạng thái “cái gì cũng làm” sang trạng thái có lựa chọn nên ký hay không, ký bao nhiêu, không ký nhiều quá trong điều kiện giá vẫn còn thấp”.

Nhìn vào cơ cấu mặt hàng xuất khẩu quý I có thể thấy xuất khẩu các mặt hàng chính, có giá trị cao đã lấy lại được đà tăng trưởng như quần (8,6%) hay áo sơ mi (11,6%).

 Nguồn: VITAS, Tổng Cục Hải quan

Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) đánh giá ngành dệt may Việt Nam có cơ hội phục hồi, khi tổng cầu tăng, môi trường kinh tế trong nước ổn định, cơ hội tăng đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia cạnh tranh do bất ổn địa chính trị tại nước này (đảo chính tại Myanmar, công nhân đình công tại Bangladesh...).

Thực tế trong quý I/2024, đơn hàng đã có dấu hiệu phục hồi về số lượng, tuy nhiên giá chưa tăng so với quý IV năm 2023, có mặt hàng còn tiếp tục giảm 5-10% về giá.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex dự báo ngành dệt may có thể thể cải thiện vào nửa cuối năm 2024, đặc biệt ở thị trường Mỹ. 

Còn tại CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM), doanh thu trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 51,7 triệu USD, thực hiện 33% kế hoạch năm. Lợi nhuận lũy kế từ đầu năm đạt hơn 3,4 triệu USD, tăng 38% và thực hiện hơn phân nửa kế hoạch năm.

Chia sẻ với các cổ đông trong tháng 4, lãnh đạo công ty cho biết sẽ nhận được đơn hàng lớn khoảng 10 triệu sản phẩm từ đối tác chiến lược E-Land, gấp đôi sản lượng năm ngoái. Công ty cũng mua lại nhà máy SY Vina để nhận được nhiều đơn vải dệt.

Thành Công kỳ vọng đơn hàng xuất khẩu sẽ khả quan hơn năm 2023 và đạt kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2024, doanh thu đạt khoảng 3.707 tỷ đồng (157,7 triệu USD), tăng 12% và lợi nhuận sau thuế đạt 161,2 tỷ đồng (6,68 triệu USD), tăng 21% so với năm liền trước.

Trong năm nay, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 10% so với 2023 và tương đương với mức kỷ lục thiết lập vào năm 2022.

...Vẫn còn nhiều nỗi lo

Mặc dù ngành dệt may đã có khởi đầu khá thuận lợi, tuy nhiên, thị trường được dự báo còn tiềm ẩn nhiều rùi ro. Theo Phó Chủ tịch VITAS, dù đơn hàng hiện nay không thiếu nhưng thiếu lao động, bởi nửa đầu năm 2023, gần 80.000 lao động mất việc làm, lao động về quê tìm việc và không quay lại nữa.

Ông nhận định 2024 chưa phải là năm sáng sủa mà còn chịu dư âm ảnh hưởng của năm 2023, rất nhiều khó khăn vẫn phải đối mặt. Đặc biệt là việc tăng phí từ vận tải biển do tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ, khách hàng gây áp lực buộc doanh nghiệp dệt may phải chia sẻ. Bên cạnh đó là áp lực thời gian giao hàng lớn khi tàu phải đi qua mũi Hảo Vọng.

Đồng quan điểm, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex cũng cho rằng dệt may Việt Nam hiện phải đối mặt với nhiều thách thức như cước vận tải tăng, thiếu lao động và nhiều rủi ro bất định từ thị trường quốc tế.

Ông cho biết trong tháng 1/2024, chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ và châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 12/2023. Yêu cầu thời gian giao hàng giảm từ 120 - 140 ngày xuống 80 - 90 ngày. 

Đồng thời, các đơn vị đều có hạn mức tín dụng thấp hơn so với năm trước khiến yêu cầu tốc độ xoay chuyển dòng vốn phải nhanh hơn trước rất nhiều. "Đây là áp lực lớn trong năm nay”, ông Trường nói.

Ngoài ra, tiền lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 cùng giá điện dự báo sẽ tăng ít nhất 4,5% trong năm 2024 cũng là những yếu tố làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các quốc gia khác về thị trường xuất khẩu cũng luôn thường trực. Trong ngành sợi, lãnh đạo của Vinatex cho hay chưa có tín hiệu phục hồi do nhu cầu yếu từ Trung Quốc và bị cạnh tranh gay gắt về giá với Ấn Độ. 

“Rủi ro thị trường quá cao. Vinatex chỉ có tháng 3 và tháng 4 làm sợi không lỗ thì lại nhìn thấy tháng 6 sắp sửa lỗ.[...] Kế hoạch trình ĐHĐCĐ ở mức độ nhìn % tăng trưởng thì khiêm tốn nhưng thực sự để đạt những con số này năm nay không dễ.", ông Trường nhận định.

Năm nay, Vinatex lên kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất là 17.900 tỷ, lợi nhuận trước thuế 550 tỷ; tăng lần lượt 1,6% và 2,1% so với thực hiện năm 2023.

H.Mĩ