|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngành chế biến chế tạo góp số lượng nhiều nhất trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam

14:40 | 10/08/2022
Chia sẻ
Theo báo cáo 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (500VPE) có tới 266 doanh nghiệp đến từ ngành chế biến chế tạo, trong khi đó ngành kinh doanh bất động sản chỉ có 21 đại diện và nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chỉ có 7 đại diện.

Theo báo cáo Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa công bố sáng 10/8, chế biến chế tạo là nhóm ngành chiếm tới 52% (262/500) doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. 

Báo cáo này được đưa ra dựa trên ba tiêu chí xếp hạng về số lượng lao động, tổng tài sản và doanh thu của doanh nghiệp.

Trong đó, ngành chế biến chế tạo chiếm 52,4%, ngành thương mại, sửa chữa xe chiếm 17,5%, ngành xây dựng chiếm 12,8%, kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 4%, vận tải kho bãi chiếm khoảng 3%, Y tế và nhà hàng, khách sạn chiếm khoảng 2%,...

 Nguồn: Hạ An tổng hợp số liệu từ Báo cáo 500 VPE.

Với riêng ngành chế biến chế tạo, báo cáo này cho hay, lượng doanh nghiệp lớn tập trung ở nhóm chế biến thực phẩm, đồ uống với 90 doanh nghiệp lọt top 500 VPE. Đồng thời, một số ngành thâm dụng vốn như sắt thép, kim loại cũng có tới 30 doanh nghiệp, vật liệu xây dựng, khoáng phi kim loại có 29 doanh nghiệp, ngoài ra nhóm thâm dụng lao động như may mặc cũng có tới 23 doanh nghiệp.  

Đáng chú ý, mặc dù 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất chỉ chiếm 0,05% tổng số doanh nghiệp nhưng theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp NCIF, số doanh nghiệp này chiếm tới 16% - 18% tổng số lao động của khu vực tư nhân và chiếm trên 18% về tỷ trọng về vốn cũng như về tài sản.

 TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp NCIF. (Ảnh: Hạ An).

Điều này cho thấy mức độ tập trung của 500 doanh nghiệp tư nhân là tương đối cao đặc biệt là trong một số ngành như: Tài chính ngân hàng chỉ có khoảng 4-5 doanh nghiệp lọt top nhưng chiếm trên 60% thị phần, trong khu vực chế biến chế tạo, hai doanh nghiệp lớn nhất chiếm trên 50% doanh thu hoặc lao động trong ngành đó.

Ông Thắng cũng cho rằng, hiện đang có hai quan điểm trong phát triển doanh nghiệp, một là phát triển theo kiểu dàn đều, tức là hỗ trợ doanh nghiệp SME, doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng với tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Quan điểm thứ hai là tập trung vào các doanh nghiệp lớn để các doanh nghiệp này trở lại những "con sếu đầu đàn", thực hiện các chính sách bình ổn vĩ mô, nâng cao thương hiệu của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. (Ảnh: VietnamFinance).

Doanh nghiệp tư nhân vẫn khó khăn trong tiếp cận nguồn lực

Liên quan đến vấn đề phát triển doanh nghiệp tư nhân, bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Chủ Tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phát triển liên tục trong những năm qua, tuy nhiên vẫn còn mang tính chất gia công, lắp ráp cao.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp phát triển tới quy mô lớn nhưng không thực sự mạnh, nhất là năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải dựa khá nhiều vào FDI khi khối này chiếm tới 73% xuất khẩu của Việt Nam.

"Tuy nhiên, khối doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Bà Lan chỉ ra rằng, trên các văn bản pháp quy hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp khác nhau tuy nhiên thực tế, các nguồn lực cơ bản hiện nằm trong tay các doanh nghiệp Nhà nước là chính. Tuy chiếm số lượng rất nhỏ nhưng khối này vẫn đang sử dụng tới 50% nguồn lực.

Ngoài doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI cũng có vẻ dễ tiếp cận nguồn lực hơn so với doanh nghiệp tư nhân khi nhận được nhiều ưu đãi. Ngay cả trong khối doanh nghiệp tư nhân thì doanh nghiệp lớn với quy mô và nguồn vốn lớn hơn cũng tiếp cận nguồn lực dễ dàng hơn so với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điều này cho thấy, để doanh nghiệp tư nhân thật sự lớn mạnh, cần thiết nhất vẫn là cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản cả về vật chất và trí tuệcủa doanh nghiệp. Hiện khu vực đầu tư mua sắm công vẫn là khu vực mà các doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận.

Tại các quốc gia khác họ cũng có những chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong đó tập trung vào các nhóm ngành trọng điểm, những ngành lớn cần phát triển. Trong những ngành đó có chính sách cho ngành và nếu doanh nghiệp tư nhân tham gia được thì các doanh nghiệp lớn là đối tượng có đủ quy mô, vốn để tiếp cận cơ hội đó.

Vì vậy, các chính sách còn lại dùng để hỗ trợ nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng yếu thế trong cộng đồng doanh nghiệp.

Theo bà Lan, để phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn để dẫn dắt khối kinh tế tư nhân thì cần khuyến khích cần phát triển công nghệ, phát triển một số ngành trong từng thời gian nhất định cũng như khuyến khích liên kết để tham gia vào các chuỗi cung ứng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An