|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành cao su Thái Lan đương đầu với khó khăn

08:12 | 25/10/2019
Chia sẻ
Nội các Thái Lan đã thông qua một khoản ngân sách trị giá 24,278 tỷ baht (798 triệu USD) dành cho giai đoạn đầu của chương trình trợ cấp thu nhập đối với người trồng cao su.
Ngành cao su Thái Lan đương đầu với khó khăn - Ảnh 1.

Những thay đổi bất thường trong giá cao su ở Thái Lan là do rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung dẫn đến việc ngân hàng hạn chế các khoản vay cho các công ty cao su, trong khi nông dân buộc phải bán sản phẩm với giá thấp hơn để thu hồi vốn luân chuyển cho vụ sau.

Tuy nhiên, quyền Giám đốc Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT) Sunan Nuanphromsakul nhận định rằng tác động nghiêm trọng nhất đối với ngành công nghiệp cao su nước này là sự sụp đổ của Công ty kinh doanh hóa chất tổng hợp Chongqing ở Trung Quốc hồi tháng 9/2018. Chongqing là một trong những khách hàng lớn nhất của cao su Thái Lan với khối lượng mua 1,5 triệu tấn mỗi năm. Sự vắng mặt của công ty này trên thị trường đã khiến cho giá cao su sụt giảm mạnh.

Theo ông Sunan, để giải quyết vấn đề giá cao su trong ngắn hạn, Chính phủ Thái Lan đã tung ra chương trình đảm bảo giá nhằm hỗ trợ người trồng cao su. Đã có 1,7 triệu nông dân đăng ký tham gia chương trình với RAOT, với tổng diện tích trồng cao su là hơn 2,75 triệu hécta. Để có thể tham gia chương trình, cây cao su phải có ít nhất 7 năm tuổi.

Chương trình đảm bảo giá cao su tấm chất lượng cao ở mức 60 baht/kg, mủ cao su (latex) ở mức 57 baht/kg và mủ chén (cup lump) ở mức 23 baht/kg. Số lượng tối đa được đảm bảo giá không được vượt quá 240 baht/kg trên 1.600 m2 trong một năm và được giới hạn ở mức 40.000 m2/một nông dân.

Trước đó, Nội các Thái Lan đã thông qua một khoản ngân sách trị giá 24,278 tỷ baht (798 triệu USD) dành cho giai đoạn đầu của chương trình trợ cấp thu nhập đối với người trồng cao su. Chương trình này được đưa ra nhằm đảm bảo nông dân trồng cao su có thu nhập ổn định trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2019 cho đến tháng 3/2020. Đợt trợ cấp đầu tiên được tiến hành trong tháng 10-11/2019, trong khi đợt thứ hai từ giữa tháng 12/2019-1/2020 và đợt thứ ba vào tháng 2-3/2020.

Ngoài ra, RAOT đang làm việc với các cơ quan chính phủ liên quan để đưa ra những dự án nhằm thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm cao su ở trong nước và nước ngoài, đồng thời giảm lượng cao su tồn kho. Theo ông Sunan, RAOT đặt mục tiêu cung cấp các khoản vay cho những doanh nghiệp chế biến cao su muốn đầu tư vào máy móc và nhà xưởng mới sản xuất các sản phẩm cao su có giá trị cao như găng tay cao su, săm lốp xe hơi và cao su chuyên dụng.

Cao su chiếm 1,82% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan, với giá trị 4,6 tỷ USD trong năm 2018. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm tới 43% lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan với giá trị 1,9 tỷ USD. Các thị trường lớn khác bao gồm Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cục trưởng Cục Đàm phán Thương mại (DTN) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Oramon Subthaweetham mới đây cho biết, xuất khẩu cao su đang tăng đều kể từ khi Thái Lan ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các đối tác thương mại nước ngoài. Cho đến nay, Thái Lan đã ký 13 FTA với 16 đối tác, trong đó có 9 nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Chile, Peru và Hong Kong (Trung Quốc). Hiện nay, chỉ còn Ấn Độ và Trung Quốc, hai thị trường lớn nhất của cao su Thái Lan, vẫn áp thuế nhập khẩu.

Bà Oramon nhận định hai FTA mà Thái Lan mới ký với Hong Kong và Australia sẽ giúp nước này duy trì khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su trong năm nay, bất chấp nhu cầu đối với cao su đang giảm sút từ các ngành sản xuất xe hơi và săm lốp trên toàn thế giới do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su của Thái Lan sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và Australia tăng lần lượt 57% và 22%.

Theo bà Oramon, để giữ vững vị trí nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, DTN sẽ thương lượng các FTA với thêm nhiều nước nhằm mở rộng tầm với toàn cầu của cao su Thái Lan. Các ưu tiên của DTN là Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Pakistan và các nước khác tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Ngọc Quang