|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng TW Hungary muốn toàn EU cấm bitcoin và tiền ảo

03:00 | 14/02/2022
Chia sẻ
Khi mà các quốc gia trên thế giới liên tục bày tỏ quan điểm về tiền ảo, đặc biệt là với vấn đề thể chế thì mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hungary đã kêu gọi toàn EU cấm tiền điện tử.

Theo đó, trong bài phát biểu mới nhất của mình vào hôm 11/2 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hungary đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) có biện pháp cấm triệt để các hoạt động khai thác và kinh doanh tiền ảo. 

Ông cho rằng: "Rõ ràng là tiền điện tử có thể là phương tiện phục vụ các hoạt động bất hợp pháp, có xu hướng xây dựng các kim tự tháp tài chính".

Ngân hàng Quốc gia Hungary đã công bố một tuyên bố hôm 11/2 từ ông György Matolcsy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương về việc: "Đã đến lúc cấm kinh doanh và khai thác tiền ảo ở EU". 

Ông lưu ý "Trung Quốc đã tuyên bố tất cả các hoạt động tiền ảo là bất hợp pháp vào tháng 9 năm ngoái" và gần đây, Ngân hàng Trung ương của Nga cũng đã đề xuất "lệnh cấm giao dịch và khai thác tiền điện tử".

Ngân hàng TW Hungary muốn toàn EU cấm tiền ảo - Ảnh 1.

Tiền ảo bị cho là nguy cơ của nhiều sự bất ổn tài chính. (Nguồn: Investing.com)

Bình luận về đề xuất cấm tiền điện tử của ngân hàng trung ương Nga, Thống đốc Matolcsy cho biết: "Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất và cũng ủng hộ quan điểm của cơ quan quản lý tài chính cấp cao của EU rằng EU nên cấm phương pháp khai thác được sử dụng để đào bitcoin mới".

Trước đó, vào tháng 1/2022, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám sát của Cơ quan Thị trường và Chứng khoán Châu Âu (ESMA) Erik Thedéen đã kêu gọi một lệnh cấm trên toàn EU đối với việc khai thác tiền ảo dựa trên khái niệm bằng chứng công việc (tương tự như bitcoin). 

Về phần mình, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Hungary nói thêm rằng ngân hàng trung ương Nga "đã đúng" khi nói rằng "Sự tăng trưởng chóng mặt và giá trị thị trường của tiền ảo được xác định chủ yếu bởi nhu cầu đầu cơ cho sự tăng trưởng trong tương lai, điều này tạo ra bong bóng tài chính".

Ông nhấn mạnh: "EU nên hành động cùng nhau để ngăn chặn việc xây dựng các kim tự tháp tài chính mới và bong bóng tài chính. Các công dân và công ty EU sẽ được phép sở hữu tiền ảo ở nước ngoài nhưng cơ quan quản lý sẽ theo dõi lượng nắm giữ của họ".

Cũng trong tháng 1, Ngân hàng Trung ương của Nga đã đề xuất cấm mọi hoạt động tiền điện tử trong nước. "Tiền ảo cũng có các khía cạnh của kim tự tháp tài chính, bởi vì sự tăng trưởng giá của chúng phần lớn được hỗ trợ bởi nhu cầu từ những người mới tham gia vào thị trường", tuyên bố của ngân hàng Nga cho hay.

Tuy nhiên, đề xuất cấm tiền điện tử của ngân hàng trung ương đã vấp phải sự phản đối vì chính phủ Nga, quốc hội và thậm chí các cơ quan thực thi pháp luật được cho là không sẵn sàng ủng hộ đề xuất này. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó đã thúc giục chính phủ và ngân hàng trung ương đạt được sự đồng thuận về tiền điện tử, làm nổi bật tiềm năng khai thác tiền ảo ở Nga. Tuần trước, chính phủ Nga đã thông qua kế hoạch điều chỉnh tiền quy định, chính sách với tiền điện tử.

Bất chấp đà tăng giá chóng mặt của bitcoin trong năm 2021, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có quan điểm trái ngược về các quy định, thể chế để quản lý tốt nhất, hiệu quả nhất của đồng tiền ảo này nói riêng và các tài sản tiền điện tử khác nói chung. Trong khi El Salvador hợp pháp hóa bitcoin thì Trung Quốc cấm toàn bộ. 

Hàn Quốc đã ban hành các yêu cầu, hướng dẫn chi tiết về việc các doanh nghiệp, sàn giao dịch phải tiến hành đăng ký nhưng cho đến nay, rất ít đơn vị vượt qua được khảo sát và được cấp phép.

Thu Phương

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.