|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngân hàng truyền thống thất thế ở Đông Nam Á vì người dùng ưu ái dịch vụ tài chính số

10:01 | 09/12/2019
Chia sẻ
Phí dịch vụ cao song hạ tầng tài chính chưa phát triển là hai lí do khiến dịch vụ ngân hàng truyền thống kém hấp dẫn trong mắt người dùng.

Dịch vụ ngân hàng truyền thống thất thế

Nhiều nền kinh tế đang phát triển của Đông Nam Á, nơi nhiều người vẫn chưa tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, đang "nhảy cóc" qua kiểu giao dịch ngân hàng bán lẻ truyền thống và chuyển qua các dịch vụ tài chính số hoá.

Với nhiều người, việc đến các chi nhánh hay phòng giao dịch ngân hàng vật lí, đang trở nên lỗi thời.

"Tôi để 70% lương vào tài khoản tiền điện tử", Bayu Wicaksono, một kĩ sư 23 tuổi đang sống của Jakarta, Indonesia, chia sẻ. Anh thanh toán phần lớn các giao dịch bằng tiền điện tử trong ứng dụng Ovo, một dịch vụ thanh toán của Indonesia.

thanhtoan1

Ovo là một ứng dụng thanh toán được người dùng Indonesia rất yêu thích. (Ảnh: Nikkei)

Wicaksono cũng dùng Ovo để gọi xe, mua đồ ăn, chuyển tiền cho mẹ và đầu tư vào các sản phẩm tài chính. Một phần lương của anh vẫn được chuyển vào tài khoản ngân hàng truyền thống.

"Song nếu giới hạn trần 735 USD hiện đang được áp dụng với tài khoản tiền điện tử được gỡ bỏ", tôi sẽ nhận lương bằng tài khoản tiền điện tử", anh thổ lộ.

Tốc độ tăng trưởng giao dịch bằng tiền điện tử ở Indonesia thuộc hàng cao nhất thế giới. Tiền điện tử, bao gồm cả thẻ tiền điện tử, đã được phát hành 257 triệu lần tính đến thời điểm cuối tháng 9, theo số liệu từ ngân hàng trung ương Indonesia.

Con số ấy cao gấp khoảng năm lần thời điểm cuối năm 2016. Để tiện so sánh, chúng ta cần biết các ngân hàng ở quốc gia này đã phát hành tổng cộng khoảng 170 triệu thẻ ATM.

Khách hàng ở Indonesia thường phải trả phí mở thẻ tín dụng hoặc phí duy trì tài khoản ngân hàng. Với tài khoản tiền điện tử, người dân mở tài khoản đơn giản bằng cách tải về một ứng dụng trên smartphone và đăng kí số điện thoại với dịch vụ thanh toán.

Jason Thompson, CEO Ovo, chia sẻ Indonesia mới chỉ đang tương đương với Trung Quốc của năm 2008 về ứng dụng tiền điện tử.

Song anh cho rằng Indonesia sẽ bắt kịp trong vòng từ hai đến ba năm tới với tốc độ phát triển công nghệ tài chính (fintech) như hiện tại. Ovo đã có 100 triệu người dùng trong chỉ hai năm sau khi bắt đầu hoạt động vào năm 2017.

thanhtoan2

Dịch vụ ngân hàng truyền thống đang thất thế ở Indonesia. (Nguồn: Bank Indonesia/ Nikkei, Việt hoá: Thái Sơn)

Ovo ban đầu là một thương hiệu con của tập đoàn Lippo Group với vai trò như một phương thức thanh toán với các sản phẩm và dịch vụ trong hệ sinh thái của tập đoàn.

Đến nay, nó đã phát triển và hợp tác với nhiều "ông lớn" khác như startup gọi xe Grab hay sàn thương mại điện tử Tokopedia.

Ovo đang tích cực mở rộng số điểm bán, cả trực tuyến và ngoại tuyến, chấp nhận tiền điện tử. Bên cạnh đó, chính sách hoàn tiền, có thể lên tới tối đa 30% giá mua, cũng là một điểm cộng lớn. Theo CB Insights, Ovo hiện đạt định giá 2,9 tỉ USD và là "kì lân" lớn thứ năm tại Indonesia.

Song mọi việc không phải khi nào cũng dễ dàng. Trên sân nhà, Ovo đang phải cạnh tranh với những cái tên cũng cực kì tiềm năng như GoPay (của Go-Jek) và Dana (với sự hậu thuẫn của Ant Financial thuộc tập đoàn Alibaba).

Ở Thái Lan, TrueMoney, thuộc Charoen Pokphand Group, đang nắm trong tay thị phần lớn. SEA cũng có một dịch vụ tiền điện tử hoạt động ở nhiều quốc gia Đông Nam Á mang tên gọi AirPay.

Smartphone thành cửa ngõ dịch vụ tài chính

Tại các nền kinh tế mới nổi, tỉ lệ người dùng smartphone đang tăng, trong khi đó tăng trưởng dịch vụ ngân hàng truyền thống lại chững lại. Nếu như ở các nước phát triển, hơn 90% dân số tài khoản ngân hàng, tỉ lệ ở các quốc gia đang phát triển thấp hơn rất nhiều. Ví dụ, ở Indonesia, dưới 50% dân số có tài khoản ngân hàng truyền thống.

Số lượng ATM tại đây cũng không nhiều. Hạ tầng tài chính chưa phát triển tạo đà cho các dịch vụ như tiền điện tử tăng trưởng mạnh. Ứng dụng di động trở thành cửa ngõ đến ngành tài chính trong tương lai Châu Á.

Thị trường thẻ tín dụng cũng là một bằng chứng nữa cho thấy sự thay đổi của ngành tài chính. Ở các nước đang phát triển, chỉ có dưới 5% số lượng người trưởng thành có thẻ tín dụng. Nhiều người trẻ mới đi làm gặp khó khăn khi tiếp cận với loại hình dịch vụ tài chính này, ngay cả khi họ có thu nhập khá ổn định.

thanhtoan3

Một khách hàng đang thanh toán bằng Go-Pay ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Nikkei)

Enter Kredivo, một công ty Indonesia, cho phép người dùng mua hàng và trả sau thông qua vay tiền trên ứng dụng di động. Khác với các công ty thẻ tín dụng, vốn thường cấp hạn mức thẻ dựa trên một số yếu tố như nghề nghiệp, tuổi tác hay thu nhập, Enter Kredivo "chấm điểm" người vay tiền bằng trí tuệ  nhân tạo (AI).

Ovo và GoPay cũng đang khởi động các hệ thống trả chậm tương tự. Thompson chia sẻ Ovo đã phát triển "mô hình chấm điểm rủi ro" dựa trên dữ liệu lớn các giao dịch tiền điện tử.

Dịch vụ tài chính trên di động cũng đang bắt đầu "xuyên biên giới". Ở Singapore và Hong Kong, người lao động Indonesia và Philippines thường phải xếp hàng dài trước các cửa hiệu dịch vụ chuyển tiền để chuyển tiền về cho gia đình.

Song với sự gia tăng của các dịch vụ chuyển tiền trên smartphone, cảnh này có thể trở thành một câu chuyện của quá khứ. Dash, một ứng dụng của Singtel, đã cho phép người dùng chuyển tiền tới Indonesia, Philippines và Myanmar.

Dịch vụ ngân hàng truyền thống thường mất vài ngày để hoàn thiện một giao dịch, trong khi đó tiền điện tử có thể được gửi ngay lập tức. Đây là lý do khiến các ngân hàng cũng phải cải tiến.

Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) cũng đang ra mắt một hệ thống mới có thể hoàn thiện các điện chuyển tiền quốc tế chỉ trong vòng 30 phút với các ngân hàng thành viên.

Hồi tháng 7, Ngân hàng Quốc gia Campuchia (ngân hàng trung ương Campuchia) đã ra mắt một đồng tiền điện tử sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối). Bakong trở thành đồng tiền điện tử đầu tiên do một ngân hàng trung ương phát hành trên thế giới và hiện có khoảng vài nghìn người dùng.

Giao dịch có thể được thực hiên bằng đồng USD hoặc nội tệ Campuchia (riel). Khách hàng theo đó không cần mở tài khoản ngân hàng để sử dụng nó.

Để đáp ứng nhu cầu của những người Campuchia đang lao động ở nước ngoài, Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã hợp tác với ngân hàng trung ương Thái Lan và nhiều ngân hàng lớn ở Malaysia.

Campuchia (với dân số khoảng 16 triệu người), hiện chỉ có khoảng 20% dân số có tài khoản ngân hàng và hạ tầng tài chính ở đây, bao gồm ngân hàng và ATM, cũng còn nhiều hạn chế. Do đồng riel cũng không ổn định, nhiều giao dịch được thực hiện bằng đồng USD.

Tiền điện tử có rủi ro liên quan đến "sập hệ thống" và tấn công số, song các quốc gia đang phát triển như Campuchia có thể "đón nhận thách thức", ông Hiroshi Suzuki, CEO và nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Kinh doanh Campuchia, chia sẻ.

Campuchia đang có điều kiện tốt để triển khai tiền điện tử khi tỉ lệ điện thoại di động trên mỗi người dân đạt hơn một.

Khi Facebook giới thiệu kế hoạch ra mắt đồng tiền mã hoá của mình mang tên Libra vào tháng 6 năm nay, chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều quốc gia phát triển đã bày tỏ sự quan ngại.

Nhóm G20 theo đó từ chối bật đèn xanh để Facebook triển khai Libra, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, với lo ngại cho rằng nó có thể làm nhiễu loạn hệ thống tài chính thế giới và tạo điều kiện cho các hoạt động như rửa tiền.

Khi nói đến các lĩnh vực như tiền điện tử, có vẻ như các quốc gia phát triển và đang phát triển sẽ có những quan điểm đón nhận khác nhau.

Thái Sơn