|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng trả cổ tức cao - điểm nóng mùa đại hội năm 2024

11:13 | 21/03/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia với mặt bằng định giá đang ở mức hợp lý và lại có câu chuyện trả cổ tức bằng tiền mặt thì cổ phiếu ngân hàng sẽ là cơ hội hấp dẫn cho dòng tiền của nhà đầu tư.

Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, kế hoạch trả cổ tức của các ngân hàng lại tiếp tục là một trong những điểm nóng được các nhà đầu tư chú ý. Mặc dù trong năm 2023 nền kinh tế có nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng vẫn duy trì trả cổ tức cao, chủ yếu dưới dạng cổ phiếu. 

Một loạt ngân hàng đã có kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ACB dự kiến chia cổ tức 2023 tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2024

VIB có kế hoạch chi trả cổ tức 2023 bằng tiền (đợt 2) theo tỷ lệ 6,5%, phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 17%. Trước đó vào tháng 1/2024, VIB đã ứng trước cổ tức bằng tiền mặt (đợt 1) với tỷ lệ 6%.

Techcombank cho biết sẽ trình phương án chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận sau thuế, kết thúc 10 năm không trả cổ tức. Ước tính mức chi trả là 1.500 đồng/cp.

Nam A Bank cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024, trong đó dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25% để tăng vốn điều lệ. 

Những ngân hàng có câu chuyện như chia cổ tức, phát hành vốn trong năm 2024. (Ảnh: FiinGroup).

Một số ngân hàng khác chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng cũng đã gợi ý về kế hoạch chia cổ tức, tăng vốn trong các cuộc hội thảo, hội nghị hay gặp gỡ nhà đầu tư. 

Ông lớn Big4 VietinBank cũng được phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, cả VietinBank và Vietcombank đều đã công bố kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức. 

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 sáng nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình đã có kiến nghị cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, đề nghị Chính phủ cho phép ngân hàng được tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận giữ lại nhằm củng cố nguồn lực, có thêm dư địa hỗ trợ nền kinh tế.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư vừa qua, Chủ tịch Lưu Trung Thái cho biết MB dự kiến sẽ chia cổ tức tiền mặt trong năm 2024, nhưng con số cụ thể là bao nhiêu thì vẫn chưa chốt.

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ năm 2023, VPBank từng cho biết có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Năm ngoái, VPBank từng bỏ ra gần 8.000 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Chia sẻ tại Hội thảo chứng khoán "Kinh tế hồi phục - Ngân hàng dẫn sóng và triển vọng của thị trường", bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích dữ liệu của FiinGroup, cho hay cùng với kế hoạch kinh doanh và bán vốn thì chia cổ tức là vấn đề mà nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng cần đặc biệt lưu ý trong mùa đại hội cổ đông năm nay. 

Theo bà Vân, vào cuối năm ngoái, khi tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, dòng tiền vào ngân hàng đã từng đặt kỳ vọng rằng tín dụng 2024 cũng sẽ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận cho đến nay vẫn chưa diễn ra khi tín dụng quay đầu tăng trưởng nhanh, dẫn đến có những dự báo không mấy khả quan về lợi nhuận ngân hàng, có thể khiến dòng tiền thoái lui. 

“Để dòng tiền trở lại, ngân hàng có rất nhiều câu chuyện khác để thu hút”, bà Vân cho biết. Theo chuyên gia của FiinGroup, “với mặt bằng định giá đang ở mức hợp lý và lại có câu chuyện trả cổ tức bằng tiền mặt thì cổ phiếu ngân hàng sẽ là cơ hội hấp dẫn cho dòng tiền của nhà đầu tư”. 

Những câu chuyện khác

Ngoài cổ tức, nhà đầu tư cần chú ý tới kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng và bán vốn, tìm cổ đông chiến lược.

Đồng thời, chuyên gia FiinGroup cũng cho biết một số ngân hàng gần đây đã công bố kết quả quả kinh doanh tích cực đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là tín dụng tăng trưởng trở lại, bất chấp đà sụt giảm chung của toàn nền kinh tế. Đây cũng có thể là một yếu tố hấp dẫn dòng tiền trong mùa đại hội lần này. 

“Liệu ngân hàng tăng trưởng nhờ động lực nào, từ tín dụng hay từ thu nhập phi tín dụng? Câu chuyện biên lãi thuần (NIM) sẽ cải thiện ra sao?”, bà Đỗ Hồng Vân nhắc đến những yếu tố cần chú ý trong mùa ĐHĐCĐ năm nay. 

Về câu chuyện bán vốn, bà Vân nhận định: “Từ giờ đến cuối năm, các ngân hàng cũng đã có những kế hoạch như bán vốn, tăng vốn, tìm cổ đông chiến lược. Mặc dù là quá trình tìm kiếm sẽ mất nhiều thời gian nhưng miễn là câu chuyện, chưa xảy ra và có xác suất xảy ra cao thì sẽ là yếu tố dẫn dụ dòng tiền trở lại từ giờ đến cuối năm”. 

Theo bà, năm 2024, một số cái tên như BIDV, Vietcombank, HDBank, SHB, LPBank ... sẽ gây nhiều sự chú ý về câu chuyện thu hút vốn ngoại.

Minh Quang