Vì sao thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng lãi suất huy động vẫn tăng?
Ảnh minh họa (Nguồn: Vietnamplus)
Thanh khoản hệ thống dồi dào nhưng lãi suất huy động vẫn tăng
Kể từ đầu tháng 9 đến nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục ghi nhận sự sụt giảm, đặc biệt là tại các kì hạn ngắn.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 9/10, lãi suất qua đêm ở mức 1,98%/năm, giảm 3,02 điểm % so với thời điểm cuối tháng 8; kì hạn 1 tuần giảm hơn 2,5 điểm % còn 2,19%/năm; kì hạn 2 tuần giảm gần 2,3 điểm % xuống 2,6%/năm…
Đáng chú ý, đà sụt giảm của lãi suất liên ngân hàng diễn ra liên tục và đều đặn trong suốt 5 tuần của tháng 9 và đầu tháng 10. Trong đó, riêng tuần từ 3/9 đến 6/9, các loại lãi suất liên ngân hàng đồng loạt giảm mạnh từ 0,8 - 1 điểm % so với tuần trước đó.
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng (Nguồn: SBV)
Theo nhận định của của các công ty chứng khoán, sự sụt giảm mạnh của lãi suất liên ngân hàng trong những tuần gần đây xuất phát từ sự dư thừa thanh khoản trong hệ thống. Bằng chứng rõ nét nhất cho điều này là việc NHNN phải liên tục phát hành tín phiếu khối lượng lớn để hút bớt tiền về.
Thống kê cho thấy từ ngày 9/9 – 4/10, NHNN đã thực hiện hút ròng tổng cộng gần 88.000 nghỉn tỉ đồng ra khỏi thị trường liên ngân hàng.
Trong đó, riêng tuần từ ngày 30/9 đến 4/10, NHNN đã phát hành mới gần 87.000 tỉ đồng tín phiếu kì hạn 7 ngày với lãi suất 2,5% để hút bớt tiền ra khỏi hệ thống. Mức hút ròng tiền về chỉ trong một tuần như trên là rất đột biến, thường chỉ gặp trong các tuần sau Tết Nguyên đán.
Lãi suất liên ngân hàng sụt giảm mạnh trong tháng 9 (Nguồn: BVSC)
Mặc dù lãi suất liên ngân hàng liên tục sụt giảm và thanh khoản hệ thống ở trong trạng thái dư thừa tuy nhiên theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI hầu hết ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động, thậm chí nhiều nhà băng còn tăng lãi suất huy động tại các kì hạn dài từ 0,2 – 0,4 điểm % trong tháng 9.
Mới đây, VietCapitalBank thông báo tăng lãi suất huy động lên 8,9% một năm - mức cao gần nhất thị trường hiện nay. Trước đó, mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này là 8,6% cho kì hạn 24, 36 tháng
Từ ngày 3/10, Techcombank tăng lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 15 tháng lên 0,2 - 0,3% và giảm nhẹ 0,1% với các kỳ hạn còn lại, so với đầu tháng 9.
Ngày 4/10, lãi suất huy động của SHB tăng ở nhiều kỳ hạn dành cho sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền. Theo đó, lãi suất tối đa SHB áp dụng là 8,1% cho kì hạn 6 tháng, 8,2% kì hạn 9 tháng; 8,3% kì hạn 12 tháng và 8,4% cho kì hạn 13 tháng (số tiền gửi dưới 500 tỉ đồng).
Cùng với việc tăng lãi suất huy động, các ngân hàng cũng tích cực phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất liên tục được đẩy lên cao. Mức lãi suất cao nhất của sản phẩm này hiện lên tới 10,2%/năm tại VietCapitalBank.
Lãi suất huy động nhích nhẹ trong tháng 9 (Nguồn: SSI)
Ngân hàng thừa vốn siêu ngắn hạn nhưng khát vốn trung và dài hạn?
Theo các chuyên gia tài chính, hiện tượng lãi suất huy động vẫn tăng bất chấp lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm xuất phát từ tính liên thông không chặt chẽ giữa thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) và thị trường giữa NHTM với các tổ chức, cá nhân (thị trường 1).
"Trong điều kiện lí tưởng, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng và môi trường thanh khoản được kì vọng sẽ được giữ dồi dào sẽ tạo cơ sở để các NHTM điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
Tuy vậy, vốn liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng và bị hạn chế bởi tỉ lệ 20% so với vốn huy động các tổ chức kinh tế và dân cư nên tính liên thông từ thị trường 2 xuống thị trường 1 cần một thời gian dài", Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.
Mặt khác, trên lí thuyết thị trường liên ngân hàng chỉ có vai trò như một kênh hỗ trợ khẩn cấp những nhu cầu vốn cấp bách cho các ngân hàng. Có nghĩa vốn trên thị trường liên ngân hàng là những nguồn vốn rất ngắn hạn.
Trong khi, cái thiếu của các ngân hàng lại là nguồn vốn trung – dài hạn. Như vậy, nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng không thể giải tỏa "cơn khát vốn" cho các nhà băng.
Nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng trong thời gian qua là dễ hiểu trong bối cảnh qui định về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% về mức 40% sẽ có hiệu lực trong năm nay và rất có thể sẽ bị rút xuống mức 30% theo một lộ trình sắp tới.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn cao cấp Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB)
Thực tế cho thấy cho dù thanh khoản thị trường liên ngân hàng có dư thừa hay không thì các ngân hàng vẫn "hào hứng" hơn với các khoản tiền gửi dài hạn trong khi lại khá "hững hờ" với các loại tiền gửi có kì hạn siêu ngắn (dưới 1 tháng).
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, phần lớn ngân hàng được khảo sát đều duy trì mức lãi suất 0,5 - 1% cho các khoản tiền gửi có kì hạn dưới 1 tháng, tức còn thấp hơn cả lãi suất liên ngân hàng cùng kì hạn; trong khi lãi suất các kì hạn trên 12 tháng liên tục được đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, những ngân hàng đang có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay đều là những ngân hàng có tỉ trọng tín dụng trung - dài hạn ở mức cao điển hình như VIB hay Sacombank.
Nguồn: Trúc Minh tổng hợp
Trong khi đó, tại các NHTM Nhà nước như Vietcombank, VietinBank và Agribank với tỉ trọng dư nợ cho vay trung – dài hạn thấp hơn đều duy trì mức lãi suất huy động ổn định và thấp hơn mặt bằng chung.
Thống kê của NHNN cho thấy tính đến cuối tháng 4, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của khối NHTM Nhà nước là 30,99% thấp hơn so với NHTM cổ phần là 31,52%. Trong khi, mức bình quân chung của hệ thống là 28%.
Những ngân hàng đang có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay đều là những ngân hàng TMCP có tỉ trọng tín dụng trung - dài hạn ở mức cao (Nguồn: VnDirect)