Thanh khoản nội tệ thất thường trong tuần qua
Đầu tuần lãi suất giảm nhanh, thậm chí đã về mức 3,1% kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần, giảm 20 điểm so với tuần trước, cuối tuần lãi suất bắt đầu tăng trở lại, kỳ hạn qua đêm được giao dịch quanh ngưỡng 3,3 - 3,7%, thanh khoản trở nên eo hẹp.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từ tháng 6-2018 đến tháng 3-2019. Nguồn: Reuters
Đầu tuần vừa qua, lãi suất tiền đồng LNH đã giảm đáng kể theo đà giảm từ tuần trước. Kể từ sau khi lãi suất tiền đồng tuột khỏi mốc 4% sau một thời gian khá lâu neo quanh ngưỡng này, lãi suất tiền đồng đã giảm khá mạnh trong tuần trước và đầu tuần này, khoảng 10 - 20 điểm mỗi ngày.
Thanh khoản LNH đã khá dồi dào trong suốt tuần trước, khi số dư thị trường mở (OMO) liên tục giảm, đồng nghĩa với nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua kênh mua kỳ hạn Giấy tờ có giá đã giảm đáng kể so với các tuần trước.
Thêm vào đó tốc độ tăng trưởng tín dụng quí 1 vẫn ở mức thấp. Tính trong 2 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng chỉ tăng khoảng 0,77% so với cuối năm 2018, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 1%, và thấp hơn tốc độ tăng trưởng huy động ở mức 1%, cũng ủng hộ đáng kể cho thanh khoản trên thị trường 2 (thị trường tiền tệ LNH). Đến ngày 19-3, lãi suất đã giảm về khoảng 3,1 - 3,2% kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần.
Tuy nhiên, lãi suất đã đi ngang và tăng trở lại vào những ngày cuối tuần, nguồn cung từ các ngân hàng lớn khan hiếm, lãi suất tăng mạnh, lãi suất kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần phổ biến trong khoảng 3,3 - 3,7%, thậm chí lên tới 3,8%. Có nguồn tin cho rằng, Kho bạc Nhà nước đã rút tiền khỏi các ngân hàng quốc doanh khiến cung nội tệ trở nên khan hiếm. Điều này có vẻ có lý, khi trong phiên giao dịch ngày 22-3, các ngân hàng quốc doanh đã tăng giá mạnh so với ngày trước đó và hết nguồn từ khá sớm.
Số dư tiền gửi kho bạc là biến số khó dự tính và có ảnh hưởng lớn tới thanh khoản trên thị trường tiền tệ. Còn nhớ vào năm ngoái, khi Kho bạc Nhà nước rút khoảng hơn 60.000 tỉ đồng khỏi hệ thống trong quí 2 đã đẩy lãi suất tiền đồng LNH tăng cao trong giai đoạn sau đó. Việc kho bạc rút tiền với khối lượng lớn đã ảnh hưởng tới dự tính của các ngân hàng và vô hình chung tạo các "cú sốc" trên thị trường.
Đầu năm nay, có những nguồn tin về việc Kho bạc Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu lượng tiền gửi tại các ngân hàng, trong khi đó tỷ lệ sở hữu của các ngân hàng quốc doanh là đa số, do thứ nhất đây là các ngân hàng do Nhà nước chiếm cổ phần, thứ hai các ngân hàng này vốn được coi là "cánh tay nối dài" của chính sách tiền tệ. Chưa rõ về hình thức đấu thầu, hay liệu việc đấu thầu này có được triển khai hay không, xong nếu điều đó xảy ra sẽ khiến nguồn tiền gửi này trở nên minh bạch hơn rất nhiều, giúp ngân hàng chủ động trong kế hoạch kinh doanh.
Cộng hưởng thêm từ việc NHNN liên tục hút ròng nội tệ thông qua kênh phát hành tín phiếu trên OMO kỳ hạn 1 tuần, lãi suất 3%, đã góp phần đẩy lãi suất LNH tăng đáng kể. Số dư tín phiếu hiện tại đạt 37.500 tỉ đồng, tuy chưa phải quá lớn so với số dư hơn 80.000 tỉ đồng với thời điểm cuối tháng 6-2018, nhưng cũng phần nào khiến cung nội tệ trở nên khan hiếm.
Điểm đáng chú ý là các phiên gọi thầu tín phiếu chưa bao giờ đạt tỷ lệ trúng 100%. NHNN đã gọi thầu từ khi lãi suất LNH ở mức 3,5 - 3,7% kỳ hạn 1 tuần, nghĩa là cao hơn đáng kể so với lãi suất tín phiếu là 3%, cùng kỳ hạn. Tuy vẫn có một số ngân hàng dự thầu xong có lẽ thị trường chưa thực sự cần thiết phải tham gia kênh này, hình thức phát hành mang tính "nghĩa vụ", thiếu tính thị trường.
Thêm một điểm nữa, trong khi NHNN liên tục sử dụng phát hành tín phiếu qua OMO để hút ròng nội tệ, duy trì lãi suất LNH quanh ngưỡng 3% - lãi suất tín phiếu, phần nhiều là nhằm bình ổn lạm phát đang bị áp lực từ tăng giá điện, xăng, khi tỷ giá và lãi suất đô la Mỹ LNH vẫn rất ổn định từ đầu năm. Thị trường đã bắt được tín hiệu, lãi suất LNH đã nhanh chóng về mức 3,1 - 3,2%. Giả sử việc Kho bạc rút tiền khỏi hệ thống là đúng, thì có lẽ đang có mâu thuẫn, thiếu đồng bộ trong sử dụng các công cụ của nhà điều hành.
Tiền gửi kho bạc gần đây được coi là một công cụ mới của chính sách tiền tệ, hợp lý hơn thì có thể coi đây là sự kết hợp giữa tài khóa và tiền tệ. Việc kho bạc rút tiền là nhân tố lớn đẩy lãi suất lên mặt bằng mới 3,5 - 3,7%. Có ý kiến cho rằng, liệu nhà điều hành đã tính toán sai và cần hút thêm nhiều nội tệ nữa thì mới đảm bảo lạm phát?
Với mặt bằng lãi suất mới này, liệu có hỗ trợ chi phí vốn cho thị trường 1 (nơi diễn ra các giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và dân cư), cho cả nền kinh tế khi mà tăng trưởng quí 1 được dự báo ở mức thấp? Liệu mức lãi suất này có cần thiết trong một cân đối với lãi suất đồng đô la vốn ổn định suốt từ đầu năm và tỷ giá cũng ổn định khi các yếu tố tài chính quốc tế đều hỗ trợ đáng kể cho môi trường vĩ mô trong nước ổn định?
Tâm lý bất ổn sau những diễn biến từ thị trường LNH đã lan sang thị trường trái phiếu. Đà bán tháo trong thị trường "con gấu" đang nắm thế chủ đạo khi các nhà đầu tư đang dự tính về một mặt bằng lãi suất cao hơn, lợi suất trái phiếu chính phủ đã tăng khoảng 10 điểm so với tuần trước.
Tuần vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ít nhất trong hết năm 2019, đã khiến tỷ giá và lãi suất đô la tiếp tục đà ổn định suốt từ đầu năm. Tuy vậy, song hành cùng những sự ổn định này, lãi suất tiền đồng trên thị trường tiền tệ lại liên tục tăng. Có lẽ, nhà điều hành cần đưa ra những thông điệp cụ thể hơn trong chính sách.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/