Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018
Ảnh minh họa. |
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tăng trưởng 7,1% trong nửa đầu năm 2018 (so với cùng kỳ năm trước), nhờ tăng trưởng ấn tượng của ngành chế tạo chế biến, ngành nông nghiệp và ngành dịch vụ.
Ấn bản tháng 10/2018 có tên “Chèo lái qua bất ổn” do Ngân hàng Thế giới công bố ngày hôm nay nhấn mạnh dù môi trường bên ngoài kém thuận lợi, triển vọng tăng trưởng của nhóm các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương vẫn tích cực.
Trong môi trường đó, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng thuận lợi. GDP tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát ở mức vừa phải và vị thế kinh tế đối ngoại được củng cố. Chỉ số giá tiêu dùng toàn phần (CPI) tăng bình quân 3,5%/năm (thấp hơn chỉ tiêu 4% của chính phủ) trong khi tỷ lệ lạm phát lõi xoay quanh 1,4% trong 7 tháng đầu năm 2018. Nền kinh tế đạt kết quả vững chắc nhờ cam kết của chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân.
Các chính sách của chính phủ tiếp tục tập trung cải cách theo hướng thị trường nhằm giảm dần vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp tục mở cửa nền kinh tế để thu hút đầu tư tư nhân.
Hoạt động tạo việc làm đã và đang diễn ra mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam tạo ra trên 900 nghìn việc làm trong năm 2017, còn mức lương thực tế tăng 4,3% do nhu cầu lao động vẫn đang phát sinh mạnh tại các ngành chế tạo, chế biến, xây dựng và dịch vụ.
Xuất khẩu Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh hơn và năng lực sản xuất được mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 16% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2018.
Cán cân thanh toán thuận lợi, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước đạt khoảng 64 tỷ đôla Mỹ vào đầu tháng 6/2018.
Trong điều kiện lạm phát vừa phải, chính sách tiền tệ và tín dụng tiếp tục được cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng vẫn cao ở mức khoảng 17% do nhu cầu vốn gia tăng cho các hoạt động kinh tế và tiêu dùng. Tuy nhiên Ngân hàng Thế giới cảnh báo tăng trưởng tín dụng cao có thể dẫn đến những bất cân đối về phân bổ tín dụng và đầu tư rủi ro dẫn đến suy giảm chất lượng tài sản.
Theo Ngân hàng Thế giới, triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tăng trưởng GDP năm 2018 ước đạt khoảng 6,8% , cao hơn so với dự báo 6,5% trong dự báo công bố vào tháng 4/2018.
Tăng trưởng GDP năm 2019 ước sẽ đạt 6,6% và 6,5% trong năm 2020 đó sức cầu trên toàn cầu chững lại theo chu kỳ. Kinh tế có khởi sắc hơn nhưng lạm phát năm 2018 sẽ vẫn chỉ dưới 4% theo mục tiêu của chính phủ với điều kiện chính sách tiền tệ được thắt chặt phần nào nhằm đối phó với áp lực giá phát sinh do áp lực về giá đầu vào trong nước và tăng giá thương phẩm trên toàn cầu.