|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng tại Bình Dương bơm vốn cho sản xuất kinh doanh

04:00 | 09/03/2023
Chia sẻ
Các tổ chức tín dụng tại Bình Dương đã có nhiều hình thức hỗ trợ đa dạng như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, qua đó đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 8/3, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã giải ngân hơn 670 tỷ đồng cho 2 chương trình vay trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất và vay phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, chương trình cho người sử dụng lao động của tỉnh vay trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất đã giải ngân cho 223 lượt người sử dụng lao động với số tiền hơn 541 tỷ đồng để trả lương cho 124.103 lượt người lao động.

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương đã giải ngân được hơn 132  tỷ đồng thực hiện chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Từ giữa năm 2022 đến nay, số lao động tạm ngưng hợp đồng khoảng 28.000 người; lao động bị giảm giờ làm có khoảng 240.000 lao động và có 610 doanh nghiệp giải thể. Do tình hình sản xuất gặp khó khăn nên một số doanh nghiệp nợ hoặc chậm trả lương cho người lao động.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Dương, cho biết trong năm 2022 đơn vị đã triển khai đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của ngành tới các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 285.576 tỷ đồng, tăng 12,38% so với cùng kỳ.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động tìm kiếm, chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng việc tiết giảm chi phí nội tại, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm đầu tư vốn phát triển kinh tế tại địa phương. Việc tiếp cận và vay vốn của khách hàng gặp thuận lợi. Hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao, cơ cấu vốn tín dụng được điều chỉnh theo hướng hợp lý, an toàn và hiệu quả hơn.

Trong số đó, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã tạo hiệu ứng lan tỏa đối với cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tạo điều kiện duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Năm 2023, tín dụng vào các chương trình kinh tế dự kiến tăng 14-15% so với năm 2022 và có sự điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Ngoài việc hỗ trợ vốn đối với các thành phần kinh tế, các tổ chức tín dụng tập trung cho vay 5 ngành, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ với tổng dư nợ tín dụng đạt 166.410 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng có nhiều hình thức hỗ trợ đa dạng như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, qua đó đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Hiện các ngân hàng được cấp chỉ tiêu tăng trưởng cho vay mới đang gia tăng nguồn vốn cung ứng cho các khoản vay của doanh nghiệp. Như Vietcombank Bình Dương, với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, Vietcombank Bình Dương vẫn áp dụng mức lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp từ 4,5-8%/năm.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Bình Dương cũng triển khai chương trình cho vay ưu đãi và các chính sách miễn giảm phí cạnh tranh đối với khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; HDBank đang triển khai gói tín dụng Swift Sme 20.000 tỷ đồng, sản phẩm cho vay kinh doanh dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, từ nay đến hết ngày 31/3/2023; Sacombank tỉnh Bình Dương cũng có chương trình cho vay kinh doanh trả góp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm áp lực trả nợ do thời gian vay lên đến 60 tháng thay vì phải trả nợ trong vòng 1 năm như thông thường…

Ngoài ra, năm 2023, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cho vay học sinh, sinh viên.

Năm 2022 tổng kế hoạch nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bình Dương hơn 4.215 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt 2.028 tỷ đồng, với 32.376 lượt khách hàng vay vốn, tổng dư nợ đến 31/12/2022 đạt 4.147 tỷ đồng./.

Huyền Trang