|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng sẽ khó kiếm lời từ tỷ giá trong năm 2021

14:48 | 15/01/2021
Chia sẻ
Năm 2020, các ngân hàng đã thu về hàng trăm, nghìn tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối. Theo giới phân tích, việc dừng mua ngoại tệ giao ngay của NHNN sẽ khiến các ngân hàng gánh chịu rủi ro tỷ giá lớn hơn và thu nhập ngoại hối có thể giảm trong năm 2021.
0-1514173082185-19-36-1114-1986-crop-1514173108585-1514174050632.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

NHNN ngừng mua ngoại tệ giao ngay từ các ngân hàng

Trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quy định mới về hoạt động mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại (NHTM).

Cụ thể, từ ngày 31/12/2020, cơ quan này sẽ ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay và ngừng mua ngoại tệ giao ngay.

Bên cạnh đó, từ ngày 4/1/2021, NHNN sẽ thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 VND/USD. Mỗi tổ chức tín dụng chỉ được hủy ngang 1 lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi bán ngoại tệ cho NHNN theo phương án này.

Đối tượng NHNN mua kỳ hạn là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ dương và có nhu cầu bán ngoại tệ cho NHNN; mức ngoại tệ mua tối đa cho mỗi tổ chức tín dụng mỗi lần tương đương mức để đưa trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng đó về cân bằng.

Theo giới phân tích, so với hình thức mua giao ngay trước đây, phương án mua kỳ hạn sẽ khiến các NHTM chịu gánh nặng rủi ro ngoại hối lớn hơn và NHNN sẽ can thiệp ít hơn vào thị trường ngoại hối. Đồng thời, chính sách này sẽ ảnh hưởng mạnh tới lợi nhuận mảng kinh doanh ngoại hối, nguồn thu ngoài lãi chiếm tỷ trọng khá lớn tại một số ngân hàng.

Trong năm 2020, tỷ giá mua USD tại các NHTM chủ yếu dao động trong khoảng 23.000 – 23.100 VND/USD còn tại Sở giao dịch, giá mua 23.175 VND/USD được duy trì đến hết tháng 11/2020. Như vậy, chênh lệch giữa giá mua USD tại các ngân hàng và Sở giao dịch NHNN trong hầu hết thời gian năm 2020 rơi vào khoảng 75 - 175 đồng/USD.

Điều này có nghĩa, các NHTM chỉ cần mua USD từ khách hàng và bán lại cho NHNN thì mức lãi thuần cũng lên đến 75 – 175 đồng/USD.

Mặt khác, trong 8 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào khoảng 13 tỷ USD, con số này tiếp tục gia tăng trong những tháng vừa qua và ước đạt 21 tỷ USD vào cuối năm 2020 (Chính phủ ước tính dự trữ ngoại hối đạt 100 tỷ USD). 

Như vậy, chỉ tính riêng hoạt động mua bán ngoại tệ với NHNN, các ngân hàng với trọng tâm là khối quốc doanh có thể thu về khoản lãi thuần lên đến hàng nghìn tỷ đồng trong năm vừa qua.

136772944_3653991144719880_401889919492990119_n.png

Nguồn: SSI Research

Thực tế, một loạt ngân hàng đã ghi nhận những khoản lợi nhuận "khủng" từ hoạt động giao dịch ngoại tệ trong 9 tháng đầu năm 2020 và phần lớn đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay.

Điển hình như tại Vietcombank, lũy kế 3 quý vừa qua, nhà băng này ghi nhận khoản lãi 2.963 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ và chiếm 8,6% tổng thu nhập hoạt động.

Mặc dù không công bố chi tiết cấu trúc nguồn thu nhưng trong các năm trước, lãi thuần từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay luôn chiếm trên 80% tổng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của Vietcombank. Như vậy, nếu cấu trúc nguồn thu không thay đổi, nhà băng này có thu về gần 2.400 tỷ đồng lãi thuần từ nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ giao ngay.

9 tháng đầu năm, BIDV và VietinBank cũng thu về lần lượt 1.254 tỷ đồng và 1.514 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, tăng hơn 16% và 27% so với cùng kì. 

Theo báo cáo tài chính quý II, Agribank ghi nhận khoản lãi thuần gần 585 tỷ đồng từ mảng kinh doanh ngoại hối và vàng. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động giao ngay là hơn 570 tỷ, chiếm 97% và tăng 20,5% so với cùng kì.

Bên khối ngân hàng cổ phần, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối thậm chí còn tăng gấp hàng chục tới hàng trăm % so với cùng kì như TPBank (+468%), SeABank (+227%), Nam A Bank (+168%), MSB (+134%), SHB (+132%),… 

Thu nhập từ kinh doanh ngoại hối có thể giảm trong năm 2021

Đánh giá về động thái dừng mua ngoại tệ giao ngay của NHNN, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng nguồn cung ngoại tệ sẽ vẫn tương đối dồi dào vào năm 2021, nhưng việc NHNN ngừng mua ngoại tệ giao ngay và chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang sẽ khiến các NHTM chịu gánh nặng rủi ro ngoại hối lớn hơn và tỷ giá có thể biến động nhiều hơn. 

"Do đó, giá trị giao dịch ngoại hối có thể vẫn cao, nhưng thu nhập ngoại hối của các ngân hàng có thể giảm vào năm 2021", SSI Research nhận định.

Theo Chứng khoán KB, việc ngừng niêm yết tỷ giá mua USD tại Sở Giao dịch sẽ gỡ bỏ "chốt chặn" đà giảm của tỷ giá USD/VND trên thị trường ngoại hối.

Đồng thời, việc ngưng hoạt động mua ngoại tệ giao ngay cho thấy NHNN không còn sẵn sàng mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối như trước kia. Các NHTM cần phải phải chủ động liên hệ trực tiếp với NHNN trong trường hợp trạng thái ngoại tệ dương lớn và nếu có được tiến hành thì hoạt động mua giao ngay USD rất có thể chỉ diễn ra theo từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, việc mở rộng kỳ hạn mua USD lên 6 tháng kèm điều kiện không được huỷ ngang 1 lần cho thấy việc bán USD có kỳ hạn cho NHNN đã trở nên khó khăn hơn nhiều.

Mặt khác, chính sách mới cũng sẽ hạn chế công cụ bơm VND vào hệ thống và trong trường hợp thanh khoản thiếu hụt tạm thời, nhiều khả năng NHNN sẽ phải nới thời gian đáo hạn trên thị trường OMO (hiện tại là 7 ngày).

Nhìn theo hướng tích cực, BVSC cho rằng việc ngừng mua ngoại tệ giao ngay của NHNN sẽ một phần giúp điều tiết thị trường ngoại hối bằng cách rải nguồn VND mua ngoại tệ đối ứng ra thị trường trong một thời gian dài thay vì dồn cung VND tại một thời điểm nếu thực hiện mua giao ngay, nhất là trong bối cảnh nguồn kiều hối thường đổ dồn về cuối năm như thời điểm hiện tại.

Quốc Thụy