|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành lần 3 trong năm 2023, áp dụng từ 25/5

18:36 | 23/05/2023
Chia sẻ
Đây là lần thứ ba NHNN ra quyết định giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế kể từ đầu năm 2023.

 Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: SBV).

Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5/2023.

Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Chia sẻ tại toạ đàm mới đây, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra rằng, có nhiều lý do để Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất. Hiện tại,áp lực lạm phát, áp lực về lãi suất, tỷ giá đã và đang giảm đi rất nhiều so với năm ngoái, đồng thời thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn quý IV/2022. 

“Chúng ta có đầy đủ dư địa để giảm mặt bằng lãi suất, nếu dung hoà được chính sách, chúng ta có thể giảm được lãi suất từ 1 đến 2 điểm % từ nay đến cuối năm và bắt đầu ngay trong quý II”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS. Lực cũng lưu ý, mức giảm 1-2 điểm % là phù hợp còn nếu giảm lãi suất sâu quá, người dân lại cảm thấy gửi tiền âm và dòng tiền sẽ chạy vào các thị trường đầu cơ. 

Trước đó trong tháng 3 và tháng 4, NHNN đã hai lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1%/năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Cùng với đó, NHNN đã chỉ đạo TCTD duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường. 

Nhà điều hành cũng khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo nhận định của NHNN, đến thời điểm hiện tại về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023.

Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) ở mức khoảng 6,3%/năm, giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022. Lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 9,3%/năm giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022.

Lý giải việc lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao, NHNN đã chỉ ra nhiều nguyên nhân như việc phụ thuộc nhiều vào kênh cung ứng vốn từ hệ thống ngân hàng, áp lực về lạm phát và tỷ giá cả trong và ngoài nước.

Số liệu từ NHNN cho biết kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.

Bên cạnh đó, Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ làm giảm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, gây áp lực lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất.

Diệp Bình