|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng Nhà nước dự kiến siết chặt hơn giới hạn cho vay

10:40 | 15/03/2023
Chia sẻ
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng dự kiến giảm từ 15% xuống còn không quá 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại.

Ảnh minh hoạ: NHNN.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó bao gồm quy định về việc giới hạn cấp tín dụng và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng. 

Cụ thể, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng dự kiến giảm từ 15% xuống còn không quá 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, giảm so với mức hiện hành là 25%.

Đối với tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức.

Về quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần, dự thảo đề xuất tỷ lệ sở hữu của một cổ đông cá nhân không được vượt quá 3% vốn điều lệ của một TCTD. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD, trừ các trường hợp sở hữu cổ phần tại TCTD được kiểm soát đặc biệt; sở hữu cổ phần nhà nước tại TCTD cổ phần hóa và sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định.

Bên cạnh đó, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD (giảm so với mức trước đó là 20%). Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác.

Trước đó, báo cáo về vấn đề sở hữu chéo, Thống đốc NHNN cho biết các TCTD đã tích cực đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại...

Theo đó, sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến nay còn tại một NHTM cổ phần với một cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).

Cụ thể là trường hợp của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - CTCP Bất động sản Hòa phát-Á Châu. Tỷ lệ sở hữu của ACB tại CTCP Bất động sản Hòa Phát-Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,05%.

Cũng theo thống đốc, thực tế, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Huyền Phương

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Thông qua chuyển trụ sở, miễn nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Ngô Tony
Tại đại hội lần này, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ đã không thể thông qua việc sửa đổi điều lệ và chấm dứt đầu tư trụ sở chính ở TP HCM.