Ngân hàng hướng tới nhu cầu an cư của người dân
Khách hàng giao dịch tại Techcombank (Ảnh: Techcombank).
Hướng tới nhu cầu ở thực
Theo số liệu cập nhật từ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi tới các Đại biểu Quốc hội, đến tháng 8, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm kinh doanh và tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm trước, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tín dụng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, vay vốn để tự sửa chữa nhà chiếm 68,3%.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn, nhưng không có nghĩa ngân hàng phải hạn chế cho vay. Việc hạn chế rủi ro của ngân hàng bằng cách lựa chọn dự án hiệu quả, chọn chủ đầu tư đủ năng lực mới xem xét giải ngân vốn.
Theo ông Hùng, tín dụng vào bất động sản gồm hai loại: vốn trực tiếp cho vay kinh doanh bất động sản và vốn cho người dân vay tiêu dùng với mục đích mua bất động sản để ở. Trong đó, chủ trương chính sách của NHNN hướng tới giảm loại hình cho vay trực tiếp kinh doanh bất động sản và tăng trưởng vào loại hình còn lại, nhằm mục tiêu hướng đến tiêu dùng các sản phẩm bất động sản.
Qui định của NHNN áp dụng tỉ lệ rủi ro 100% với phân khúc căn hộ giá 1 - 3 tỉ đồng nhằm tạo điều kiện để chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Đây là loại sản phẩm trên thị trường đang thiếu và góp phần thúc đẩy chủ đầu tư đầu tư phân khúc này, ngoài ra tạo điều kiện để người dân có thể vay ngân hàng mua căn hộ ổn định cuộc sống.
Không nên đánh đồng tín dụng bất động sản với rủi ro
Giới chuyên môn cho rằng không nên đánh đồng rủi ro tín dụng bất động sản. "Rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản có thể cao, nhưng ngược lại cho vay mua nhà để ở lại rất thấp. Do vậy, chúng ta không nên hà khắc quá đối với tín dụng BĐS mà nên kiểm soát tổng tín dụng nói chung. Nếu quản lí tín dụng bất động sản tốt còn hiệu quả hơn nhiều so với cho vay lĩnh vực khác", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.
Thực tế, nhiều ngân hàng có dư nợ cho vay mua nhà ở khá cao, nhưng nợ xấu lại thấp do mô hình quản trị rủi ro tốt và tập trung vào đúng phân khúc cho vay mua nhà để ở. Techcombank là điển hình cho mô hình này khi dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chiếm 48,3% tổng dư nợ. Cho vay mua nhà chiếm 82% danh mục cho vay cá nhân với 90% trong số này là cho vay khách hàng thu nhập cao và khá, nợ xấu của nhóm này ở mức 0,7%. Tăng trưởng cho vay đóng góp đáng kể vào lợi nhuận 9 tháng đầu năm, đạt 8.860 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch năm. Nợ xấu toàn ngân hàng giữ ở mức 1,8%. Hay như tại ACB, dư nợ cho vay mua nhà tiếp tục tăng nhưng nợ xấu hiện tại chỉ 0,7%.
Tại cuộc gặp gỡ mới nhất với các nhà phân tích về kết quả kinh doanh quý III, lãnh đạo Techcombank khẳng định sự tự tin vào mô hình cho vay khác biệt: Chỉ cho vay đối với những người có nhu cầu vay mua nhà để ở và nói "Không" với kinh doanh bất động sản.
Điều đáng nói ở đây, ngân hàng cho vay theo chuỗi, hay cho vay theo hệ sinh thái từ chủ dự án đến các nhà thầu xây dựng, hệ thống phân phối và những người vay mua nhà để ở. Với mô hình cho vay này, rủi ro trong hoạt động cho vay bất động sản được phân bổ cho các cấu phần trong toàn bộ chuỗi giá trị, song đều có một dữ liệu liên thông do ngân hàng quản lí.
"Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung phục vụ tín dụng đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, mua xe nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống. Đây là phân khúc khách hàng có nguồn thu nhập ổn định và có tài sản đảm bảo cho khoản vay. Ngân hàng không phục vụ nhu cầu vay mua nhà để mua đi bán lại trên thị trường, cũng như các khoản tiêu dùng cá nhân có tính chất ngắn hạn", lãnh đạo Techcombank chia sẻ thêm.
Chiến lược của Techcombank cũng đang đồng hành cùng chủ trương của NHNN vốn khuyến khích cho vay mua nhà theo chuỗi, vừa an toàn vừa đảm bảo hiệu quả. Bởi tất cả các khâu giao dịch đều đi qua ngân hàng nên ngân hàng kiểm soát dòng tiền ra vào của khách hàng, đảm bảo khả năng trả nợ.
Các chuyên gia đánh giá, mô hình cho vay theo chu trình khép kín giữa ngân hàng - chủ đầu tư – nhà thầu xây dựng - người mua nhà nếu được phối hợp đồng bộ sẽ phát huy hiệu quả, giúp người tiêu dùng tiếp cận nguồn vốn bền vững từ ngân hàng và đẩy lùi tín dụng đen.