Cho vay bất động sản vẫn tiếp tục 'phình to' tại các ngân hàng
Ảnh minh họa (Nguồn: Vietnamplus)
Dư nợ cho vay bất động sản, xây dựng tiếp tục "phình to"
Thống kê từ báo cáo tài chính sau soát xét của 18 ngân hàng niêm yết cho thấy dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng của các ngân hàng tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng của 13 ngân hàng đạt 273.700 tỉ đồng, tăng hơn 26.100 tỉ đồng (tương đương tăng 10,6%) so với cuối năm 2018 và chiếm 13,5% tổng dư nợ cho vay khách hàng. 5 ngân hàng còn lại gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank, NCB, và LienVietPostBank không công bố chi tiết dư nợ cho vay khách hàng phân theo ngành nghề kinh doanh.
Trong số 13 ngân hàng cổ phần trên, VPBank là ngân hàng có dư nợ cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng lớn nhất với gần 67.600 tỉ đồng, tăng hơn 5.000 tỉ so với cuối năm trước.
Dư nợ cho vay bất động sản của VPBank đạt gần 48.472 tỉ đồng, tăng hơn 5.000 tỉ đồng, riêng cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở đạt 21.885 tỉ đồng, tăng 2.300 tỉ đồng.
Xét về tỉ trọng, cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng chiếm 27,3% tổng dư nợ cho vay khách hàng của VPBank. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 19,58%; cho vay xây dựng chiếm 7,72%.
Đứng sau VPBank về qui mô cho vay bất động sản và xây dựng là SHB. Tính đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay của SHB đối với hai lĩnh vực trên là hơn 51.000 tỉ đồng, tăng gần 5.500 tỉ đồng và chiếm 21,3% tổng dư nợ cho vay của nhà băng này. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản 19.400 tỉ, chiếm 8,07%; cho vay xây dựng là gần 31.700 tỉ, chiếm 13,19%.
Tiếp đó là Techcombank với qui mô cho vay ở các lĩnh vực này khoảng 31.800 tỉ đồng, chiếm 17,1% tổng dư nợ cho vay. Cụ thể, dư nợ cho vay ngành xây dựng là khoảng 5.000 tỉ (chiếm 2,73%); cho vay kinh doanh bất động sản hơn 26.700 tỉ đồng (chiếm 14,4%).
Đáng chú ý, Techcombank là ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay hai lĩnh vực trên đạt 47% so với cuối năm trước, mức cao nhất trong 13 ngân hàng, tương ứng tăng 10.100 tỉ đồng. Số dư cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng mạnh hơn 98% trong khi số dư cho vay xây dựng lại giảm 62%.
Hai ngân hàng khác cũng có dư nợ cho vay bất động sản và xây dựng ở mức cao trên 20.000 tỉ gồm MBBank (25.600 tỉ đồng) và HDBank (24.100 tỉ đồng). Cụ thể, MBBank đang cho vay ngành xây dựng gần 20.000 tỉ và cho vay kinh doanh bất động sản hơn 5.600 tỉ; con số này tại HDBank lần lượt là 14.300 tỉ và 9.800 tỉ.
Thống kê cũng cho thấy trong 13 ngân hàng công bố phân loại dư nợ cho vay theo ngành thì chỉ có hai ngân hàng có dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và xây dựng giảm so với đầu năm là MBBank và VIB.
Tại VIB, ngân hàng này không công bố dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, mức dư nợ giảm chỉ là dư nợ cho vay ngành xây dựng.
Tín dụng vẫn chảy mạnh vào BĐS thông qua cho vay tiêu dùng và trái phiếu doanh nghiệp
Thông thường, tín dụng bất động sản được phân làm hai loại, gồm vốn trực tiếp cho vay kinh doanh bất động sản và vốn cho vay tiêu dùng với mục đích mua, xây dựng bất động sản.
Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù tăng trưởng cho vay kinh doanh bất động sản có dấu hiệu chậm lại nhưng lượng tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản thông qua kênh tiêu dùng lại tăng mạnh.
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt gần 1,4 triệu tỉ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2018 và chiếm 18,2% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản đạt 473.700 tỉ đồng (chiếm 34%) và chỉ tăng 2,5% trong khi tín dụng tiêu dùng bất động sản đạt 919.600 tỉ đồng (chiếm 66%) và tăng mạnh 9,4%.
Ngân hàng có siết cho vay BĐS?
Nói về việc sửa đổi Thông tư số 36, siết cho vay mua nhà trên 3 tỉ đồng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết mục đích của điều kiện này là nhằm nắn lại sự mất cân đối của các chủ đầu tư BĐS.
Ông chỉ ra rằng các chủ đầu tư hiện nay tập trung chủ yếu vào nhà thương mại, nhà cao cấp, khu du lịch, nghỉ dưỡng trong khi thiếu nguồn cung cho nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, loại sản phẩm mà thị trường đang rất thiếu.
Vụ trưởng khẳng định rằng các ngân hàng không thiếu vốn và sẽ vẫn cho vay đối với các dự án BĐS chỉ cần các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lí hoàn thiện và có khả năng tài chính.
(Thông tin từ Họp báo tổng kết 6 tháng đầu năm 2019 của NHNN)
Song hành với kênh cho vay tiêu dùng, dòng tín dụng vẫn tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản thông qua việc các ngân hàng tăng cường nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.
Nhiều đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản được các ngân hàng mua trọn. Điển hình như MBBank mua trọn 550 tỉ đồng trái phiếu của Công ty phát triển Bất động sản Phát Đạt hay VPBank "ôm hết" lô 800 tỉ đồng trái phiếu của Công ty cp Đầu tư Văn Phú - Invest,...
Nguồn: SSI Research
Một số ngân hàng thương mại không mua trực tiếp thì lại thông qua các công ty chứng khoán thành viên để mua.
Trước tình trạng này, NHNN đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và xây dựng.
Trong công văn này, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp để đảm bảo tuân thủ đúng qui định về các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Đặc biệt là qui định về giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan.
NHNN cho biết sẽ xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm qui định về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp