|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng góp sức phát huy thế mạnh cho doanh nghiệp nữ làm chủ

08:00 | 24/05/2023
Chia sẻ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Qua thực tiễn hoạt động, khối doanh nghiệp này thể hiện rõ các điểm mạnh như phong cách lãnh đạo mềm dẻo, linh hoạt song lại bền bỉ hơn trước khó khăn,…

Những điểm mạnh đó càng được phát huy khi các ngân hàng vào cuộc hỗ trợ nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn ưu đãi qua kết nối với các định chế tài chính nước ngoài.

Ngân hàng đẩy mạnh vốn cho doanh nghiệp do nữ làm chủ

Xác định DNNVV nói chung, doanh nghiệp do nữ làm chủ (WSMEs) nói riêng là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng, các ngân hàng đã và đang tập trung vốn hỗ trợ cho vay đối với các lĩnh vực này, đồng thời áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.

Từ đầu năm 2020 đến nay, hệ thống ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp, người dân.

Trong đại dịch Covid-19, hệ thống ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có WSMEs; đồng thời triển khai Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp xuyên suốt nhiều năm qua tại các tỉnh, thành phố và các khu vực kinh tế, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong quan hệ tín dụng ngân hàng.

Việc IFC và nhiều tổ chức tài chính quốc tế đồng hành cùng SHB trong thời gian qua tiếp tục khẳng định uy tín và năng lực của SHB trên thị trường tài chính quốc tế, đồng thời khẳng định chiến lược đúng đắn của Ngân hàng trong việc phát triển an toàn, mạnh mẽ. (Ảnh: SHB).

Các ngân hàng cũng đã xây dựng mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ, tối ưu hoá việc phân tích và đánh giá doanh nghiệp trước khi ra quyết định cho vay; thành lập riêng bộ phận chuyên quản lý về hoạt động cho vay đối với DNNVV; áp dụng đa dạng, linh hoạt các biện pháp về tài sản đảm bảo để tháo gỡ khó khăn thiếu tài sản đảm bảo của doanh nghiệp; triển khai đa dạng các gói sản phẩm vay vốn ưu đãi riêng cho các DNNVV.

Nhờ đó, dư nợ tín dụng đối với DNNVV thời gian qua luôn được duy trì với tốc độ tăng trưởng tích cực trên 10%/năm, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Riêng khách hàng WSMEs, việc có một chiến lược riêng để phục vụ đã cải thiện mức độ tương tác của ngân hàng với phân khúc này và nâng cao trải nghiệm khách hàng của ngân hàng.

Như tại Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), SHB đã có nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng WSMEs theo viện trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong đó có Chương trình “Tiếp sức Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”.

Các doanh nghiệp nữ chủ đang gặp khó khăn bởi Covid-19 được SHB cơ cấu thời hạn trả nợ (đối với khách hàng hiện hữu), hỗ trợ tối đa 6 tháng tiền lãi (đối với khách hàng mới), đồng thời được miễn toàn bộ các loại phí liên quan… Giá trị khoản hỗ trợ này lên đến 10.000 USD, trích từ nguồn tài trợ của ADB. Ngoài ra, để tạo đòn bẩy kinh doanh cho các doanh nghiệp nữ chủ vay vốn mới, ADB đứng ra thay mặt khách hàng trả phí cam kết rút vốn lên đến 8% giá trị khoản vay.

Hay mới đây, SHB đã ký hợp đồng hợp tác tín dụng với IFC với giá trị 120 triệu USD nhằm phát triển danh mục cho vay DNNVV, trong đó có các WSME và những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

SHB cam kết sẽ dành riêng tối thiểu 37,5% giá trị khoản vay để cho vay các WSME, và ngân hàng sẽ nhận được khoản tài trợ 226.000 USD từ Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho Nữ doanh nhân (We-Fi) và Quỹ Tạo Cơ hội cho Nữ doanh nhân (WEOF) - các sáng kiến tài trợ toàn cầu với mục tiêu mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho nữ doanh nhân.

Nâng thêm lợi thế của doanh nghiệp WSMEs

Theo số liệu từ ADB, các WSMEs có tỷ lệ hoàn trả khoản vay tốt hơn ổn định, với chỉ 1,86% các khoản nợ bị nợ xấu và 0,38% được phân loại là mất vốn, so với 3,16% và 1,70% của tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đáng chú ý, ngân hàng là kênh dẫn vốn đáng tin cậy nhất của nhóm doanh nghiệp này.

Nhờ sự hỗ trợ về vốn từ ngân hàng, nhiều WSMEs đã vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề chủ yếu là sản xuất các loại nấm ăn, bà Trần Ngọc Diễm Thuần - Giám đốc Công ty TNHH Nấm Cao Nguyên (Đắk Lắk) cho biết doanh nghiệp của bà chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch, sản xuất bị ngưng trệ, hàng hóa không tiêu thụ được dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh lưu động, doanh nghiệp hoạt động khó khăn. Sau khi được tiếp cận chương trình Chương trình “Tiếp sức Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” của SHB và ADB, công ty đã được bổ sung nguồn vốn kịp thời để tái sản xuất và ổn định hoạt động kinh doanh.

“Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của SHB và ADB, công ty đã tăng trưởng được 30-40% về nhân lực cũng như doanh thu bán ra sản phẩm” - bà Diễm Thuần chia sẻ thêm. (Ảnh: SHB).

WSMEs hiện chiếm khoảng 26,5% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có các điểm mạnh như phong cách lãnh đạo kinh doanh mềm dẻo, linh hoạt song lại bền bỉ hơn trước khó khăn, thường quan tâm đến các chính sách cho người lao động và đóng góp cho xã hội.

Trao quyền làm chủ kinh tế cho phụ nữ vừa thúc đẩy bình đẳng giới vừa là động lực cho sự phát triển bền vững doanh nghiệp và nền kinh tế, phát huy được tính sáng tạo, thế mạnh cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Với những lợi thế và điểm mạnh trên, nguồn lực tiếp sức từ các ngân hàng thương mại sẽ cộng hưởng thêm sức mạnh cho khối doanh nghiệp WSMEs để cùng phát huy mạnh mẽ hơn nữa một động lực cho kinh tế đất nước.

Theo đó, trong thời gian tới, ngành ngân hàng nói chung và SHB nói riêng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, các chính sách hỗ trợ WSMEs tiếp cận vốn; thiết kế các sản phẩm chuyên biệt, tăng cường nhiều giải pháp phi tài chính… hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.

Bích Thu