Ngân hàng đua tăng tín dụng
Tuy đã có cải thiện khá mạnh mẽ trong hơn 3 quý đầu năm nay, song các nhà băng muốn tận dụng cơ hội tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra. Vì vậy, có nhà băng xin nâng room tín dụng lên đến 25-26% cho cả năm.
Dự kiến trong các tháng cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm ổn định lạm phát, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 ở mức 18 - 20%, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Qua báo cáo tài chính 3 quý của năm 2016 cho thấy, dư nợ tín dụng cải thiện đáng kể ở nhiều nhà băng, cả lớn và nhỏ. Tại nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dư nợ tín dụng tăng trưởng trên dưới 8% sau 3 quý. Kế tiếp là nhóm cổ phần thuộc Top thứ 2, gồm các ngân hàng Á Châu, Techcombank, MB, VPBank…, cũng có sự cải thiện đáng kể về tăng trưởng tín dụng.
Sau 3 quý vừa qua, tín dụng ACB tăng 17%. Năm 2016, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18 - 20%, cao hơn toàn ngành. Đến cuối tháng 9/2016, huy động vốn của VPBank tăng trưởng ở mức 9%, dư nợ tăng 11%.
Đáng chú ý ở một số nhà băng nhỏ và vừa, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đều ở mức trên dưới 25%, như Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) 9 tháng, dư nợ tín dụng tăng 24%; OCB đến cuối tháng 6/2016 tăng 21%.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng ở mức cao trong 9 tháng năm nay, song nhiều nhà băng vẫn muốn có thêm dư địa cho vay, nên trình NHNN xin được nâng room. Viet Capital Bank vừa được NHNN chấp thuận cho nới room tín dụng lên 30%. OCB cũng được NHNN chấp thuận nới room lên mức 25%.
Theo lãnh đạo các nhà băng, cuối năm là cơ hội để kinh doanh lớn nhất trong năm nên cần có thêm dư địa cho vay, hoàn thành chỉ tiêu. Đó cũng là một trong những lý do để các nhà băng tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) triển khai sản phẩm ưu đãi cho vay mua ô tô dành cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất từ 6,5%/năm. Doanh nghiệp có thể vay số tiền lên đến 80% giá trị xe và thời gian vay lên đến 7 năm.
Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) dành 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất 6,8%/năm.
Ngân hàng Eximbank tung ra gói 4.000 tỷ đồng dành cho cá nhân vay với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.
Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) dành 400 tỷ đồng cho vay mua xe ô tô, lãi suất cạnh tranh 8,5%/năm. Mỗi khách hàng có thể vay lên đến 10 tỷ đồng, thời hạn vay tối đa lên tới 84 tháng.
Việc ngân hàng chạy đua đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất được xem là điều kiện tốt cho khách hàng trong dịp cuối năm khi nhu cầu vốn được dự báo còn tăng cao hơn các quý trong năm. Tuy nhiên, trước bối cảnh lãi suất huy động vốn vẫn được các nhà băng điều chỉnh tăng, TS. Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng) cho rằng, lãi suất cho vay khó có thể giảm mạnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng nhận định, lãi suất cho vay khó có thể giảm trong bối cảnh hiện nay khi chi phí đầu vào của ngân hàng vẫn theo chiều hướng nhích nhẹ, đặc biệt là trước áp lực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp tăng lãi suất.
Với thực tế hiện nay, nếu không thận trọng thì không chỉ người vay sập “bẫy” lãi suất cao, mà ngân hàng cũng phải “gánh” nợ xấu, do không sàng lọc tốt và kiểm soát chất lượng tín dụng. Lý do là, lãi suất đầu vào khó giảm, song lãi cho vay nhà băng vẫn chào ở mức thấp trong giai đoạn đầu khiến nhiều khách hàng dễ dàng ký hợp đồng vay, sau đó mất khả năng, không trả được lãi, cộng nợ gốc.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, dư nợ tín dụng trên địa bàn 3 quý đầu năm tăng trưởng hơn 10% và ước tính cả năm đạt mức tăng trưởng 18 - 20%. Tuy nhiên, trong đó tăng trưởng cao nhất vẫn là dư nợ cho vay tiêu dùng, nhưng tỷ lệ nợ xấu của phân khúc tín dụng này cũng tỷ lệ thuận với tăng trưởng dư nợ.